THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 December 2013

Vụ 500 người dân ra đê canh cát tặc: “Cuộc chiến” không cân sức


(Dân trí) - “Cuộc chiến của hơn 500 người dân chúng tôi diễn ra mấy ngày rồi nhưng cát tặc có sợ đâu. Công an xuống, nó vẫn ung dung đậu giữa sông. Hàng chục kẻ xăm trổ đầy mình phi cả sang bên này dọa nạt và uy hiếp dân. Cuộc chiến này không hề cân sức…”.
 

Ruộng mất, người chết
Ông Vũ Trọng Khoát, 74 tuổi, ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương kể với PV trong sự uất ức: “Vì nạn cát tặc, ruộng nhà tôi bị cuốn mất, cháu nội tôi thiệt mạng. Từ nhiều năm nay, thân già như tôi cũng phải sẵn sàng tinh thần chống cát tặc bất kể ngày hay đêm. Chính quyền thì bất lực rồi. Dân phải tự bảo vệ lấy mình thôi”.
 
Rồi ông kể lại cho PV nghe cái chết thương tâm của cháu ông khi tiên phong trong đội dân quân chống cát tặc do làng lập nên. Ngày 16/8/2011, nhận được tin cát tặc đang hút cát ở sát bờ bãi thôn mình, khoảng 10 thanh niên, trong đó có anh Vũ Văn Trưởng, 39 tuổi (cháu nội ông Khoát) trong “đội tự vệ chống cát tặc” đi thuyền nan xông ra đuổi tàu.
Dân ra đê canh tàu khai thác cát
Dân ra đê canh tàu khai thác cát
Khi những người dân cập mạn tàu, những cát tặc trên tàu vác dao, kiếm ra chém khiến anh Vũ Văn Trưởng rơi xuống sông. Không dừng lại ở đây, tàu cát tặc quay đầu bỏ chạy, chân vịt cuốn anh Trường vào vòng xoay sắc nhọn. Vụ việc được cơ quan công an làm rõ, nhóm cát tặc có kẻ phải đi tù, có kẻ chỉ phải đền tiền. Nhưng trong ký ức buồn của ông Khoát thì “người chết rồi, tiền bao nhiêu cho đặng. Vì ruộng, vì dân làng mà cháu tôi chết đau đớn”.
Bà Vũ Thị Thanh (50 tuổi) bức xúc: “Sau khi Tưởng chết, bọn cát tặc “sợ” đúng 3 tháng. Hết trăm ngày anh Tưởng chúng lại lũ lượt kéo nhau về hút cát làm bờ sông, ruộng của dân lại bị bào lở. Thậm chí chúng còn công khai và hiếu chiến hơn khi gặp phải sự phản ứng của người dân”.
Bãi bồi nay đã thành bãi lở bởi nạn cát tặc
Bãi bồi nay đã thành bãi lở bởi nạn cát tặc
Ông Vũ Anh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thanh, cho biết, chính ông và nhiều cán bộ công an xã cũng đã từng suýt mất mạng vì tham gia chống cát tặc. Đó là hồi tháng 5/2010, nhận được tin báo cát tặc đang hoành hành tại sông Luộc, thuộc địa phận thôn Tri Lễ, ông Điền cùng 8 cán bộ công an xã tiếp cận xử lý. “Khi tôi cùng 4 công an viên vừa  tiếp cận được tàu thì lập tức bị họ rút dao kiếm ra chém, sử dụng súng bắn trả. Trước sự manh động, liều chết của bọn cát tặc, 4 công an viên vội nhảy xuống sông còn tôi thì lao xuống thuyền mình cứu vớt những người gặp nạn” - ông Điền kể lại. Sau đó tàu cát ung dung nổ máy chạy đi. Vụ việc bây giờ vẫn chưa có kết luận.
“Đoàn liên ngành xuống kiểm tra toàn hôm cát tặc... nghỉ”
Lãnh đạo UBND xã Hà Thanh cho biết, sự việc được xã, dân tích cực kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên cứ mỗi lần đoàn liên ngành với đầy đủ ban bệ xuống hiện trường kiểm tra nạn cát tặc thì chả hiểu sao hôm đó không có lấy một con tàu nào vào khai thác trái phép. Không chỉ một lần mà đã thành tiền lệ, bất cứ lúc nào đoàn xuống là cát tặc nghỉ hoạt động. PV đặt câu hỏi: Liệu có sự bảo kê, bao bọc phía sau của cơ quan công quyền? Vị lãnh đạo này xin phép được im lặng, không phát ngôn.
Được biết, toàn bộ đoạn đê bao dài gần 16 km của sông Luộc chảy qua địa phận xã Hà Thanh đều do người dân địa phương bỏ công, bỏ tiền ra xây đắp. Xưa đây là bãi bồi rất rộng và phì nhiều nên sản xuất nông nghiệp ở đây rất năng suất. “Nhưng mấy năm qua nạn khai thác cát tặc phát triển đã khiến bờ sông bên bồi thành bên lở trầm trọng. Bãi bồi biến mất giữa mênh mông nước sâu. Ruộng của dân theo đó cũng bị sạt lở. Theo thống kê của xã, đến nay cát tặc đã bê của dân mất hơn 3ha ruộng công” - ông Vũ Anh Điền khẳng định.
Có mặt tại bờ đê sông Luộc, PV Dân trí chứng kiến tinh thần “quyết chiến” bằng mọi giá ngăn cát tặc khai thác cát. Hơn 500 người dân với gậy gộc, cuốc xẻng, thuyền nan và cả rơm rạ dàn kín bờ đê “tuyên chiến” với cát tặc. Bên kia sông Luộc, hàng chục thanh niên đứng ngồi lố nhố trên các tàu cát trái phép, thi thoảng lại.. giơ tay chào dân.
20 chiến sĩ công an của huyện Tứ Kỳ đã phải xuống hiện trường giải thích, yêu cầu dân giải tán. Dân yêu cầu công an gọi chủ tàu và chính quyền cấp trên lập biên bản cam kết tàu cát không được vào xâm phạm ruộng của dân.
Ông Vũ Trọng Khoát đau buồn kể lại việc cháu mình vì cát tặc mà chết
Ông Vũ Trọng Khoát đau buồn kể lại việc cháu mình vì cát tặc mà chết
Được biết vào ngày  27/11/2013 đã có một con tàu khai thác cát bị chìm tại đây. Đó là con tàu mà 10 ngày trước bị dân địa phương dùng rơm đốt đầu máy, đuổi thuyền viên. Chủ tàu tố tàu chìm là do dân nhấn chìm và tàu này chỉ đi qua chứ không khai thác cát. Người dân thì cho rằng tàu chìm do chở cát quá nặng. Ông Vũ Văn Sảng, một người dân cho biết: “Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng vớt tàu cùng dân, nếu vớt lên mà tàu có cát thì chủ tàu phải chịu trách nhiệm cam kết không tái phạm. Họ vào khai thác trộm khi bị dân phát hiện thì quay tàu đi nhưng do tàu đầy quá nên tự chìm lại đi đổ lỗi cho dân là không được”.
Còn bà Phạm Thị Ngư (58 tuổi) trăn trở: “Cuộc chiến của hơn 500 người dân chúng tôi đã diễn ra mấy ngày nay rồi nhưng bọn cát tặc có sợ đâu. Hàng chục công an xuống, nó vẫn ung dung đậu giữa sông, đối mặt với dân không thèm rời đi. Hàng chục kẻ lạ mặt xăm trổ đầy mình đã phi cả sang bên này dọa nạt và uy hiếp dân. Biết là nguy hiểm nhưng không ra đê mà giữ ruộng, giữ đê thì cũng sẽ chết đói. Nhưng cuộc chiến này không hề cân sức bởi chúng tôi không thể làm mãi việc của cơ quan chức năng được. Dân không thể bỏ nhà bỏ cửa để canh cát tặc năm này qua năm khác được. Trong khi đó cát tặc thì kiên trì, trắng trợn và manh động”.
Thu Hằng