Tác giả Phan Bội Châu
Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta, mà ở
trong chứng bệnh đó lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả. Gần
mấy năm nay, cuộc Âu châu cũ vừa xong mà cuộc “thế giới đại chiến” mới
đã toan gây rối, chủ nghĩa quốc gia toan bành trướng đến cực điểm. Người
nước ta bây giờ ngoài thì bị làn song thế giới xô đẩy mà ngủ không thể
nào yên; trong thì bị dây sắt cường quyền trói đau, mà sống không thể
nào khỏe. Lúc bấy giờ những thiếu niên với phường mới học, cho đến những
người ngủ say quá độ, mới đánh thột ở trong giấc chiêm bao, thấy con em
mà đau đớn cho kiếp ngựa thân trâu, trông non song mà ngậm ngùi những
mây sầu gió thảm.
Tiếng hai chữ “Ái quốc” mới vẳng bên tai người ta, hồn ái quốc tuy
còn dở tình dở say, mà bóng “Ái quốc” nửa mờ nửa tỏ; nào là đám truy
điệu, nào là tiệc hoan nghênh, nào là kỉ niệm anh hùng, nào là sùng bái
chí sĩ, chuông dồn trống giục, nam hát bắc hò, xem ở trong một đám lúc
nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền mất nước, biết quyền
nước đã mất thì tính mạng không còn, biết hồn nước có về thì giang sơn
mới sống. Ngòi bút ái quốc cũng đã có một đôi kẻ múa men, tên tờ giấy
nhật trình cũng đã tỏ vẻ một vài câu thương nòi thương nước.
Nên những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn, thì giống Tiên
Rồng, giống Lạc Hồng, chẳng hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay! Khốn
khó thay! Người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì
đầy đường chật ngõ, giọt nước mắt khóc nước vẫn đêm ngày chan chứa, mà
xem cho kĩ thì rặt là nước mắt gừng, tiếng chuông trống kêu hồn vẫn
trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi, thi rặt là chuông trống trò
hội, ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là ái kim khánh mề đay,
khi trước mặt người vẫn ái quốc, mà đến lúc đêm khuya thanh vắng thì
tính toan những việc chó săn chim mồi.
Chao ôi! Trời ôi! Ái quốc gì! Ái quốc thế ru?
Treo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc
lấy tiếng chí sĩ nhân dân, một mặt thì ôm chặt lốt ông Tham bà Đốc.
Ôi các anh em! Ôi các chị em! Người Âu châu, Nhật Bản, ai ái quốc như
thế! Ái quốc như thế thà không ai quốc còn hơn: Trá vàng mặt ngoài, làm
tai mắt cho những kẻ chuộng vàng, xức mặt đầu môi, làm khổ cực cho
những người say mật; vì đá vũ phu mà oan đến ngọc; vì tròng mắt cá mà
họa đến châu.
Ôi chứng bệnh quốc gia giả kia, chết nước, chết nòi vì chứng bệnh đó,
chứng bệnh đó nếu không trừ khỏi, 25 triệu dân ta chắc chôn sống rày
mai. Tôi ngồi sâu, nghĩ lặng, khấn nguyện chín phương trời, ước ao thần
hộ Phật phù, cứu khổ, cứu nạn gấp cho tôi vị thuốc để chữa chứng bệnh đó
cho người ta, mới được vị thuốc này là “BỤNG NHIỆT THÀNH”
Bụng nhiệt thành đó là gốc ở một tấm lòng đỏ của loài người. Khi mẹ
mới hoài thai, thì đã đúc sẵn một hòn máu nóng, đến khi sinh thành
trưởng đại, thì hòn máu đó càng nuôi nấng càng lớn lao, càng nấu nung
càng tươi thắm; giọt máu đó xối vào sắt, sắt phải tan, giọt máu đó rưới
vào ma, ma phải tránh. Người Nhật Bản có câu rằng: “Tinh thành sở chí
kim thạch năng khai” nghĩa là tinh thành đã tới nơi dầu đá vàng cũng
không nức nở. Ông Khổng Tử có câu rằng: “Thất phu bất khả đạt chí” nghĩa
là chí vững bền của một người không ai cướp được. Những câu nói đó đều
là vẽ cả nét nhiệt thành người ta; có đầy đủ một tấm nhiệt thành mới
trọn vẹn mười phần ái quốc, thành mà không nhiệt thì kém phần nóng sốt,
nhiệt mà không thành thì kém sức vững bền, mà cái nhiệt đó dễ lạnh, đã
thành lại nhiệt, đã nhiệt lại thành, thời thần quỉ phải kinh, mưa gió
chông gai cũng phải dẹp, chỉ có ai sợ ta, mà ta không sợ ai, chỉ có ai ỷ
lại vào ta mà ta không ỷ lại vào ai.
Đã biết nước là mẹ, thì dầu hi sinh ta với nước mà ta không quản,
trong óc chỉ có nước, ngoài việc nước ta không màng gì lợi, ta không
thiết gì danh, nhiệt thành thế này mới là ai quốc, ái quốc thế này mới
hay cứu quốc.
Ruột tằm máu quốc thề sống thác với non song, dạ sắt lòng son chẳng
lụi sờn vì mưa nắng, nhiệt thành như vậy người ta có khó gì tự lập đâu,
vậy nên trong bài tự lập lại cần thứ nhất vị thuốc này:
“BỤNG NHIỆT THÀNH” mười phân luyện chín
———————————————————————————————
Tác giả Phan Bội Châu
Trích đăng từ tập Luân Lý Vấn Đáp – chương 10 Cao Đẳng Quốc Dân
Tập 7 Phan Bội Châu Toàn Tập