Nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ được mua trôi nổi trên thị trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đáng lo ngại hơn là thị trường vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất nữ trang, mỹ nghệ bị bỏ trống từ nhiều năm nay cũng đã đang bị lôi vào cuộc khi vàng lậu nữ trang đã chính thức bị phát hiện.
Lậu cả 2 đầu
Một hiện tượng lạ là giá vàng trong nước cao hơn thế giới suốt hơn 1 năm trở lại đây nhưng vẫn phát hiện xuất lậu vàng. Vào cuối tháng 8 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phát hiện 2 người mang quốc tịch Campuchia không làm thủ tục khai báo hải quan về 4,5 kg vàng nữ trang 18K. Theo lời khai của hai người này, toàn bộ số trang sức này là họ mua, trao đổi tại các tiệm vàng ở Châu Đốc, An Giang.
|
Trước đó vào tháng 3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cũng phát hiện hành khách xuất cảnh đi Campuchia mang theo 6,4 kg vàng trang sức mà không khai báo hải quan. Nữ trang thu được gồm nhẫn, mặt dây chuyền, bông tai, vòng đeo tai, lắc tay, lắc chân, dây chuyền các loại.
Lý giải về hiện tượng xuất lậu vàng, một nhân viên lâu năm về nữ trang vàng cho rằng mẫu mã nữ trang VN đa dạng và phong phú hơn thị trường Campuchia nên những người kinh doanh nữ trang vàng Campuchia qua VN thực hiện “vàng đổi vàng và bù tiền gia công” (các điểm gia công nhận vàng nguyên liệu và đổi thành phẩm nữ trang - PV). Nhưng lý giải này chưa đủ thuyết phục.
Đặt vấn đề này lên bàn một số chuyên gia vàng, nhận định chung là khả năng đã có việc nhập lậu nguồn vàng nguyên liệu vào VN trước đó, gia công thành vàng nữ trang rồi tiếp tục xuất lậu ra ngoài biên giới thu lợi. Với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay cộng với giá gia công nữ trang của VN rẻ hơn rất nhiều so với Campuchia, giới buôn vàng lậu trúng đậm nhờ "lậu cả 2 đầu". Thực tế không loại trừ khả năng này bởi thời gian gần đây cơ quan hải quan, công an, biên phòng phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng từ nước ngoài vào VN. Cụ thể, vào đầu tháng 7, Cục Hải quan Quảng Bình, Trạm kiểm soát Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã phát hiện bà N.T.H mang 4 kg vàng có giá trị 3,5 tỉ đồng vào VN không khai báo hải quan. Trước đó vào tháng 5, Công an Quảng Ninh phát hiện vụ vận chuyển 10 kg vàng 9999. Tháng 4, Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển 15 thỏi kim loại màu vàng với tổng trọng lượng 15 kg. 2 đối tượng này khai đã mua số vàng này từ Lào với giá 16,6 tỉ đồng mang về VN tiêu thụ.
Bỏ trống thị trường nữ trang
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng VN (VGB) cho rằng các vụ bắt được vàng lậu ở các tỉnh từ bắc đến nam là những vụ “sờ” được. Còn những vụ không phát hiện, thì vàng lậu cứ tuồn thẳng vào VN. Vì theo nguyên tắc khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất sẽ phát sinh buôn lậu. Giá vàng trong nước liên tục kéo dài tình trạng cao hơn giá thế giới (có thời điểm lên đến 6 - 7 triệu đồng/lượng) thì việc chống buôn lậu vàng sẽ khó khăn hơn.
Ngày 13.9, giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới đẩy lên 4,1 triệu đồng/lượng thay vì mức 3,6 triệu đồng/lượng của ngày hôm trước. Thị trường vàng thế giới chứng kiến cảnh bán tháo của các nhà đầu tư khiến giá giảm mạnh 34 USD/ounce (tương đương 860.000 đồng/lượng), còn 1.310 USD/ounce. Giá mua - bán vàng miếng SJC giảm chậm, chỉ 300.000 đồng/lượng, xuống còn 37,3 - 37,55 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được kéo xuống dưới 3 triệu đồng/lượng chỉ duy trì được vài phiên đã lại bị đẩy lên trên 4 triệu đồng/lượng vào phiên hôm qua.
Với mức chênh lệch giá vàng miếng cao hơn giá vàng thế giới từ 2,8 - 7 triệu đồng/lượng trong thời gian qua, không chỉ nhập lậu, tội phạm còn tập trung đầu tư máy móc thiết bị để làm nhái vàng miếng SJC nhằm kiếm lời nhiều hơn. Gần đây nhất vào tháng 7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã công bố miếng vàng nhái SJC khá tinh vi được ép trong bao bì thật do công ty vừa thay đổi để chống hàng nhái, hàng giả. Trước đó, khối lượng vàng nhái SJC được phát hiện không ít. Giới chuyên môn đánh giá những loại vàng nhái SJC khả năng được đưa từ nước ngoài vào.
Điều đáng lo hơn là thị trường vàng nữ trang đang được kéo vào cuộc chơi của giới buôn vàng lậu do thị trường này đang gần như bị bỏ trống. Dù mức chênh lệch không cao như vàng miếng nhưng giá vàng nữ trang cũng đang cao hơn giá thế giới từ 1,6 - 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn 24K trên thị trường ngày 13.9 có giá mua - bán là 35,05 - 35,45 triệu đồng/lượng. Riêng đối với giá vàng nguyên liệu (bóng đổi 9999) hiện nay cũng cao hơn giá vàng thế giới 600.000 đồng/lượng, ở mức 34 triệu đồng/lượng. Ông Trần Thanh Hải thông tin thêm là thị trường vàng nữ trang bắt đầu vào mùa nên nhu cầu cần vàng nguyên liệu sẽ gia tăng.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giảm đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, trong thời gian qua, hàng xuất khẩu của công ty ra nước ngoài thường lỗ vì giá mua nguyên liệu trong nước cao. Điều này càng khẳng định, rất khó có chuyện xuất lậu vàng nữ trang nếu không nhập lậu vàng nguyên liệu trước đó.
Chuẩn bị cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, trong trường hợp được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất nữ trang, mỹ nghệ, công ty sẽ sử dụng số vàng nhập này để sản xuất hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng nhu cầu là có thật nhưng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu về thì cần có một quy trình giám sát để tránh sự biến tướng xảy ra, cụ thể là mua bán vàng nguyên liệu nhập khẩu khi có chênh lệch giá.
|
Thanh Xuân