THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 December 2013

Không lo cải tiến công nghệ, Việt Nam ‘tiêu’ giùm ‘hàng thải’ Trung Quốc


480x360xnh_p_kh_u_tq.jpg,q1386826521.pagespeed.ic.GpMscJJtxj
Hầu hết máy móc, thiết bị, phụ tùng tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc
Không phải đến bây giờ nhận định về nguy cơ Việt Nam có thể bị biến thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc mới được nói đến. Và hồi tháng 5, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng nhắc lại câu chuyện này. Nhưng đến nay, sau 30 năm đổi mới, các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” và hầu như không ngành nào có thể cạnh tranh áp đảo để có thể xuất khẩu máy móc, thiết bị sang Trung Quốc. Ngược lại, ngành sản xuất của nước ta lại đang quá phụ thuộc vào nhập khẩu tùm lum nguyên liệu của “ông láng giềng”, từ miếng vải cho đến… công nghệ “rác”.
Ông Nghĩa cho rằng chính môi trường quá mở ở Việt Nam rất dễ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài mang theo công nghệ thấp “chạy qua” nương nhờ. Ông chỉ ra đang có “làn sóng từ Trung Quốc” đang biến các chính sách thu hút đầu tư mang lại “hậu quả” thay vì “hiệu quả”, và biến đất nước trở thành một “bãi rác công nghệ” khổng lồ.
Bức tranh xuất nhập khẩu thiên lệch chính là minh chứng rõ nét nhất. Theo TS. Hồ Trung Thanh – Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), trải qua 30 năm đổi mới, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, khoáng sản thô… trong khi các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10%, mà không mặt hàng nào thực sự mạnh để áp đảo ngay trên chính thị trường nội địa, chưa nói đến việc “mang chuông đi đánh xứ người”.
Báo cáo mới đây của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (VITIC) cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 26,74 tỷ USD. Trong số 43 nhóm hàng được nhập từ Trung Quốc, 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, chỉ riêng các nhóm hàng máy móc, thiết bị điện tử, điện thoại và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 11,83 tỷ USD, gấp rưỡi nước đứng thứ hai là Hàn Quốc với 7,6 tỷ USD. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc lớn đến nỗi dù có nỗ lực xuất siêu sang một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và khu vực EU đến đâu, thì “chỉ cần phần thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc là có thể “ăn” hết phần nhập siêu đạt được”. Nếu hàng nhập về được các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm xuất khẩu thì có thể bù một phần thiệt hại, nhưng thực tế, theo TS Võ Trí Thành, hàng trung gian lại được các doanh nghiệp gia công phục vụ tiêu dùng trong nước nên giá trị gia tăng kém, thâm hụt thương mại lớn.
Vẫn biết của rẻ là của ôi, nhưng có hàng rẻ hơn mà không dùng mới là lạ. Các doanh nghiệp nội vẫn nhập khẩu ồ ạt với lý do giá rẻ, đa dạng, cần là có, từ lắp đặt dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đến các đồ dùng trong văn phòng, máy dùng trong ngành nhựa, may mặc đến thủy điện… Thậm chí, ngay cả các công trình đòi hỏi cao về chất lượng và độ an toàn như các tổ máy cho các nhà máy điện lớn nhất của Việt Nam như thủy điện Sơn La cũng dùng máy móc “made in China”. Đến ngay các doanh nghiệp còn đưa ra lựa chọn như vậy, thì càng không khó hiểu vì sao từ cái bấm móng tay cũng lựa chọn hàng Trung Quốc bán la liệt ngoài chợ, hơn là chọn một mặt hàng Việt Nam vừa thô vừa đắt. Mà Việt Nam có sản xuất được những thứ người ta cần hay không mới là điều đáng nói.
Đánh giá về thực trạng này, TS.Thanh cho rằng theo quy luật muốn nâng cao sức cạnh tranh phải đổi mới công nghệ, quốc gia nào có lợi thế về công nghệ cao hơn sẽ có lợi thế về sức cạnh tranh hàng hóa. Trung Quốc hiện đang diễn ra quá trình đổi mới công nghệ rất mạnh, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ cũ cho các nước kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam. Về lý thuyết, nếu nhập khẩu công nghệ cũ từ Trung Quốc về sản xuất thì rất khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, mua công nghệ cũ chưa hẳn đã rẻ khi nó đội thêm một khoản chi phí khổng lồ bởi công nghệ cũ thường “ngốn” nguyên vật liệu và chi phí sửa chữa…
Để cải thiện tình trạng nhập khẩu ồ ạt “rác” công nghiệp của Trung Quốc, TS.Thành cho rằng điều quan trọng là phải nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tốt hơn Trung Quốc. Hơn nữa, chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang đắt lên, đồng Nhân dân tệ đang tăng giá… chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tấn công vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Thế nhưng, cơ hội vẫn mãi chỉ là cơ hội khi những cái tên Việt còn đang mải đi đánh… quả lẻ. Trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… dù cũng có mối quan hệ phụ thuộc vào Trung Quốc, song hàng hóa nội địa của họ vẫn có được chỗ đứng tại thị trường nội địa, và xuất đi không ít sang các nước xung quanh và sang cả Trung Quốc. Toàn cầu hóa, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu, nhưng lợi ích chia giữa các bên thế nào lại phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của chính nội tại bản thân nước đó.
Vân Du
THEO SỐNG MỚI