Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội và TP. HCM giải đáp thắc mắc của độc giả liên quan tới việc cấm xe máy.
Tại buổi giao lưu trực tuyến về "Cấm xe máy: Bao giờ và như thế nào?" do Báo điện tử VTC News tổ chức vào ngày 10/12 vừa qua, ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc sở giao thông vận tải TP. HCM thừa nhận, muốn tạo được giao thông thông thoáng thì phải có giải pháp hạn chế việc gia tăng xe máy.
Phân tích thực trạng giao thông ở TP. HCM, ông Thanh cho hay, qua số liệu thống kê của CSGT, trên 70% số vụ tai nạn là do xe máy. Có thể nói rằng xe máy chính là đối tượng gây ra tai nạn nhiều nhất ở TP.HCM.
"Theo thống kê, vẫn có những hành vi xấu của người sử dụng xe cơ giới như lạng lách, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, chạy không đúng làn đường quy định, chuyển không có tín hiệu... đã gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc", ông Thanh nói.
Kế sách của TP. HCM
Phân tích thực trạng giao thông ở TP. HCM, ông Thanh cho hay, qua số liệu thống kê của CSGT, trên 70% số vụ tai nạn là do xe máy. Có thể nói rằng xe máy chính là đối tượng gây ra tai nạn nhiều nhất ở TP.HCM.
"Theo thống kê, vẫn có những hành vi xấu của người sử dụng xe cơ giới như lạng lách, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, chạy không đúng làn đường quy định, chuyển không có tín hiệu... đã gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc", ông Thanh nói.
Kế sách của TP. HCM
Ông Dương Hồng Thanh - Phó GĐ Sở GTVT TP.HCM (bên phải). Ảnh: Việt Dũng |
TP.HCM đã thực hiện quy hoạch giao thông vận tải từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn sau đó. Bản quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó thành phố này sẽ phát triển 6 tuyến metro, 3 xe điện mặt đất, một số tuyến xe buýt nhanh BRT và hệ thống xe buýt TP.HCM.
"Tất cả các giải pháp trên nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Song song với đó, chúng tôi sẽ kiểm soát sự gia tăng xe cá nhân, không những xe máy mà cả ô tô. Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này có nhiều giải pháp, nhưng phải có lộ trình.
Và việc phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm một lúc nào đó người dân sẽ tự nguyện sử dụng các phương tiện an toàn, tiện lợi hơn xe máy. Tất nhiên, trong những giải pháp trên sẽ có giải pháp mang tính kinh tế.
Ví dụ, tăng phí trông giữ xe ở nội đô. Có những đoạn đường cấm sử dụng xe gắn máy, xử lý thông qua thuế nhằm sử dụng xe cá nhân. Tất cả điều đó sẽ được thực hiện", ông Thanh nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM tiết lộ, việc thực hiện lộ trình này đến sau năm 2025 sẽ hoàn tất.
Ông Thanh cho rằng sở dĩ phải tới 2025 là vì họ muốn có đủ thời gian cho người dân chuẩn bị từ việc mua bán xe, nơi ăn ở và nơi học tập cho con cái.
Hà Nội có cao kiến gì?
Ở Hà Nội, tại khu vực trung tâm, mật độ dân cư đông đúc cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông đã tạo ra một áp lực lớn cho giao thông thành phố. Qua khảo sát, có nhiều nút giao thông có lưu lượng xe thông qua nút vượt từ 4-6 lần.
Vào giờ cao điểm, vẫn còn trên 70 nút giao thông có nguy cơ bị ùn tắc. Bên cạnh đó, diện tích các điểm giao thông tĩnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là khu vực Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, buôn bán lấn chiếm vỉa hè còn diễn ra ở nhiều nơi. Chưa kể, cá biệt còn có những trường hợp vi phạm chống đối lại lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.
Mặt khác, chúng ta cũng chưa có nhiều cầu vượt, đường hầm cho người đi bộ qua đường. Dòng giao thông là hỗn hợp, đa phương tiện. Hầu hết các tuyến đường chưa tách được dòng phương tiện giữa xe ô tô, mô tô và xe thô sơ. Vì vậy, việc đi lại trong thành phố cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với người nước ngoài.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Thành phố dự kiến sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng tuyến phố đi bộ trên các trục tuyến xung quanh khu vực lăng Bác, khu vực Bờ Hồ, đường Đinh Tiên Hoàng và khu vực phố cổ. Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang hoàn chỉnh đề án trình thành phố phê duyệt và triển khai trong năm 2014.
Ngoài ra, liên ngành sở GTVT và Công an thành phố đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các cầu vượt nhẹ, nhằm giảm xung đột ở các nút giao thông lớn.
"Để tiến tới một thành phố văn minh, hiện đại và an toàn, chúng ta phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng nhiều loại hình khác nhau, như các loại xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông theo hướng cả đường trên cao, trên mặt đất và đường ngầm.
Đồng thời cần phải đẩy mạnh quy hoạch đô thị, từng bước giãn mật độ dân cư và các cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học ở khu vực trung tâm. Đây là những cơ sở tiền đề để tiến tới việc giảm sự phát triển đi lại bằng xe máy.
Nếu giảm được số lượng xe máy hoạt động trong thành phố thì tình hình giao thông sẽ được cải thiện đáng kể, tình trạng tai nạn giao thông cũng được hạn chế.
Việc hạn chế phát triển xe máy ở thành phố là hết sức cần thiết và cần lộ trình thích hợp, để người dân có sự chuyển đổi hợp lý. Theo cá nhân tôi, đông đảo người dân sẽ hưởng ứng việc hạn chế xe máy khi có nhiều phương tiện giao thông khác thuận lợi, an toàn hơn", ông Giáp khẳng định.
Chuyên gia hiến kế
TS Lương Hoài Nam - cựu Tổng giám đốc Jetstar Pacific - người ủng hộ tuyệt đối ý tưởng cần có lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn cho rằng, nếu cấm xe máy khi chưa có (hoặc có nhưng chưa đủ) tàu điện ngầm, tàu điện trên cao thì xe buýt lớn và xe buýt mini sẽ là phương tiện giao thông công cộng chủ yếu.
Khi không có xe máy, vỉa hè của chúng ta sẽ thông thoáng để trồng thêm nhiều cây xanh, luống hoa, làm cho mỹ quan đô thị xanh, sạch, đẹp hơn rất nhiều. Các chợ "cóc", quán "cóc" cũng sẽ được dẹp bỏ, dành không gian sạch sẽ cho người đi bộ ra bến xe, bến tàu, vừa đi vừa nghỉ ngợi công việc hoặc thư giãn đầu óc.
"Chúng ta hoàn toàn không thiếu đường cho xe buýt chạy. Tỷ lệ km đường trên km2 diện tích của Hà Nội là 2,5, của TP HCM là 1,8, so với Hong Kong là 1,9. Đất chật, người đông, phố nhỏ như Hong Kong mà cấm xe máy được, xe buýt vẫn đủ đường chạy thì không thể nói ở Hà Nội, TP HCM thiếu đường nên không thể thay được xe máy bằng xe buýt", ông Nam khẳng định.
Minh Quân