THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 October 2013

LAO ĐỘNG CẦU ĐƯỜNG !


VRNs(17.10.2013) – Sài Gòn – Nói họ là công nhân cũng không đúng vì họ không có chế độ bảo hiểm, từ bảo hiểm y tế đến bảo hiểm xã hội, họ vẫn mặc áo của công ty cầu đường nhưng lại làm việc được chăng hay chớ, làm theo thời vụ, không có lương cố định, làm ngày nào tính công ngày đó. Nên chỉ có thể gọi họ là lao động cầu đường, một công việc nặng nhọc, vất vả và đầy nguy hiểm.
“Mỗi ngày 160.000đ, nhưng công việc cầu đường thì quá nặng, uốn thép, đục bê tông, nấu dầu, rải nhựa, chở đá dăm, luôn luôn sống trong bụi bặm, khói xe. Tai nạn đủ kiểu, tai nạn trong công việc, tai nạn bị xe tông, đủ các rủi ro”. Anh Trần Văn Cả, lao động cầu đường cho công ty Cienco 5
Anh Trần Văn Cả, một người lao động làm cầu đường cho công ty Cienco 5, đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi, kể với chúng tôi: “Mỗi ngày làm từ 6h45 sáng đến 19h chiều, nghỉ trưa đúng một giờ đồng hồ để ăn cơm, nghỉ lấy sức, xong lại làm tiếp, nắng và bụi không thể nào tả nổi!”.
“Lương tính theo ngày, có làm thì có hưởng, vậy thôi, mỗi ngày họ trả cho mình một trăm sáu chục ngàn đồng, nhưng công việc thì quá nặng, vì làm cầu đường thì biết rồi, nếu không uốn thép, đục bê tông thì cũng nấu dầu, rải nhựa, chở đá dăm, luôn luôn sống trong bụi bặm, khói xe, và nguy cơ tai nạn. Tai nạn thì đủ kiểu, tai nạn trong công việc, tai nạn trong lúc làm việc bị xe nó tông, đủ các rủi ro. Nhưng thôi kệ, đời người sinh ra thì phải làm, làm cho đến lúc nhắm mắt, còn sống được thì còn phải kiếm cái để bỏ vào miệng…”.

Lao động làm thuê mà, đâu phải công nhân chính thức
Một nữ làm lao động cầu đường khác than thở với chúng tôi: “Nhà em có hai đứa con, ông chồng em làm thợ hồ, bà nội mấy đứa thì già rồi, chỉ quanh quẩn nhổ giùm mấy cây cỏ trong đám rau sau nhà, trước đây em đi làm trong công ty hải sản, nhưng lương thấp quá, nghỉ việc sang đây làm công trình, dự tính công trình này kéo dài chừng ba năm, xong công trình, không biết chừng em theo anh em đi làm nữa. Kể ra cũng khó nhưng không đi làm thì khó quá!”.
 “Mỗi ngày người ta trả cho em một trăm ba chục ngàn đồng, công việc của em là trộn bê tông, chở cát, đá dăm, phụ nấu dầu, có khi uốn thép, nói chung ai sai chi mình làm nấy, bảo hiểm thì làm gì có, mình là lao động làm thuê mà, đâu có phải là công nhân chính thức. Đương nhiên là vẫn làm mọi việc mà công nhân họ làm, còn nếu không làm thì người ta cho người khác làm, khổ lắm, dễ chi mà kiếm được công việc kiếm cơm mỗi ngày, ruộng mình cũng không có như người ta!”.

Nhiều ông chủ thầu cứ muốn nữ lao động ngủ
Một nữ lao động khác tên Hằng, 28 tuổi kể với chúng tôi: “Em bị tai nạn lao động trong xưởng dệt, không thể làm việc được chỗ đó nữa vì em thấy sợ, mỗi lần làm là run tay, về quê được vài tháng thì đi làm phụ công trình, nghề này quá cực, nặng nề lắm!”.
 “Giới chủ thầu họ cũng vô văn hóa lắm, thậm chí có nhiều ông mất tính người nữa kia, cứ muốn nữ lao động phải ngủ với mấy ổng, mà mấy ổng thì có vợ con, nhà cửa đàng hoàng chứ đâu phải là cù bất cù bơ! Nhưng cái máu tìm của lạ của mấy ổng luôn làm tụi em khổ. Mình tỏ ra nghiêm với mấy ổng là bị ép đủ kiểu”.
 “Tiền ngày công của mình bị hứa tới hứa lui, thậm chí, lúc đi lấy tiền, gặp mấy ổng đang nhậu, mấy ổng bảo mình phải cởi quần ra chạy một vòng thì mời trả lương. Nhiều đứa tức quá chửi thẳng vào mặt rồi bỏ việc. Còn mình thì ráng chịu đựng, không nổi giận, chỉ bỏ về thôi, đến khi mấy ổng tỉnh lại, mình tiếp tục đòi tiền. Đương nhiên là mấy ổng phải trả tiền cho mình, nhưng mình thấy bị xúc phạm đến tột cùng”.
Hồng Hạc, Lao Động Việt
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.