THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 November 2013

Viên chức Việt Nam bị cáo buộc buôn người!

NGHỆ AN (NV) - Hội đồng Nhân quyền Lào (LHRC) và Trung Tâm Phân tích Chính sách công (CPPA) bày tỏ lo ngại về sự dính líu của các viên chức đối với nạn buôn người ở Việt Nam, Lào và Ðông Nam Á.
Trong thông cáo vừa kể, những tổ chức này cho rằng, tỷ lệ trẻ em và phụ nữ thiểu số ở Lào và Việt Nam bị các viên chức cả dân sự lẫn quân sự ở Lào và Việt Nam bắt cóc, cưỡng ép hôn nhân, buộc hành nghề mãi dâm đã tới mức cần báo động.

Ông Vaughn Vang, Chủ tịch LHRC kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra ngay lập tức và can thiệp giúp đỡ các nạn nhân. Còn ông Philip Smith, chuyên viên của CPPA khẳng định những kẻ buôn người đang nhắm trực tiếp vào trẻ em, phụ nữ thiểu số sống tại khu vực biên giới Lào và Việt Nam. Cụ thể là tỉnh Xiang Khouang của Lào và tỉnh Nghệ An của Việt Nam.

Một “xưởng may” ở Sài Gòn, nơi công nhân là những trẻ em người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại những xưởng may đó, trẻ em phải làm việc quần quật, không có thời gian nghỉ ngơi và bị cầm giữ như tù. Năm ngoái, từng có ba đứa trẻ nhảy từ tầng ba của một “xưởng may” xuống đất để tìm cách thoát thân. (Hình: BBC)

Ðại diện CPPA - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại, nhân quyền, các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia cho giới hoạch định chính sách - khẳng định, nhiều nạn nhân đã bị hành hạ tàn nhẫn tới mức không thể tả bằng lời, bị cưỡng bức, bị bán ra nước ngoài.
Trong vài tháng nay, có hàng loạt cáo buộc chính quyền Việt Nam dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến nạn buôn người.

Hồi giữa tháng 10, Walk Free - một tổ chức chuyên tranh đấu cho nhân quyền, có trụ sở đặt tại Úc, công bố báo cáo mang tên “Chỉ số tình trạng Nô lệ 2013”, sau khi khảo sát - phân tích về tình trạng này tại 162 quốc gia. Theo đó, xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ. Nếu xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 9 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.

Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240 ngàn đến 260 ngàn. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam.
Trước đây, chuyện lừa gạt, cưỡng ép làm việc và dùng nhiều biện pháp khác nhau để cầm giữ người lao động, cột chặt họ với giới chủ chỉ xảy ra với những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và những người Việt là nạn nhân của nạn buôn người. Nay, điều đó đang xảy ra trên khắp Việt Nam.

Hồi đầu tháng 10, nhiều tờ báo ở Việt Nam đưa tin, hàng trăm người thiểu số, cư ngụ tại nhiều khu vực khác nhau ở Tây Nguyên đã bị gạt, bị buộc làm việc như nô lệ và cuối cùng, thân nhân phải trả tiền chuộc họ về.
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với 121 người dân tộc Bh'noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 2010, 121 người này được “tuyển dụng” làm công nhân trồng rừng cho Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Ðắk Lắk. Tất cả đều không được trả đồng nào sau sáu tháng làm việc quần quật như nô lệ. Chưa kể do ăn ở kham khổ, lao lực, một người đã thiệt mạng. Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính quyền mới chịu nhập cuộc. Mãi tới đầu tuần này, gần ba năm sau khi bị lừa làm việc không lương suốt nửa năm, 120 người dân tộc Bh'noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mới được Xí nghiệp nguyên liệu giấy Ðắk Lắk “hứa trả lương”. Gia đình người thiệt mạng thì được hứa sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Walk Free không phải là tổ chức đầu tiên cảnh báo về tình trạng nô lệ tại Việt Nam. Hồi tháng năm vừa qua, một tờ báo điện tử có tên là American Thinker, đăng một bài viết của Michael Benge, lên án chính quyền Việt Nam chủ trương và dung dưỡng tệ nạn buôn người.

Trong bài viết có tựa là “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire”, ông Benge cho biết, ngoài hoạt động buôn người của các công ty xuất cảng lao động, do chủ trương và sự dung dưỡng tệ nạn buôn người của chính quyền Việt Nam, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp nhân lực cho các hoạt động bóc lột tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Sang tháng 8, tới lượt hãng tin BBC đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Thông qua Quỹ Trẻ em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Từ 2005, Blue Dragon đã giải cứu 205 đứa trẻ, đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.

Một luật sư là thành viên sáng lập Blue Dragon kể với bà Brown rằng, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm ngoái là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.
Nói cách khác, sau khi trở thành nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người, nổi tiếng vì phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Ðông Nam Á, châu Âu, Việt Nam tiếp tục nổi tiếng vì người Việt bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam.

Ông Florian Forster, Trưởng Văn phòng Di trú Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, nói với bà Brown: Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người trong nước mới chỉ được chính thức công nhận kể từ năm 2011.

Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong Dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) xác nhận: Hầu hết các vụ buôn lao động trong nước không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính. (G.Ð)