THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 September 2013

Đã dừng được bauxite Phú Yên, nên dừng luôn Nhân Cơ




Bauxit VietNam (2)

“Cá nhân tôi cho rằng việc tiếp tục dự án Nhân Cơ là không thuyết phục bởi nhiều vấn đề” – Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nêu quan điểm
PV: – Thưa ông, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã dừng triển khai dự án khai thác, chế biến quặng bauxite Vân Hòa ở huyện Sơn Hòa theo chỉ đạo của Thủ tướng, theo đó các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đi vào hoạt động, được đánh giá là có hiệu quả.
Ông có cho rằng đây là một động thái tích cực, dấu hiệu tốt lành xét trên hiệu quả kinh tế và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khi bauxite đang được xuất khẩu với mức thuế suất 0%?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Tôi nghĩ đây là một hành động tích cực mà cũng khá là dũng cảm của lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Chính phủ. Tất nhiên, họ cũng đã có sự cân nhắc khi ở thời điểm hiện tại khó có thể khai thác, chế biến bauxit và tiêu thụ alumina một cách có hiệu quả.
Vì vậy tôi đánh giá đây là một quyết định tỉnh táo và kịp thời.
PV: – Về hiệu quả kinh tế của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, các chuyên gia đã phản biện rất nhiều tại các hội thảo khoa học và trên báo chí là không chỉ không có lãi mà còn tác động xấu tới môi trường, lãng phí tài nguyên…đến mức Vinacomin phải đưa ra giới hạn thời gian dài vài chục năm sau mới có lãi. Giả sử báo cáo đánh giá lần tới đây họ cũng áp dụng chiêu kéo dài thời gian khai thác hơn nữa để có một số lãi nào đó thì sao, thưa ông?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Nếu trong thời gian tới đây Vinacomin tiếp tục áp dụng chiêu kéo dài thời gian khai thác hơn nữa để có lãi thì sẽ rất khó thuyết phục dư luận xã hội vì sẽ rất khó tìm ra một lý do rõ ràng để khẳng định việc khai thác và chế biến bauxite hiện nay ở Việt Nam là có lãi.
Cả hai mỏ Tân Rai và Nhân Cơ, bản thân tôi cũng đã nhiều lần phát biểu rằng chúng ta không nên khai thác vì không những không có lãi về mặt kinh tế mà còn có khả năng ảnh hưởng rất xấu đến môi trường.
PV: – Trước đây, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm, trước mắt cần dừng thực hiện dự án Nhân Cơ, chờ đánh giá hiệu quả của Tân Rai rồi mới tiếp tục. Ông có chia sẻ quan điểm này không và tại sao?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Tôi cho rằng, nếu đã gọi là thí điểm, thì chỉ cần thí điểm dự án Tân Rai là đủ. Hơn nữa dự án Nhân Cơ giống hệt dự án Tân Rai về mọi mặt, từ vốn đầu tư, đến công nghệ và đơn vị thực hiện EPC đều như nhau.
Thực chất cả Nhân Cơ và Tân Rai đều là hai cơ sở sản xuất lớn, có vốn đầu tư lớn, cá nhân tôi cho rằng việc tiếp tục dự án Nhân Cơ là không thuyết phục bởi nhiều vấn đề.
Về mặt kinh tế, số tiền để xây dựng dự án càng ngày càng đội lên, lúc đầu chỉ ước tính khoảng 500 triệu USD bây giờ đã lên đến 700 triệu USD rồi, thậm chí có những dự đoán cho rằng số tiền đầu tư cho dự án có thể vượt 800 triệu USD. Với số vốn đầu tư lớn như vậy thì khả năng dự án đạt hiệu quả kinh tế càng thấp.
Thứ hai là về mặt môi trường thì trong những năm qua nguồn nước ở Tây Nguyên đang thiếu trầm trọng, trong khi dự án ấy lại sử dụng rất nhiều nước và nước lại ở những điểm rất cao nên không những dẫn đến tình trạng thiếu nước mà nguồn nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu nước ô nhiễm xuống lưu vực sông Đồng Nai thì thực sự là tai họa.
PV: – Ông có kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách đúng đắn, khoa học không chỉ với bauxite mà với tất cả tài nguyên khoáng sản của Việt Nam để tránh ‘lời nguyền khoáng sản’ như các chuyên gia đã không ngừng lên tiếng cảnh báo?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Bản thân tôi rất mong Nhà nước tỉnh táo trong việc khai thác khoáng sản nói chung trên toàn quốc vì chúng ta sống bây giờ không phải chỉ cho mình mà còn phải nghĩ đến thế hệ mai sau. Vì vậy chúng ta không nên thấy gì dễ dàng khai thác là cứ cố khai thác thật nhiều để đem bán, rồi các thế hệ sau không còn gì để sử dụng.
Chúng ta cần phát triển và đầu tư chiều sâu theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để có thể tăng giá trị sản phẩm, đừng chỉ vì lãi cám dỗ trước mắt mà cứ lao vào đầu tư khai thác. Hơn nữa, ngay cả với các dự án Nhân Cơ, Tân Rai chúng ta đang bàn đến hiện nay cũng chưa thể chắc chắn là có lãi hay không.
Xin cảm ơn ông!
THEO ĐẤT VIỆT