THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 December 2013

Lúa gạo Việt Nam bị thất thế vì lợi ích nhóm



550x366xgao_4.jpg,q1385864884.pagespeed.ic.qizkNoB7FM
Việt Nam có thể nghiên cứu ra các giống lúa mới, song vẫn không thể đấu lại được với hạt giống của Trung Quốc. Hơn nữa, có những công ty là sân sau của quan chức nhập khẩu hàng Trung Quốc để cung cấp cho nông dân, và với lợi thế của mình họ đã bao trọn thị trường, thậm chí còn vận động nông dân không trồng giống lúa Việt Nam.
Việt Nam vốn tự hào là một nước nông nghiệp có nền văn hóa lúa nước lâu đời và nhiều năm nay đều là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trớ trêu là trong vài năm trở lại đây, thống lĩnh trên thị trường phân bón và lúa giống lại là hàng Trung Quốc. Dù từ giới khoa học đến người nông dân đều đánh giá rằng hạt giống nhập từ Trung Quốc thường có chất lượng không cao, độ dinh dưỡng không bằng giống do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, chúng lại có ưu thế là năng suất cao hơn nhiều lần hàng sản xuất trong nước và có thể thích ứng với nhiều mùa vụ cũng như đặc thù đất đai khác nhau.
Chính bởi vậy mà dù Việt Nam vẫn có những trung tâm nghiên cứu giống và đã cho ra đời thành công nhiều giống lúa mới song vẫn không thể địch nổi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thực tế là trên thị trường hiện có đến 50-70% lúa giống là từ đất nước này.
450x300xxk_gao.jpg.pagespeed.ic.qfPPSU9Hq5
Ngoài ưu thế về năng suất thì liệu lúa Trung Quốc còn có ưu thế nào để có thể xâm chiếm thị trường mạnh đến như vậy? Theo GS Võ Tòng Xuân trả lời trên báo Đất Việt thì đã có nhiều doanh nghiệp là sân sau của quan chức đứng ra nhập khẩu lúa giống Trung Quốc, với lợi thế “người nhà” các công ty này nhanh chóng giành được thị phần và phân phối hàng hóa. Thậm chí họ còn tư vấn nông dân quay lưng với giống lúa Việt Nam để chọn trồng lúa Trung Quốc.
Trong khi đó, người nông dân hiện vẫn tự do sản xuất, không có người chỉ đạo, tự lo cây giống, tự lo phân bón, thậm chí là tự lo nguồn tiêu thụ. Thế nên cũng dễ hiểu khi mà họ sẵn sàng phá bỏ lúa Việt để cấy trồng lúa giống Trung Quốc vì đơn giản là dễ bán và thu lợi nhiều hơn. Trong chuyện này, người nông dân không có lỗi, họ chẳng làm gì sai với luật định, nhưng nó lại cho thấy vai trò của quản lý Nhà nước ở đây quá mờ nhạt khi chỉ đưa ra những chủ trương , chính sách chung chung và chỉ biết yêu cầu giới khoa học phải nghiên cứu, nghiên cứu hơn nữa. Quả thực các nhà khoa học của chúng ta bấy lâu vẫn miệt mài nghiên cứu, mà ngoài lý do đam mê khoa học thì họ cũng cần có những dự án nghiên cứu thì mới có thu nhập, và có thể sống được trong thời buổi kinh tế khắt khe này. Song hầu hết các giống cây mới dù thành công hay chưa bằng người cũng đều được đánh dấu, đăng ký tên, bản quyền, song lại cất vào két lưu giữ như một tài liệu quý. Các hạt giống được đưa vào bảo quản để tiện bề cho việc tiếp tục nghiên cứu.
Các doanh nghiệp thu gom thì cũng chỉ biết làm tốt phận sự của mình là cứ có đơn hàng là đi gom mua, và chỉ chọn hàng đẹp, hàng rẻ, rồi sơ chế, đóng bao xuất khẩu, nhận tiền, chẳng cần quan tâm đến chuyện giống gì, nuôi cấy ra sao, thu hoạch thế nào. Họ đã làm đúng phận sự, đúng quy trình.
Vậy hóa ra chẳng ai lo cho nông dân ngày ngày vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Họ chẳng có quyền lực, cũng chẳng có nhiều tri thức để mà nghiên cứu, họ cũng không có tiền để mà đầu tư lớn, chỉ biết trông theo thời tiết, thuận thì lúa tốt bán đi cũng đủ sống qua ngày, chẳng may năm nào thiên tai thì cứ đói dài. Đến ngay như Hội Nông dân, tổ chức được cho là sẽ hỗ trợ cho nông dân trong nuôi trồng và cuộc sống thì vẫn chỉ biết tổ chức các hội thảo, lập phong trào và làm báo cáo.
Chỉ cần điểm lại những điều đó thôi cũng đủ thấy, lời đánh giá của GS Võ Tòng Xuân rất xác đáng rằng việc phát triển ngành lúa gạo còn rời rạc từng ban ngành, mạnh ai người ấy lo trong khi người nông dân cần nguyên một chuỗi giá trị nhưng giống, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ với mức giá tốt. “Nếu cứ để nông dân tự phát thì không đời nào chấm dứt tình trạng này, không thể có sản phẩm độc đáo trên thị trường”. Đáng lo ngại hơn là dù chưa đem lại nhiều hiệu quả và lợi nhuận song miếng bánh nhỏ bé ấy cũng đang bị các nhóm lợi ích nhòm ngó, tranh giành.
Ở miền Tây nơi được coi là vựa lúa của Việt Nam, bà con nông dân cũng không mấy để ý đến nguồn gốc giống mà chỉ quan tâm loại lúa nào dễ trồng năng suất cao, bởi vậy, giống lúa ở đây chủ yếu là xuất xứ từ Trung Quốc. Khi thu hoạch, nông dân bán thóc ngay tại ruộng cho các thương lái. Điều đặc biệt là chính các hộ gia đình cũng không ăn thóc gạo do mình trồng, mà thường mua loại gạo ngon ở vùng khác.
T.H
THEO SỐNG MỚI