THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 November 2013

Nhiều thanh niên Việt bị đẩy vào tình trạng “sống mòn”!

VIỆT NAM (NV) - Nam thanh niên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị đẩy vào tình trạng “sống mòn”, không nghề nghiệp, không gia đình, không tương lai.

Trong một bài viết có tựa là “Họ đang vui như thế...”, tờ Thể thao Văn hóa cho biết, tuy không còn có thể kiếm sống bằng công việc đồng áng nhưng nam thanh niên ở đồng bằng sông Cửu Long không thể xin làm công nhân như nữ thanh niên, vì chủ các doanh nghiệp chỉ cần những người tỉ mỉ. Họ cũng không thể buôn bán hay làm dịch vụ vì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm.

Nhậu trở thành một trong những thú tiêu khiển “lành mạnh” nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều thanh niên khác đang đắm vào nhiều thú tiêu khiển tệ hại hơn như cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, đập phá,... (Hình: TTVH)

Vừa bị hạn chế về học vấn, vừa không có nghề, tương lai bấp bênh, nhiều nam thanh niên ở đồng bằng sông Cửu Long không thể lập gia đình. Sống dựa vào gia đình, nhàn rỗi, nhiều thanh niên giải khuây bằng nhậu nhẹt, cà phê, tệ hơn là cờ bạc, trộm cắp, một số dính vào ma túy...
Những vấn nạn nảy sinh như vừa kể ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và trong toàn xã hội Việt Nam nói chung, đã từng được cảnh báo từ lâu. Những vấn nạn này càng ngày càng trầm trọng vì hệ thống công quyền thiếu viễn kiến lẫn năng lực quản lý, điều hành.

Hồi giữa tháng 5, trong báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên”, Tổ chức Lao động Thế giới (thường được gọi tắt là ILO) cảnh báo, khoảng 50% số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên (giới có tuổi từ 15 đến 24) và Việt Nam đang lãng phí một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Lúc đó, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Chi nhánh Việt Nam của ILO cảnh báo, nếu thanh niên không được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn và không được đối xử công bằng, Việt Nam đã bỏ lỡ một nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình.

ILO khuyến cáo, Việt Nam nên khai mở tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cơ hội về việc làm với năng suất cao cho thanh niên.

Chính quyền Việt Nam vẫn bị xem là thiếu quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðây là lý do khiến vài năm qua, có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này phá sản. Phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại đã thu hẹp quy mô hoạt động thành “siêu nhỏ”. Tất cả những yếu tố này làm cho cơ hội về việc làm của thanh niên càng lúc càng mong manh.

Một chuyên gia về việc làm cho thanh niên khu vực châu Á -Thái Bình Dương của ILO, tên là Matthieu Cognac, nhắc nhở thêm rằng, Việt Nam cần phải chú ý tới khu vực nông thôn, nơi cư trú của phần lớn thanh niên Việt Nam. Ông Cognac khuyên chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh tư vấn về việc làm, mở các khóa đào tạo về phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên tự kinh doanh.

Trao đổi với báo giới, ông Sziraczki nói rằng, sẽ không thể giải quyết vấn nạn về việc làm cho thanh niên Việt Nam, nếu không thay đổi chính sách vĩ mô, cấu trúc phát triển và tăng chi phí hỗ trợ tìm kiếm việc làm, tăng tổng cầu, thay đổi cách thức tiếp cận nguồn vốn và tăng hiệu quả đầu tư.

Vào tháng 6, Bộ Giáo dục - Ðào tạo của chính quyền CSVN cho biết, đang chuẩn bị để đến năm 2015, sẽ đưa giáo trình về giáo dục kinh doanh của ILO vào dạy cho học sinh trung học nhưng thực tế cho thấy, rất khó tin vào tính hiệu quả của kế hoạch này.

Việt Nam đã từng nhận viện trợ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và xuất thêm công quỹ nhằm thực hiện “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (thường được gọi tắt là “Dự án 1956”) trong mười năm (từ 2010 - 2020). Hồi tháng ba vừa qua, một viên Thứ trưởng của Bộ Thông tin - Truyền thông tên là Trần Ðức Lai loan báo, tính đến hết năm 2012, chính quyền Việt Nam đã chi 4.500 tỉ đồng để dạy nghề cho khoảng 1,1 triệu nông dân theo “Dự án 1956”.

Ðầu tháng này, sau khi khảo sát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tờ Sài Gòn Giải phóng công bố một bài viết, có tựa là “Ðào tạo nghề nông thôn ở ÐBSCL - Mục tiêu xa rời thực tế”, theo đó, khu vực này đã “đào tạo nghề” cho vài chục ngàn nông dân nhưng gần như chẳng có ai tìm được việc làm, bởi đó là những “nghề” mà xã hội không có nhu cầu.

Thậm chí mới đây, trả lời báo giới về “dự án 1956” (với mục tiêu mỗi năm, dạy nghề cho một triệu lao động nông thôn, ngốn tới 26.000 tỉ trong 10 năm từ 2010 đến 2020), ông Ðào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam - thú thật: “Nhiều nơi cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt chỉ để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém”.

26.000 tỉ đồng không nhỏ nhưng điều lớn hơn là tương lai của hàng triệu thanh niên và vận mệnh của cả một dân tộc vẫn đang bị hủy hoại từ từ như thế. (G.Ð)