CHƠI KIỂU GÌ CŨNG CHẾT, rủ nhau bỏ chứng khoán
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 11-9 chứng kiến một sự kiện bất ngờ. Giao dịch đợt đóng cửa của phiên cổ phiếu PVF (Công ty Tài chính dầu khí) bị xả ATC trên 1,1 triệu, cộng với 539.000 đơn vị nữa giá sàn, nhưng hoàn toàn là do nhà đầu tư trong nước. Thời điểm đó dư luận cho rằng có một tổ chức nào đó đang cắt lỗ PVF vì cổ phiếu này đã ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử… Tổng cộng 1,6 triệu cổ phiếu đã được bán thành công trên thị trường.
Dấu hiệu bất thường
Nhưng chỉ vài giờ sau phiên giao dịch, câu trả lời đã được đưa ra: Công ty chứng khoán FPT (FPTS) công bố loại cổ phiếu PVF ra khỏi danh mục được ký quỹ kể từ ngày 12-9. Và một cơn bán tháo PVF xảy ra vào ngày 12-9 với gần 2 triệu cổ phiếu rao bán với giá sàn và chỉ đến 11 giờ PVF thật sự đã mất thanh khoản.
Vấn đề là ở chỗ tại sao một số nhà đầu tư lại biết trước thông tin của FPTS trước khi nó được công bố, thậm chí biết rõ lượng cổ phiếu PVF đang cầm cố tại FPTS đủ lớn để có thể gây một cơn bán tháo sốc trên thị trường. Như vậy thông tin nội bộ lọt ra ngoài đã giúp một số nhà đầu tư “thoát” được 1,6 triệu cổ phiếu sắp mất thanh khoản, một cách ngoạn mục.
Rất có thể đây là một loại giao dịch nội gián theo đúng quy định của Luật chứng khoán; Giao dịch nội gián là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi thông tin được công bố công khai nhằm mua – bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng lợi. Trách nhiệm của cơ chế giám sát thị trường chứng khoán sẽ phải làm rõ ai là người để lộ thông tin và ai là người được hưởng lợi. Cũng theo các quy định pháp luật: Quy định về xử phạt đối với trường hợp vi phạm (theo Điều 27, 28 Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK): Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật của cá nhân, tổ chức đầu tư chứng khoán do có hành vi vi phạm.
Số phận bi thảm của cổ phiếu PVF
Thị trường chứng khoán là một thị trường rất nhạy cảm. Thị trường thật sự không dựa trên những con số cụ thể, chẳng hạn ước đoán khối lượng PVF sẽ bị bán ra từ FPTS, mà tính toán xa hơn nhiều: Nếu FPTS loại PVF ra khỏi danh sách cầm cố, thì rất có thể các công ty chứng khoán khác cũng sẽ làm như vậy. Hiện đa số công ty đang cho giao dịch cầm cố cổ phiếu với PVF, đơn cử như Công ty Chứng khoán HSC giữa tuần trước còn thông báo chấp nhận ký quỹ PVF tỉ lệ 50:50. Việc đưa một cổ phiếu ra khỏi danh sách được phép cầm cố không có nghĩa là cổ phiếu đó sẽ bị bán tháo. Nhưng thực sự tiềm năng rất cao là PVF đang bị giải chấp. Nghĩa là nếu các nhà đầu tư không trả lại tiền để nhận cổ phiếu thì công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu theo giá thị trường để thu hồi vốn. Và như vậy hàng triệu, hàng triệu cổ phiếu PVF sẽ bị tung ra bán hạ giá trên thị trường. Ngay cả khi không có việc bỏ ký quỹ, PVF cũng đã sụt giảm trên 20% chỉ trong chừng 2 tuần giao dịch vừa qua. PVF ngày 12-9 mất thanh khoản, không khó để hình dung áp lực bán ra sẽ còn tăng nữa.
Ngày 11-9, PVF vẫn còn thanh khoản do giá đột nhiên sụt giảm rất mạnh và nhà đầu tư chưa hiểu rõ lý do. Hoạt động mua vào với dự định đầu cơ vẫn diễn ra. Tuy nhiên đến hôm nay, đã có thêm nhiều phân tích và thông tin mới. Tác động nhất vẫn là rủi ro bị cắt giảm ký quỹ và giải chấp. Tiếp đến là khả năng nhà đầu tư nước ngoài bán ra để cơ cấu danh mục với PVF, do thời gian hủy niêm yết có thể kéo dài. Sau phiên 12-9, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu có những động thái bán ra khối lượng lớn. Nhà đầu tư sẽ nhìn PVF với con mắt hết sức thận trọng vì tổng hợp các lực bán có thể nhấn chìm các nỗ lực bắt đáy. PVF sẽ rơi giá đến đâu đủ để hấp dẫn dòng vốn mạo hiểm nhập cuộc là điều rất khó dự đoán. Chỉ khổ các nhà đầu tư chứng khoán đang ôm hàng triệu cổ phiếu PVF sắp rơi xuống giá trị giấy trắng mà thôi.
Những giao dịch nội gián làm đau đầu các nhà đầu tư
Những giao dịch bất thường của thị trường chứng khoán mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho một số nhà đầu tư đã được dư luận chú ý từ lâu. Năm 2012, báo chí từng đặt câu hỏi khi quan sát sự việc nhóm nhà đầu tư, trong đó có Eximbank, đã mua gom cổ phiếu STB của Sacombank để đạt đến tỷ lệ sở hữu lớn, nhưng Ủy ban chứng khoán đã xử phạt khá muộn các giao dịch chạm ngưỡng phải công bố (sở hữu đến 5%), mà người mua không công bố thông tin. Quan sát giao dịch chứng khoán gần đây có thể thấy một hiện tượng đáng chú ý. Dòng tiền ngày càng tập trung vào các mã cổ phiếu lớn (tại HNX, 80% dòng tiền chọn mua cổ phiếu trong HNX30; tại HOSE, khoảng 35-65% dòng tiền giải ngân vào cổ phiếu trong VN30).
Trong khi khoảng 700 mã chứng khoán niêm yết có thanh khoản hạn chế thì các mã lớn tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư. Trường hợp gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Vân Trang, cán bộ Công ty CP Bê tông Xuân Mai bán chứng khoán khi biết công ty này chuẩn bị mua cổ phiếu quỹ. Cũng có trường hợp doanh nghiệp cấu kết với đơn vị kiểm toán đưa ra báo cáo tài chính kiểm toán không trung thực (như vụ Công ty CP Bông Bạch Tuyết). Các chuyên gia cho rằng, cần sự liên kết đa ngành, cũng như bịt những lỗ hổng về pháp lý và chế tài xử phạt. Chẳng hạn, trong Luật Chứng khoán không quy định chế tài đối với doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng được huy động vốn ra công chúng, nên không thể xử lý vi phạm.
Đã đến lúc cần bổ sung các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán trong Luật Hình sự. Luật Chứng khoán đã quy định, đối với các hành vi nghiêm trọng như giao dịch nội gián, thao túng thị trường, chào bán chứng khoán trái phép, tổ chức thị trường trái pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
THEO AN NINH THỦ ĐÔ