Vụ ông Đặng Ngọc Viết đến trụ sở UBND tỉnh Thái Bình nổ súng vào 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất làm một người chết và bốn người khác bị thương rồi tự sát đang gây ra một cơn địa chấn trong dư luận xã hội Việt nam.
Ở đây, xin lạm bàn trên góc độ Tư pháp.
Vậy, sự kiện Đặng Ngọc Viết liên quan gì đến vai trò của ngành Tư Pháp Việt Nam?
Theo định nghĩa luật học, Tư pháp là một hệ thống tòa án được nhà nước sử dụng vào việc thực thi công lý, giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong xã hội.
Trong tiếng Anh, Tư pháp là quyền xét xử (Judiciary power). Khái niệm Tư pháp ở đây để chỉ các cơ quan tham gia vào hoạt động xét xử của nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật hiện hành.
Nếu đúng như chức năng vốn có, Tư pháp là cơ quan thực thi công lý đem lại sự công bằng cho xã hội, răn đe, trừng phạt những kẻ mưu đồ hoặc có hành vi gây hại cho quyền lợi chính đáng của mọi người, trong đó nhân dân là chủ thể được hưởng sự bảo vệ của ngành Tư pháp. Đó là lý thuyết.
Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách xa vời, nhất là những gì đã thấy trong xã hội Việt nam.
Ngày nay, không ai có thể phủ nhận được rằng từ người nông dân ít học đến người trí thức, chẳng ai là không biết đến cụm từ “Án bỏ túi”.
Một cụm từ quá quen thuộc để chỉ các vụ án mà kết quả của nó đã được đặt trước trong túi các quan tòa bất chấp việc tranh tụng tại tòa án diễn ra như thế nào. Mọi việc đã được chỉ đạo từ một nơi nào đó đầy quyền lực theo một logic của riêng họ và chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân họ.
Đấy không phải là luận điệu của “các thế lực thù địch” nào cả mà ngay đến một Luật sư nổi tiếng, bà Ngô Bá Thành nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt nam đã từng phải phát biểu: “Việt nam có cả một rừng luật nhưng chỉ dùng luật rừng”.
Theo kết quả điều tra nhà nước, hiện nay cả nước có hàng nghìn vụ khiếu kiện tranh chấp nghiêm trọng mà trong đó hơn 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Vụ ông Đặng Ngọc Viết đến UBND tỉnh Thái Bình nổ súng vào công chức nhà nước là một nhân bản của vụ án Đoàn Văn Vươn.
Như chúng ta đã biết, anh em ông Đoàn Văn Vươn là những nông dân ở Tiên lãng-Hải phòng sau nhiều lần khiếu kiện đất đai bất thành đã không còn trông đợi gì ở công lý nữa mà đã buộc phải nổ súng làm bị thương sáu công an, bộ đội trong đoàn cưỡng chế.
Đó là gì nếu không phải là một thất bại của ngành Tư pháp?
Chưa hết, mọi bằng chứng xác thực cho thấy rõ rằng việc anhh em ông Đoàn Văn Vươn chỉ sử dụng loại súng hoa cải chĩa ra ngoài cửa sổ bắn một cách hú họa trong khi lực lượng cưỡng chế sử dụng súng AK vãi đạn về phía họ và nếu không có tường gạch che chắn, đoàn cưỡng chế đã có khả năng giết chết người ngay lập tức. Ấy vậy mà Tòa án Hải phòng bất chấp sự thật hiển nhiên, vẫn kết án anh em ông
Đoàn Văn Vươn với tội danh “giết người” dù họ không gây ra bất cứ một cái chết nào.
Ở nơi đây, ngành Tư pháp không phải dùng Tòa án để thực thi công lý mà chỉ để trưng ra một thông điệp có tính đe dọa rằng: Hãy liệu hồn, không ai được phép chống lại chúng tao.
Với thông điệp ấy, nhà cầm quyền thông qua cơ quan Tư pháp muốn làm cho người dân phải biết run sợ. Nhưng họ không hiểu một chân lý đơn giản: Dọa dẫm là một việc nhưng người ta có sợ hay không lại là một việc khác.
Nếu luật pháp công bằng, trật tự sẽ được duy trì. Nếu luật pháp bất minh, đó là mầm mống nảy sinh sự bất tuân. Khơi thông bế tắc trong quản lý đất đai mới là việc ngăn chặn dòng nước bất bình. Sử dụng ngành Tư pháp theo kiểu đắp đập chắn dòng thác lũ công lý ắt sẽ có ngày tức nước vỡ bờ.
Nhà nước như đứa trẻ đang say mê game quyền lực, quá lạm dụng quyền lực nhưng thiếu trưởng thành về luân lý. Họ tỏ ra quá vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân trong các vụ mất nhà mất đất. Chính vì vậy tiếng súng Đoàn Văn Vươn có làm cho họ lúng túng nhưng chưa đủ để giúp họ tỉnh ngủ. Và đúng như nhiều người dự đoán trước: Nếu nhà nước không tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề đất đai hiện nay thì sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn khác. Và đây, ở một nơi khác: Thái Bình, súng đã nổ. Lần này người dân không phải là nổ súng húa họa nhằm cảnh tỉnh chính quyền nữa mà là nổ súng thẳng vào đầu, bắn nhiều lần có mục đích tiêu diệt đối tượng trực tiếp làm cho họ điêu đứng trong cuộc sống và phẫn uất về tinh thần.
Đây không phải là một hiện tượng cá lẻ nữa mà là một dấu chỉ cho những biến động xã hội lớn ngoài tầm kiểm soát và khó lường.
Trở lại với vụ Thái Bình. Bằng kinh nghiệm cuộc sống hẳn ông Đặng Ngọc Viết nhận thức rõ rằng: Hàng ngày, dân oan đang lê lết đi khiếu kiện khắp nơi đều bị nhà nước nhẫn tâm bỏ rơi, bất chấp nỗi thống khổ của họ cho nên, trông chờ vào công lý từ phía nhà nước là điều không còn hi vọng nữa.
Một công dân trên bốn chục tuổi có ý thức rõ ràng về việc mình sắp làm, chuẩn bị sẵn di ảnh cho bản thân, một người có nhân thân được cho là hiền lành đã sổ toẹt vào luật pháp hiện hành khi tự cho mình quyền làm quan tòa đồng thời trực tiếp thi hành án rồi tự sát là gì nếu không phải là một sự phá sản của nền Tư pháp XHCN?