Để lâu ắt sinh chuyện, thậm chí phức tạp, khó giải quyết, gây tốn kém cho cả chính quyền và nhân dân.
Nói đâu xa, tại TP.HCM, có một quy hoạch treo nổi tiếng đến mức mỗi khi nêu ra vấn đề này người ta đều lấy nó làm ví dụ điển hình. Đó là khu vực bán đảo Bình Quới-Thanh Đa rộng hơn 420 ha với hàng chục nghìn cư dân, từ năm 1992 được chính quyền thành phố duyệt dự án quy hoạch thành khu đô thị kiểu mới du lịch - văn hóa - giải trí. Với tầm nhìn dài lâu về sự phát triển của thành phố hiện đại, dự án vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp cho vùng đất bấy lâu bị phong tỏa bởi sông rạch, phát triển chậm chạp ì ạch không khác gì nông thôn vùng sâu vùng xa. Thoạt tiên người dân bản địa cũng vui mừng bởi họ sẽ có điều kiện đổi đời trong sự phát triển chung. Chỉ tiếc rằng, lý thuyết hồng nhưng hiện thực lại xám. Đến nay đã hơn 20 năm, dự án đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa sau bao lần chỉnh sửa, thêm bớt, đổi nhà đầu tư vẫn còn nằm trên giấy. Khu vực rộng lớn hàng trăm héc ta gần như giậm chân tại chỗ, chưa nói là có phần đi xuống xơ xác thảm hại, trong khi những vùng khác của thành phố tiến lên vùn vụt, đổi thay chóng mặt. Mấy vạn dân nơi đây luôn trong tình trạng chờ đợi, thấp thỏm, lo âu, hy vọng mỏi mòn.
Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, đời người sống biết được bao lâu mà phải bỏ ra đến hai chục năm chờ đợi, trì trệ trả giá cho quy hoạch treo. Vẫn biết thực hiện quy hoạch phải có độ lùi thời gian nhất định để biến dự án thành hiện thực nhưng lùi đến một phần mấy đời người thì chả ai dám hình dung thế. Sống trên đất của mình, nhà của mình mà như sống tạm sống nhờ, như trên đất của người khác. Nhà xuống cấp không được quyền sửa chữa, chật chội không được cơi nới mở mang, nói gì muốn đẹp hơn cao hơn sang trọng rộng rãi hơn. Đời bố mẹ chấp nhận treo đã đành, đời con cái cũng bị bó buộc bị treo cả tương lai bởi thứ quy hoạch treo tưởng chừng vô cùng vô tận ấy. Nếu “xé rào” nhằm giải quyết trước mắt nhu cầu cuộc sống thiết thực thì lại rơi vào vi phạm pháp luật.
Thực tế cho thấy, trong khá nhiều trường hợp cưỡng chế, giải tỏa nhà xây không phép ở Bình Quới-Thanh Đa hoặc ở H.Bình Chánh, Q.Gò Vấp… thời gian qua, có không ít vụ xuất phát từ nguyên nhân quy hoạch treo, chủ đất không đủ nhẫn nại chờ đợi thực hiện dự án quy hoạch nên đã liều một phen. Biết sẽ bị đập mà vẫn xây, phải chăng đó là sự chẳng đặng đừng. Cưỡng chế, đập bỏ hàng trăm căn nhà, tức lãng phí hàng trăm hàng nghìn tỉ đồng, cả nhà nước lẫn nhân dân đều không muốn thế. Trong sự vi phạm pháp luật của dân có phần nào lỗi của quy hoạch treo, tức của chính quyền.
Có nên ghé vào tai những nhà chức việc, nhất là người chuyên về quy hoạch đất đai, đô thị mà bảo nhỏ rằng chẳng nhẽ các vị chưa bao giờ nghe câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Nguyễn Thông