HÀ NỘI (NV) .- Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 12 tháng 11. Đó cũng là thời điểm Nga và Việt Nam ký thêm nhiều thỏa thuận về việc hợp tác giữa hai quốc gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp sang Việt Nam vào Tháng 11 tới đây. Nhân dịp này hai bên ký một số thỏa ước hợp tác nhiều mặt. Dư luận chú ý nhiều tới vấn đề hợp tác mua sắm và chuyển giao kỹ thuật quân sự giữa hai nước. (Hình: ALEXEI NIKOLSKY/AFP/Getty Images)
|
Trong vai trò Tổng thống Liên bang Nga, ông Putin đã từng đến thăm Việt Nam hồi năm 2001 để ký kết “Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược”. Nay, sau 12 năm, phía Nga cho biết, trung tuần tháng tới, Nga và Việt Nam sẽ ký ít nhất 17 thỏa thuận hợp tác. Những thỏa thuận đó sẽ “mở ra một giai đoạn mới” trong quan hệ Nga – Việt.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga – Việt chựng lại, không nồng thắm và nhiệt thành như trước đó. Nga đứng thứ 18 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 93 dự án có tổng vốn là 2 tỉ đôla. Việt Nam có 16 dự án đầu tư vào Nga với tổng vốn là 1,7 tỉ đôla.
Trước nay, quan hệ Nga – Việt chỉ xoay quanh vài lĩnh vực như: giáo dục, dầu khí, vũ khí.
Ông Vsevolod Vovchenko, Trưởng Ban Hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tiết lộ, 17 thỏa thuận đang được Nga và Việt Nam chuẩn bị để ký vào trung tuần tháng 11, liên quan tới việc hợp tác trong một số lĩnh vực như: Năng lượng, khai thác mỏ, hàng không, giáo dục.
Có 12/17 thỏa thuận sẽ được ưu tiện thực hiện trong giai đoạn từ nay tới 2023 với tổng giá trị là 20 tỷ đôla. Ví dụ: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất titan xốp. Dự án vận hành và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự án hợp tác dầu khí của Zarubezhneft với PetroVietnam. Dự án xây dựng tổ hợp khách sạn tại Cam Ranh. Dự án sản xuất toa xe lửa.
Trong tương lai, quan hệ Nga – Việt có thể sẽ đạt tới một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do giữa liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Việt Nam. Nếu mọi thứ suông sẻ, thỏa thuận sẽ được hai bên thông qua vào năm 2015.
Từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển Đông, Nga là một trong những quốc gia mà Việt Nam mong muốn “thắt chặt quan hệ”. Hồi tháng chín, ông Nguyễn thiện Nhân, lúc đó còn là Phó Thủ tướng đã đến Nga để bàn về việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Lúc đó, ông Nhân tiết lộ mong muốn xây dựng Đại học Công nghệ Việt - Nga, điều mà ông ta gọi là “biểu tượng cho hợp tác chiến lược về đào tạo và khoa học - công nghệ giữa Nga và Việt Nam”.
Mới đây, hồi giữa tháng 10, Ủy ban liên chính phủ Nga - Việt đã từng gặp nhau tại Hà Nội để chuẩn bị cho các thỏa thuận mà Nga – Việt sẽ ký kết khi ông Putin đến Việt Nam vào trung tuần tháng tới. Dịp đó, hai bên đã thỏa thuận đến 2020 sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ đôla. Năm nay, theo dự kiến, con số này chỉ khoảng 4 tỷ đô la.
Cũng vào giữa tháng 10, Nga và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận, theo đó, hai bên sẽ cùng tăng việc hợp tác kỹ thuật quân sự như một giải pháp thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Theo đó, đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự sẽ là một phần trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược.
Việt Nam đã cố gắng đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về quân sự, tăng cường khả năng quốc phòng với nhiều quốc gia. Ngoài Nga, Việt Nam còn tìm cách thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này với Philippines, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ.
Riêng với Nga, những thỏa thuận hợp tác về quân sự, tăng cường khả năng quốc phòng đã đạt một số kết quả cụ thể. Chẳng hạn, qua quan hệ này, Việt Nam sẽ hoàn tất việc xây dựng một công xưởng hải quân ở Cam Ranh vào năm 2015 để sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam.
Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 4 chiến hạm phóng hỏa tiễn Gepard để trang bị cho hải quân. Việt Nam còn đặt mua thêm 20 chiến đấu cơ Su-30MK2, hệ thống hỏa tiễn địa - không S-300, hệ thống hỏa tiễn hải – không Bastion và hỏa tiễn địa - không Igla để trang bị cho quân chủng phòng không – không quân.
Ngoài các chiến hạm mới mua của Nga, đến nay, Hải quân Việt Nam vẫn còn sử dụng các chiến hạm nhỏ, loại Svetlyak, Molniya mua từ Nga hồi thập niên 1990.
Ngoài thông tin liên quan tới việc Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Công xưởng Hải quân, Nga còn còn được nhắc tới trong kế hoạch xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm của dự án Varshavyanka”. Dự án Varshavyanka là tên gọi kế hoạch trang bị 6 tàu ngầm loại Varshavyanka lớp Kilo của Nga cho Hải quân Việt Nam.
Việt Nam đặt mua lô tàu ngầm này hồi năm 2009, vởi tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la. Năm nay, Nga bàn giao hai tàu ngầm đầu tiên của lô hàng này và tháng 11 sẽ bắt đầu đào tạo người sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh. (G.Đ)