THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 October 2013

TGĐ “thổi” giá thiết bị từ 100 triệu lên 130 tỉ để chia chác



Agribank-ALC
Trụ sở ALCII tại TP HCM

Mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng song Tổng giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính II (thuộc Agribank) Vũ Quốc Hảo cùng các tòng phạm đã “thổi” lên thành 130 tỉ đồng, gấp 1.300 lần, để chia chác.
Nguồn tin ngày 23-10 cho biết Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận hồ sơ và bản kết luận điều tra vụ án hình sự về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cho thuê Tài chính II (ALCII thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Agribank); Công ty cổ phần Cát Long Hải và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố 10 bị can, trong đó có nguyên Tổng giám đốc công ty ALCII Vũ Quốc Hảo cùng 4 người nguyên là phó tổng giám đốc, trưởng, phó phòng thuộc công ty ALCII.
Các bị can còn lại gồm: Hoàng Lộc, Tổng giám đốc công ty cổ phần giám định Việt Nam (Vivaco); Lê Phúc Đức, Trưởng phòng giám định kỹ thuật Vivaco; Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuân Việt; Vũ Đức Hoà và Lê Thị Minh Huệ, Giám đốc và Kế toán trưởng công ty Cát Long Hải.
Trong số này có 4 bị can đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố trong vụ án tham nhũng tại ALCII gây thiệt hại hơn 531 tỉ đồng, riêng bị can Vũ Quốc Hảo chiếm đoạt 88 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra, năm 2003, Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo thành lập công ty Cát Long Hải, phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đức Hoà làm Giám đốc để kinh doanh.
Năm 2006, Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, điều hành công ty ALCII. Trong thời gian này tình hình kinh doanh của các công ty khó khăn để phát sinh thua lỗ, nợ khó đòi, nợ xấu lớn.
Với mục đích để làm chủ sở hữu gần 89,5 ngàn m2 đất Trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và có tiền thanh toán nợ xấu cho các công ty sân sau của mình, Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hoá nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho công ty Cát Long Hải sử dụng.
Các bị can đã vận chuyển thiết bị lặn này ra Hải Phòng và cố tình để Hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng.
Sau khi hợp pháp hoá được nguồn gốc, Hảo chỉ đạo nhân viên công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc công ty Vivaco, để thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng.
Đồng thời, Vũ Quốc Hảo đưa ra chủ trương, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, cán bộ dưới quyền bỏ qua việc thực hiện các quy định của ngành ngân hàng trong hoạt động cho thuê tài chính để lập thủ tục và trực tiếp kỹ, thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính nhằm giải ngân 130 tỉ đồng đảo nợ, mua đất đứng tên công ty Cát Long Hải. Như vậy giá trị của thiết bị lặn Tinro2 đã bị nâng giá lên đến 1.300 lần.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên tài sản gồm 39 triệu đồng công ty Vivaco nộp khắc phục hậu quả, thiết bị lặn Tinro2 trị giá hơn 2,5 tỉ đồng, 2 lô đất tại tỉnh Tiền Giang trị giá trên 107 tỉ đồng.
1 trong 10 “đại án” tham nhũng
Theo Viện KSND tối cao, vụ án xảy ra tại ALCII là một trong 10 “đại án” tham nhũng. Ngoài ALCII, 9 “đại án” tham nhũng còn lại xảy ra tại: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM; Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên; Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank; và Tập đoàn Vinashin.
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG