VNE- 24/10/2013
Hai tháng sau vụ chìm tàu trên vùng biển Cần Giờ làm 9 người đi đám cưới thiệt mạng, Công an TP HCM đã bắt giam Giám đốc Công ty Việt - Séc và người đứng đầu của Vũng Tàu Marina.
Ngày 24/10, Phòng cảnh sát điều tra (PC 44) Công an TP HCM đã tiến hành khởi tố, bắt khẩn cấp Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc - Vũ Văn Đảo (45 tuổi) và Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina - Đinh Văn Quyết (43 tuổi) để điều tra về tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
Cơ quan điều tra đến khám xét nhà ông Đảo. Ảnh: Xuân Mai
|
Sau khi hoàn tất việc khám xét nơi làm việc và nhà riêng của 2 ông này tại Vũng Tàu, PC44 đã di lý họ về trại giam Chí Hòa, TP HCM để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, tối 2/8, công ty Cổ phần công nghệ Việt - Séc và công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina đã điều tàu H29 BP chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp, Cần Giờ, TP HCM, tàu gặp sóng lớn và bị chìm làm 9 người thiệt mạng.
Ngay sau tai nạn nghiêm trọng này, Bộ Giao thông Vân tải đã thành lập tổ điều tra đặc biệt. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Tổ phó Tổ điều tra đặc biệt cho biết, Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm trong vụ chìm tàu vì đã "tự ý cho mượn tàu H29 BP đi chở khách dù đây là tàu của biên phòng cảng cửa khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu".
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc. Ảnh: An Nhơn.
|
Bên liên quan thứ hai là công ty Vũng Tàu Marina, đơn vị đã mượn tàu từ Công ty Việt - Séc để chở khách. Theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của H29 BP do đăng kiểm Quân chủng hải quân cấp ngày 16/7, tàu này "chỉ được phép chạy tuần tra trên sông, vịnh, không được phép chạy trên biển". Tuy nhiên, Vũng Tàu Marina vẫn cho tàu chạy trên quãng đường dài hơn 60 km băng qua biển trong điều kiện sóng to, gió lớn. Đồng thời, tàu chỉ có thể chở được 12 người nhưng công ty này vẫn chở đến 30 người là "quá mạo hiểm, coi thường tính mạng của hành khách".
Ngoài ra, Bộ Giao thông còn cho rằng, một số cá nhân đã "có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn", không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước những vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong tháng 8, tổ điều tra tai nạn đã chuyển hồ sơ liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý.
Điều 214: Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|
Quốc Thắng - Hữu Công