ĐẤT VIỆT 0411/2013
- Ngày 4/11, Viện KSND Tối cao đã ký cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Các bị can gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines;
Lê Văn Dương, đăng kiểm viên; Mai Văn Khang, cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines; Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức, đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Trần Hải Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Dương Chí Dũng bị bắt vào ngày 4/9/2012 sau gần 3 tháng lẩn trốn và bị truy nã quốc tế |
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines tiến hành triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M - một hạng mục quan trọng trong dự án - gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng, tham ô hơn 28 tỉ đồng.
Cụ thể, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga). Tính đến thời điểm Vinalines mua đưa về VN (tháng 6/2008), ụ nổi này có tuổi là 43 năm, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động.
Ụ nổi 83M đến giờ không thể đưa vào khai thác. Tình trạng hiện tại là đống sắt thép gỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vinalines đã đề xuất phương án cuối cùng là bán thanh lý để thu hồi vốn nhưng đến nay không có đối tác nào chào mua.
Thiệt hại tính đến tháng 5/2012 là xấp xỉ 367 tỷ đồng. Sau thời điểm này, Vinalines vẫn phải tiếp tục chi trả lãi ngân hàng tiền vay mua ụ, thuê chỗ neo đậu, bảo quản, trực sự cố… nên số tiền thiệt hại do đầu tư dự án vẫn chưa dừng lại.
Thời điểm mua, Nakhodka bán với giá 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2008), tuy nhiên Vinalines không mua chiếc ụ nổi này qua Công ty Nakhodka mà lòng vòng qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Tổng mức đầu tư chiếc ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD.
Ụ nổi 83M hiện là 1 đống sắt gỉ vẫn đang ngốn tiền tỷ mỗi năm tiền lãi, tiền bảo dưỡng, thuê chỗ đậu... |
Dương Chí Dũng và 9 bị can trong vụ án biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.
Hành vi trên của các bị can đã phạm vào tội cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó, Dương Chí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, các bị can có vai trò đồng phạm tích cực.
Theo cáo trạng, lợi dụng vào việc “thổi giá” ụ nổi 83M, các bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn đã được đối tác nước ngoài “lại quả” 1,66 triệu USD, khoảng hơn 28 tỉ đồng.
Trong đó, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được chia nhau mỗi người 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Các bị can phải chịu trách nhiệm về khoản tiền tham ô này và cùng các bị can còn lại liên đới bồi thường khoản thiệt hại gần 339 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định Bộ GTVT đã không làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines nên để sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó lãnh đạo Bộ GTVT cần phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cán bộ có liên quan.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có các hành vi bất minh nên đã đề nghị hỗ trợ tư pháp từ nước bạn để tiếp tục làm rõ.
Nguyễn Ngân (Tổng hợp)