HÀ NỘI (NV) .- Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, đa số đại biểu Quốc hội CSVN “tán thành dự thảo hiến pháp” tại kỳ họp thứ sáu đã khai mạc hôm 21 tháng 10 và sẽ kéo dài sáu tuần.
Còn bản hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng Cộng sản thì còn độc tài, sẽ còn những điều luật hình sự như điều 258 bỏ tù người dân khi vu cho người ta tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” dù hiến pháp công nhận người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp...(Hình: Mạng lưới Blogger Việt Nam)
|
Dự thảo hiến pháp được trình cho các đại biểu của Quốc hội Việt Nam đã gạt bỏ tất cả những đề nghị của nhiều giới, nhiều người, kể cả của những đại biểu Quốc hội đã từng được nêu ra suốt từ tháng giêng đến nay. Đó là không hiến định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN. Loại bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Công nhận quyền tư hữu đất đai. Ngay cả những nội dung được xem là điểm mới như Tòa Bảo hiến cũng bị gạt bỏ.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp đã lờ đi những đề nghị không hiến định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN. Đối với những đề nghị thay đổi quốc hiệu, Ủy ban này giải thích lý do giữ nguyên quốc hội là vì nó “nhất quán với con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn”.
Trong khi kết quả khảo sát gần nhất mang tên “Chỉ số Công lý 2012”, mới được công bố hồi đầu tháng này cho thấy có tới 65.4% dân chúng Việt Nam không biết cũng như không có bất kỳ hành động nào tham dự vào kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Tuy “Chỉ số Công lý 2012” không khảo sát nên không xác định được trong 34,6% còn lại có bao nhiêu người không tán thành dự thảo hiến pháp nhưng các tuyên bố, kiến nghị, góp ý về dự thảo hiến pháp cho thấy có hàng chục ngàn công dân không hài lòng với dự thảo hiến pháp.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp cũng vin vào những lý do như “vấn đề mới trong điều kiện hiện nay” để gạt bỏ đề nghị thành lập Tòa Bảo hiến. Hoặc “điều tiết nền kinh tế của khu vực nhà nước là rất quan trọng” để giữ nguyên vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cho dù trong nhiều kỳ họp trước, chính các đại biểu của Quốc hội Việt Nam tỏ ra không vừa ý với việc xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội từng tán thành quan điểm của ông Trần Du Lịch, một đại biểu Quốc hội khác, khi ông này đặt vấn đề: “Nếu không phân biệt thành phần kinh tế thì đặt vấn đề chủ đạo để làm gì?”. Và ông ta nhấn mạnh: “Sự phân biệt thành phần kinh tế là không cần thiết trong bối cảnh như hiện nay”.
Tương tự, Ủy ban soạn thảo hiến pháp hứa hẹn sẽ có “quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” khi giải thích về việc vẫn duy trì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” trong dự thảo hiến pháp.
Nhiều người đã từng khẳng định, chính việc hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” khiến luật đất đai hiện hành ở Việt Nam trở thành bất cập và là nguyên nhân của 70% vụ khiếu nại, tố cáo vừa kéo dài, vừa đông người, thậm chí trở thành nguyên nhân của nhiều vụ bạo động và càng ngày càng làm chế độ Hà Nội lúng túng.
Trước đây, nhà cầm quyền CSVN dự tính, sửa xong luật đất đai mới sửa hiến pháp, song do ý định duy trì hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” bị chỉ trích gay gắt, họ thay đổi ý định, muốn sửa (trình Quốc hội Việt Nam thông qua) cả hai (hiến pháp và luật đất đai) một lượt vào kỳ họp Quốc hội này.
Hồi hạ tuần tháng 9, luật sư Trần Quốc Thuận, một đảng viên có 45 tuổi Đảng, đồng thời là người từng đảm nhận vai trò Phó Văn phòng Quốc hội Việt Nam trong 14 năm, cảnh báo, giới cầm quyền phải tỉnh ngộ, sớm thay đổi cả thể chế chính trị lẫn chính sách về đất đai, nếu không thì tình hình sẽ rất nguy hiểm. Ông khẳng định, việc duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” sẽ không thể “giải quyết tận gốc” các vấn đề nan giải về kinh tế - xã hội.
Theo ông Thuận nhận xét, hiến định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một mối lợi lớn mà các viên chức không dễ gì buông bỏ. Duy trì qui định này chỉ nhằm có cơ sở để chiếm đoạt quyền lợi cho mình, cho gia đình của mình, con cháu của mình và gia tộc của mình.
Nếu báo chí Việt Nam tường thuật chính xác, không tự ý đục bỏ những ý kiến phản đối dự thảo hiến pháp của các đại biểu Quốc hội Việt Nam thì việc “đa số đại biểu Quốc hội Việt Nam tán thành dự thảo hiến pháp” chỉ gây thêm thất vọng và phẫn nộ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam.
Chẳng hạn, nhân kỳ họp này, Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW) vừa gửi thư cho Quốc hội Việt Nam, kêu gọi các đại biểu Quốc hội của chế độ, chú ý để nội dung hiến pháp mới đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Theo HRW, các đại biểu của Quốc hội Việt Nam đang “đứng trước một ngã rẽ lịch sử”, họ nên gạt qua những yêu cầu của giới lãnh đạo đảng CSVN và sử dụng cơ hội này nhằm mang lại những thay đổi có ý nghĩa cho hệ thống hiến pháp và pháp luật mà trước nay vẫn cản trở một cách có hệ thống những quyền cơ bản của dân chúng Việt Nam.
Trong thư, ông Brad Adams, Giám đốc Phân bộ Á Châu của Tổ chức Quan sát nhân quyền, nhận định, dự thảo hiến pháp trình cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam xem xét có nhiều điều khoản loại trừ và những kẽ hở làm suy yếu đáng kể những nội dung về các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội.
Trước đây, vào tháng 7, nhóm khởi xướng “Kiến nghị 72” từng có một thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội Việt Nam, theo đó, nếu dự thảo hiến pháp vẫn “khăng khăng bám giữ thể chế toàn trị của một đảng gắn với ý thức hệ và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin” là “đi ngược lại xu thế tiến bộ của loài người về những quan điểm cơ bản của thể chế chính trị trong thời đại ngày nay”.
Những người ký tến vào thư ngỏ này nhận định: “Việc hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN đối với xã hội và nhà nước là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần phản dân chủ. Tự nó đã khiến cho những điều ghi trong dự thảo hiến pháp về quyền lực của nhân dân và của các tổ chức do dân bầu cũng như các quyền cơ bản của con người và của công dân chỉ là cái vỏ, không có thực chất, như đã thể hiện rõ trong thực tế nhiều năm qua. Duy trì sự độc quyền toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Đảng CSVN chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị là nguyên nhân cơ bản khiến cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và đang bị thách thức trầm trọng về nhiều mặt như hiện nay”.
Cũng vì vậy: “Sự bảo thủ đến ngoan cố của một bộ phận trong giới lãnh đạo đang biến công việc hệ trọng về sửa đổi Hiến pháp thành một màn kịch chính trị”.
Màn kịch đó đang đến hồi kết. (G.Đ)