Công an phường đến can thiệp tại cửa hàng của Công “mô tô” - Ảnh: C.T.V |
Trên thực tế, Công “mô tô” từng nổi tiếng khi “mặn nồng’’ với một người đẹp tên tuổi, rồi đến sự kiện thuê trực thăng cẩu mô tô “khủng” từ Vũng Tàu về TP.HCM, nhưng trong giới mô tô ở Sài Gòn khi nhắc đến Công ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Bán xe và bị kiện
Huỳnh Văn Xuân “kinh qua” nhiều nghề, nhưng chỉ đến khi len lỏi vào giới cò mua bán xe gắn máy, rồi đến mô tô phân khối lớn, thì mới bắt đầu “chết” danh Công “mô tô”.
Khi mở Công ty TNHH DV-TM Thành Công Sài Gòn (trụ sở chính ở đường 3 Tháng 2, P.2, Q.11), Công “mô tô” đã bắt đầu khiến nhiều khách hàng bực bội. Tại địa chỉ chi nhánh ở đường Trần Phú, P.7, Q.5, cửa hàng Công - Motor (chuyên mua bán, ký gửi các loại xe mô tô) đã bày ra nhiều trò khiến nhiều người bị “sập bẫy”. Khi khách mua xe, Công “mô tô” bắt phải trả hết tiền để nhập xe nhưng không chịu đóng thuế hải quan nên không thể làm thủ tục đăng ký xe dẫn đến kiện cáo. Thậm chí, Công “mô tô” rủ người quen bỏ vốn hùn hạp nhập nhiều lô hàng mô tô trị giá cả chục tỉ đồng về bán, sau đó đưa nhiều lý do thua lỗ, mất tiền...
Ngày 25.2.2010, một khách hàng tên Tùng mua chiếc mô tô trị giá 6.300 USD; đặt cọc trước 20 triệu đồng và Công “mô tô” hẹn 15 ngày sau giao xe và giấy tờ xe. Nhưng mãi đến cuối tháng 5.2010, y mới giao xe và anh Tùng đưa thêm 4.000 USD, số tiền 1.300 USD còn lại sẽ trả nốt sau khi nhận đầy đủ giấy tờ. Anh Tùng mang xe về đi được một tuần thì Công “mô tô” đến mượn xe đi đăng kiểm để làm giấy tờ, nhưng đến nay cũng không trả lại xe và không giao giấy tờ xe. Nhiều lần anh Tùng đến đòi lại tiền nhưng Công “mô tô” tránh né. Bức xúc, chiều 27.9.2012, bà N.T.Hoa (mẹ của anh Tùng) đến cửa hàng đòi lại tiền thì bị bảo vệ ở đây xô ngã, bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu...
Khoảng tháng 4.2009, anh N.A.K (32 tuổi, ngụ Q.8), mua chiếc xe tay ga phân khối lớn trị giá 6.500 USD (đưa trước 4.500 USD) và hẹn 15 ngày sau đến lấy giấy tờ. Tuy nhiên, anh K. đợi hoài vẫn không thấy Công “mô tô” giao giấy tờ. Mỗi lần anh K. gọi điện hỏi thì Công “mô tô” viện lý do giấy tờ hải quan bị “kẹt”... Mặc dù, anh K. nhiều lần đến tận cửa hàng yêu cầu giao giấy tờ hoặc trả xe lấy tiền lại, nhưng Công cố tình lẩn tránh. Cuối cùng, anh K. phát hiện không chỉ có mình bị “dính” mà nhiều người khác cũng “gặp nạn” tương tự. Quá bức xúc, một nhóm khoảng 7 nạn nhân đã cùng nhau đến cửa hàng yêu cầu giải quyết, nhưng bị bảo vệ ngăn cản không cho vào. Hai bên đã giằng co với nhau quyết liệt gây mất trật tự công cộng buộc công an phường phải can thiệp.
Nhiều người khác cũng từng đến tòa soạn Báo Thanh Niên tố cáo bị Công “mô tô” dọa đánh, chém, do liên quan đến việc mua bán mô tô. Khi PV Thanh Niên tìm hiểu thực hư thì Công không tiếp xúc.
Roi điện thu giữ được tại công ty bảo vệ của Công “mô tô” - Ảnh: Đàm Huy |
“Thảm đỏ”, chân dài, chủ nợ...
Sau những vụ ồn ào liên quan đến mô tô, Công “mô tô” chuyển hẳn sang kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Năm 2010 được xem là thời điểm Công “dồn hết sức lực” vào lĩnh vực này.
Với sở thích muốn mọi người “đề cao mình”, Công “mô tô” đã đưa ra một quy định khác người, đó là mỗi buổi sáng khi y đến công ty thì lực lượng bảo vệ phải xếp hàng (2 bên) đứng nghiêm chào đón y bước trên thảm đỏ vào công ty làm việc. Chưa hết, để “lấy le” với người đẹp, Công điều động hàng chục quân đi theo mở đường, khóa đuôi bảo vệ đình đám cho siêu mẫu thời điểm đó của Công.
Công “mô tô” cũng từng ồn ào việc bỏ ra hơn 2,5 tỉ đồng để thuê trực thăng cẩu xe mô tô “khủng” về TP.HCM, nhưng ít ai biết rằng số tiền này y vay mượn của bà Ng. (ngụ Q.6) để tổ chức. Sau này, bà Ng. nhiều lần đòi tiền nhưng y không có, phải xin trả dần.
Trong quá trình kinh doanh dịch vụ bảo vệ, lính của Công “mô tô” cũng gây nhiều tai tiếng chẳng kém y. Điển hình như vụ dùng roi điện tấn công dã man một Việt kiều tại quán cơm trên địa bàn Q.1. Sau vụ việc này, cơ quan công an còn phát hiện công ty bảo vệ của Công “mô tô” chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nhưng đã đưa vào hoạt động; chưa có giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ nhưng tự ý trang bị nhiều roi điện, trong đó có roi điện hình dạng giống khẩu súng, dùi cui...
Cuối năm 2012, Công “mô tô” dời công ty bảo vệ đến một địa điểm mới cũng trên địa bàn Q.5 và thiết kế trang phục có gắn “quân hàm”, mũ gắn quốc huy, màu áo quần giống màu trang phục của lực lượng cảnh sát cơ động. Cũng vào thời điểm này, Công điều 6 “lính” đi trên xe jeep mui trần, tháp tùng một chủ nợ (ngụ Q.3), xông vào trụ sở Công an P.2 (Q.Tân Bình) gây rối.
“Những nhân viên bảo vệ này tỏ thái độ hung hăng xông vào trụ sở phường đòi đi theo thân chủ của họ tham dự buổi hòa giải về vụ việc ẩu đả do nợ nần xảy ra trước đó. Khi công an ngăn lại vì không phải đối tượng được mời thì họ xô đẩy công an, đòi xông lên lầu tham dự. Nhóm bảo vệ này còn tuyên bố họ được quyền đi đến bất cứ nơi nào, vào bất cứ cuộc họp nào để bảo vệ thân chủ của họ. Sau đó, công an phường phải mời trưởng khu phố ra làm chứng, đồng thời báo hình sự quận xuống hỗ trợ nhóm này mới chịu rút về”, một lãnh đạo Công an P.2 (Q.Tân Bình) bức xúc.
Bắt tạm giam, khám xét nơi ở
Liên quan đến Công “mô tô”, ngày 14.9, nguồn tin Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khám xét nơi ở, nơi làm việc và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 7 bị can. Trong đó 4 người là lãnh đạo các đội quản lý thị trường (QLTT) thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương, gồm: Trần Quốc Huy (49 tuổi) và Phạm Đình Quang (40 tuổi), là đội trưởng và đội phó Đội QLTT số 3; Ngô Văn Tới (50 tuổi), đội phó Đội QLTT số 2; Phạm Đăng Duyên (33 tuổi), đội phó Đội QLTT số 5; Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi), đội trưởng Đội Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Chi cục Thuế H.Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; Bùi Mạnh Hùng (39 tuổi) nguyên Phó phòng Tài chính - Kế hoạch, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Huỳnh Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH DV-TM Thành Công Sài Gòn, tức Công “mô tô” cũng đã bị bắt tạm giam.
Thái Sơn
|
Đàm Huy