(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho thấy nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau nhất vẫn tập trung vào vấn đề thu hồi đất…
Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết việc thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11 tới.
Bản báo cáo tổng hợp do Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) ký thể hiện, trong phiên thảo luận sáng 23/10, có 247 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Đánh giá chung của Đoàn thư ký, các ý kiến đã cơ bản tán thành với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình ra Quốc hội lần này.
Các chương về chế độ chính trị (chương I); Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (chương II) chỉ còn những đóng góp về kỹ thuật.
Vấn đề đất đai, tại khoản 1 Điều 32, dự thảo thể hiện “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất đai thì theo quy định tại Điều 53 và Điều 54”.
Có đại biểu cho rằng, cách diễn đạt này có thể dẫn đến cách hiểu, đất đai cũng là sở hữu tư nhân, chưa thể hiện rõ nét quyền của Nhà nước đối với đất đai.
Chuyển sang Điều 53, có 7 ý kiến đại biểu ở 4 tổ nhất trí quy định về hình thức sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Còn 1 ý kiến vẫn đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc quy định có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai.
Với Điều 54 về vấn đề thu hồi đất, 11 ý kiến phát biểu ở 8 tổ thảo luận thể hiện sự nhất trí quy định về thu hồi đất và cho rằng hiện dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã có sự thống nhất về vấn đề này. 4 ý kiến khác đề nghị ghi cụ thể với các trường hợp thu hồi đất cần được quy định chi tiết trong luật.
Còn 1 ý kiến đại biểu đề nghị sửa quy định thành “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và theo quy định về trưng mua, trưng dụng quyền tài sản” để bảo đảm tính thống nhất với Điều 32 về chế độ sở hữu.
Vấn đề thu hồi đất cho mục đích kinh tế - xã hội, có 4 ý kiến ở 3 tổ thảo luận cho rằng, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau và không có tính ổn định. Vì vậy, đề nghị cân nhắc không quy định trong dự thảo Hiến pháp. Có 8 đại biểu khác đề nghị bỏ quy định thu hồi đất để “phát triển kinh tế - xã hội”.
1 ý kiến khác đề nghị viết lại: “Nhà nước thu hồi đất vì mục đích công ích một cách công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của luật”.
Có 4 đại biểu đề nghị quy định thu hồi đất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải rõ ràng, minh bạch, cơ chế, giá đền bù cụ thể. 7 ý kiến khác đề nghị nghiên cứu thể hiện nội dung thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội chặt chẽ hơn, tránh trường hợp dễ tùy tiện trong thu hồi. 2 ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát thu hồi đất, nhất là đối với thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Đề nghị đưa vào Hiến pháp về “văn hóa từ chức”
Các chương về Quốc hội (chương V), Chủ tịch nước (chương VI), Chính phủ (chương VII) còn một số câu hỏi các đại biểu đặt ra, đề nghị giải đáp.
Về Điều 69 “định nghĩa” về Quốc hội, có 1 đại biểu yêu cầu ghi rõ Quốc hội gồm những ai.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, có 28 đại biểu tán thành không quy định Hội đồng Hiến pháp trong Hiến pháp nhưng cần tăng cường trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Chỉ có 2 ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập và hiệu quả hơn.
|
Cũng tại Điều luật này, trong khoản 7, có đại biểu đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội do ai giới thiệu để bầu, vì các chức danh khác đều có người giới thiệu.
Đối với quy định buộc Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp khi được bầu, có 1 ý kiến đề nghị bổ sung quy định tuyên thệ với Viện trưởng VKSND tối cao. Có 3 địa biểu khác lại cho rằng, đây là vấn đề mới, Dự thảo không quy định rõ là tuyên thệ ở đâu, trước Quốc hội hay trước cơ quan cụ thể nào, đối với các chức danh do Quốc hội bầu thì có chức danh phải tuyên thệ, có chức danh không… nên đề nghị bỏ quy định này.
Tại khoản 8 điều luật này (quy định bỏ phiếu tín nhiệm), có 3 ý kiến ở 3 tổ tán thành, 1 vị cho rằng vấn đề này cần phải làm thận trọng, ý kiến khác đề nghị quy định QH “bỏ phiếu bất tín nhiệm”.
Quy định về Chủ tịch nước, có đại biểu vẫn cho rằng, các quy định chưa rõ ràng, chưa xứng tầm với việc thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Cụ thể, điều 88 về thẩm quyền của Chủ tịch nước, có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ của Chủ tịch nước - Thống lĩnh lực lượng vũ trang và Tổng bí thư - Bí thư quân ủy trung ương. Ý kiến khác lại tán thành không đặt mối quan hệ của Chủ tịch nước với Tổng Bí thư.
1 đại biểu còn đề nghị giao thẩm quyền cho Chủ tịch nước trong việc tặng thưởng danh hiệu danh nhân, quốc tổ Hùng vương, anh hùng dân tộc.
Tại Điều 94 “định nghĩa” về Chính phủ, Đoàn thư ký cũng ghi nhận 1 đại biểu đề nghị Hiến pháp thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội đối với những vấn đề được Quốc hội giao như: thực thi ngân sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, triển khai dự án quan trọng quốc gia . Điều 95 về tổ chức Chính phủ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để hạn chế việc thành viên Chính phủ đồng thời là đại biểu Quốc hội.
Chốt lại những nội dung ghi nhận, tập hợp được, trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cần dành thời gian để các đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau đó gửi lại cơ quan soạn thảo để tiếp thu và bỏ phiếu kín về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi thông qua Hiến pháp.
P.Thảo