THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 October 2013

Ngập nặng do quản lý kém


Thứ Bảy, 26/10/2013 23:21

Đó là nhận định của Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải về việc tình hình ngập của TP ngày càng khó lường trong khi các dự án chống ngập không hề ít

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là 3 nội dung chính trong chương trình hành động mà Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã đưa ra thảo luận tại hội nghị bất thường do ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP, chủ trì sáng 26-10. Đây là chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, việc gần đây TP ngập nặng xuất hiện nhiều yếu tố bất ngờ cho thấy tình hình biến đổi khí hậu rất phức tạp, khó lường.
Công bố số liệu thống kê của TP HCM từ cuối năm 2010 đến nay, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho rằng có nhiều bất ổn. Cụ thể: Ngập do mưa có 58 điểm, do triều cường 26 điểm. Tuy nhiên, trong đợt triều cường (kết hợp mưa) hồi giữa tháng 10 vừa qua, có 19 tuyến đường thường xuyên bị ngập 0,1-0,44 m. Trong đó, có 5 điểm: Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hóa, Chợ Lớn (quận 6); xa lộ Hà Nội (quận 2); Bình Lợi (quận Bình Thạnh) nằm ngoài danh mục 58 điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập do triều cường. Ngoài ra, trong các điểm ngập đã xóa, 3 điểm có khả năng tái ngập là Quốc lộ 1, Đỗ Xuân Hợp (quận 9) và Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).
Về nguyên nhân, theo các đại biểu, là do quá trình phát triển đô thị đã làm thu hẹp và mất dần ao hồ, kênh rạch và quá trình bê-tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm nước. Ngoài ra, công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh, rạch đã làm thu hẹp dòng chảy.
Tiếp tục ngập nếu không ứng phó
“Tuy các dự án ODA về chống ngập ở vùng trung tâm TP đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, dự án Tân Hóa - Lò Gốm sẽ hoàn thành năm 2014 nhưng với tình hình trên, nếu không có những giải pháp ứng phó với triều cường thì tình hình chống ngập trong những năm sắp tới sẽ không mấy khả quan” - ông Cang dự báo.
Về chống ngập do triều cường, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết hiện đã xây được 2 cống ngăn triều ở lưu vực sông Sài Gòn với kinh phí 100 triệu USD/cống. Sắp tới, TP HCM phải tích cực tìm nguồn vốn hỗ trợ để xây thêm 12 cống. “TP phấn đấu từ nay đến năm 2015 xây dựng xong 50% số cống ngăn triều này” - ông Tín khẳng định.
Từ nay đến hết quý I/2014, ông Tất Thành Cang cho rằng TP HCM cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành chỉ tiêu xóa 7 điểm ngập trong năm 2013; đến năm 2015 xóa 11 điểm ngập còn lại. Ngoài ra, cần bố trí đủ vốn cho các công trình đã đăng ký để thực hiện mục tiêu xóa 58 điểm ngập. Để giải quyết ngập một cách triệt để, TP phải triển khai tích cực việc xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước ở Quốc lộ 1, đường Đỗ Xuân Hợp và Lê Đức Thọ.
Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nếu các ngành làm tốt công tác quản lý, khắc phục những yếu kém thì thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ không gây hậu quả lớn như hiện nay. Vì vậy, khuyết điểm cần khắc phục ngay là việc quản lý yếu kém, để tình trạng lấn chiếm sông rạch tràn lan, khai thác nước ngầm không kiểm soát…
“Điều đầu tiên chính quyền TP phải làm là chỉ đạo các sở , ngành liên quan rà soát ngay công tác quy hoạch và quản lý xây dựng nhằm quản lý đô thị một cách bền vững” - ông Lê Thanh Hải kiên quyết. 
QUÝ HIỀN