THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 October 2013

Doanh nhân Việt kêu gọi 'hành động tập thể' chống tham nhũng!

SÀI GÒN (NV) .- Muốn chống tình trạng tham nhũng đang bành trướng trong lĩnh vực kinh doanh, doanh nhân Việt Nam cần “hành động tập thể”.

Nguồn than đá của Việt Nam đã cạn kiệt, một phần do xuất cảng lậu, và từng được khuyến cáo là cần hạn chế xuất cảng để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp trong nước nhưng Bộ Tài chính CSVN không màng tới những khuyến cáo này. (Hình: Doanh nhân Sài Gòn)

Đó là khuyến cáo dành cho doanh giới Việt Nam qua cuộc hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”, do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức hôm 24 tháng 10-2013 tại Sài Gòn.

Theo tường thuật của báo chí trong nước về hội thảo vừa kể, đại diện nhiều doanh nghiệp xem chuyện phải tặng quà, tặng phong bì, chi tiền “bồi dưỡng” cho các viên nhà cầm quyền các cấp đã trở thành điều bình thường, một thứ “văn hóa kinh doanh” ở Việt Nam. Lúc này, doanh giới Việt Nam chỉ lo ngại sự câu kết giữa doanh nghiệp với viên chức chính quyền và giới làm luật, hình thành những “nhóm lợi ích”.

Đại diện một doanh nghiệp xuất cảng ở Sài Gòn cảnh báo, lúc này muốn đưa hối lộ nhưng không được các “nhóm lợi ích” ủng hộ cũng khó mà thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không còn đất sống vì bị các nhóm lợi ích muốn loại bỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Thuế xuất nhập cảng Đồng Nai, nhận định, sự câu kết giữa doanh nghiệp với viên chức không chỉ gói gọn trong phạm vi địa phương mà mở rộng tới cả hệ thống chính quyền trung ương. Hối lộ lúc này không còn đơn giản là để hoàn thành thủ tục cho nhanh hay để được trúng thầu, được che chở, hối lộ bây giờ là để hoạc định chính sách nhằm tạo cơ hội trục lợi lớn.

Một chuyên viên về thể chế trong chi nhánh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, tên là Soren Davidsen, xác nhận, theo kết quả cuộc khảo sát gần nhất do cơ quan ông ta thực hiện, đa số doanh nghiệp cùng cho rằng các “nhóm lợi ích” càng ngày càng có ảnh hưởng lớn, tác động mạnh tới cả lãnh đạo các tỉnh lẫn lãnh đạo các bộ, ngành.
Cũng theo báo chí Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp tỏ ra tuyệt vọng khi cả doanh nhân lẫn viên chức chính quyền vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây ra tình trạng tham nhũng tràn lan.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Cố vấn thể chế của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam, cho rằng, doanh nhân không thể hành động đơn lẻ, muốn phòng, chống tham nhũng doanh giới cần phải hành động tập thể. Theo bà Liên, hành động tập thể là sự liên kết nhiều chủ thể giữa doanh nhân với xã hội dân sự và chính phủ để cùng chống tham nhũng trong từng lĩnh vực, có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, có cam kết và được giám sát của bên thứ ba. Chẳng hạn năm 2011, tại Malaysia, có hơn 200 doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ tự nguyện cùng ký cam kết hạn chế các hành vi tham nhũng.

Hoạch định chính sách để cùng trục lợi không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Hồi giữa tháng 8, Quốc hội Việt Nam từng bày tỏ nghi ngờ việc ban hành một số chính sách chỉ nhằm hỗ trợ tham nhũng.

Đến giữa tháng 9, báo giới Việt Nam công khai nêu một vụ mà theo họ, có thể xem như bằng chứng của tình trạng doanh nghiệp câu kết với các viên chức, ban hành những qui định chỉ nhằm bảo vệ cho lợi ích của một nhóm nhỏ.

Đó là sau hai tháng áp dụng mức thuế xuất cảng mới là 13% cho than đá và các sản phẩm làm từ than đá, Bộ Tài chính CSVN vừa quyết định, giảm thuế xuất cảng cho các mặt hàng này xuống còn 10%.

Tờ Doanh nhân Sài Gòn tường thuật rằng, việc Bộ Tài chính đột ngột giảm thuế xuất cảng than đá và các sản phẩm làm từ than đá, sau khi mới áp dụng mức thuế xuất cảng được hai tháng, “một lần nữa đặt ra những e ngại trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp rằng, liệu có hay không sự tác động của các nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách”.

Theo tờ Doanh nhân Sài Gòn, sau khi Bộ Tài chính Hà Nội quyết định tăng thuế xuất cảng than đá và các sản phẩm làm từ than đá, từ 10% lên 13%, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), “than thở”, sản lượng than xuất cảng giảm hai triệu tấn, nghĩa là mỗi tháng giảm một triệu tấn so với mức trung bình của sáu tháng.

Vinacomin còn sử dụng một số tờ báo để cảnh báo, nếu tiếp tục duy trì mức thuế này, sản lượng tiêu thụ than của cả năm sẽ giảm đến 20 triệu tấn so với năm 2012. Nghĩa là chỉ còn khoảng 36-37 triệu tấn. Bởi tình trạng tiêu thụ than chậm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên nhiều công nhân ngành than phải luân phiên nghỉ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân. Rồi Vinacomin đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính do sản lượng tiêu thụ thấp.

Cuối cùng, Vinacomin “dọa”, nếu không được giảm thuế thì tồn kho đến cuối năm có thể lên đến 10 triệu tấn…
Sau khi một số tờ báo mở tham gia chiến dịch “than thở” cho Vinacomin, Bộ Tài chính quyết định bỏ mức thuế xuất cảng mới vì… cần “giảm thuế xuất khẩu than đá để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp sản xuất than trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.
   
Có một chi tiết mà Doanh nhân Sài Gòn không dẫn, song nhiều người còn nhớ, đó là trong khi Vinacomin được chế độ Hà Nội ưu đãi để duy trì và đẩy mạnh việc xuất cảng than thì vì thiếu than để vận hành các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải ký hợp đồng nhập cảng 3 triệu tấn than/năm từ Úc.

Mặt khác, trong sáu tháng đầu năm nay, có tới hai triệu tấn than bị xuất lậu sang Trung Quốc và nhiều chuyên gia khẳng định, việc xuất lậu than sang Trung Quốc, không chỉ có sự tiếp tay của các doanh nghiệp thuộc Vinacomin, mà còn có sự hỗ trợ của các lực lượng: Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông, Hải quan, Biên phòng.

Trong bài bình luận về trường hợp Bộ Tài chính vội vàng giảm thuế xuất nhập cảng than, sau chiến dịch “than thở” của Vinacomin, tờ Doanh nhân Sài Gòn nêu hàng loạt thắc mắc: Vì sao quyết định thay đổi thuế suất chỉ tồn tại đúng hai tháng? Trừ Vinacomin, các doanh nghiệp khác có dám “lớn tiếng” như vậy không nếu doanh nghiệp của họ cũng gặp khó khăn, không chỉ bằng mà còn nặng nề hơn Vinacomin?

Những thắc mắc khác trong chuỗi thắc mắc này còn là: Thông thường, với vai trò “quản lý túi tiền của quốc gia”, trước khi ban hành chính sách, đặc biệt là những quyết định liên quan đến thuế, Bộ Tài chính luôn phải cân nhắc rất cẩn thận về mọi phương diện. Tại sao trong trường hợp này lại không phải là như vậy? Nếu quyết định giảm thuế là vì thấy “cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” thì quyết định tăng thuế trước đó hai tháng cũng của Bộ Tài chính cần phải hiểu thế nào, nó được ban hành có phải vì nhằm “tăng nguồn thu cho ngân sách”, nhằm “hạn chế xuất khẩu tài nguyên”?

Nếu vì thấy “cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” mà Bộ Tài chính thấy tạm thời phải bỏ qua mục tiêu “tăng nguồn thu cho ngân sách” và “hạn chế xuất khẩu tài nguyên” thì không chỉ Vinacomin mà tất cả các doanh nghiệp đều đang mong được Bộ Tài chính “chia sẻ khó khăn” như vậy.

Cho đến nay, đã hơn một tháng trôi qua, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn chưa trả lời những thắc mắc đó. (G.Đ)