(TNO) Mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến hàng ngàn căn nhà ở ba huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) chìm trong biển nước.
Nhà cửa bị ngập lụt
Chiều 16.10, có mặt tại ba huyện miền núi trên, PV Thanh Niên Online chứng kiến hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước. Cùng với đó là cảnh tượng người dân chạy lũ và di chuyển nhiều trâu, bò, vật dụng… đến nơi cao hơn.
Lúc 16 giờ, tại xã Hương Minh, H.Vũ Quang, có hơn 100 căn nhà ở các thôn 3, 4 và 5 bị nước lũ ngập đến nóc; đường sá bị chia cắt hoàn toàn, người dân buộc phải dùng thuyền thúng và thuyền vỏ nhôm để di chuyển.
Bà Nguyễn Thị Túy (trú thôn 4, xã Hương Minh), cho biết lúc 7 giờ sáng 16.10 mưa lớn như trút nước và nước lũ cứ thế cuồn cuồn đổ về, nhấn chìm toàn bộ nhà cửa, cây cối chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau đó.
Tại H.Hương Sơn, lúc 18 giờ, mưa vẫn như trút nước, nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Sơn, tính đến 16 giờ 30 hôm nay, trên địa bàn huyện này đã có 4.450 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ và tuyến đường 8A (đi qua địa bàn huyện) đã bị chia cắt.
Hiện cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang vận động, hỗ trợ người dân ở ba huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê di tản đến nơi an toàn để hạn chế đến mức thấp nhấp những thiệt hại của mưa lũ.
Thanh Niên Online ghi lại cảnh ngập lụt kinh hoàng tại Hà Tĩnh vào chiều 16.10.
Người dân H.Vũ Quang phải dùng thuyền và bè để di chuyển Đưa lợn ra khỏi khu vực bị ngập lụt Gom củi trong mưa lũ Chất lúa lên cao để tránh lũ Dọn dẹp nhà cửa |
Nguyên Dũng (thực hiện)
Hướng về đồng bào miền Trung
Cơn bão số 10 ập vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày 30.9 và tiếp sau đó là những trận lũ dữ dội xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã gây nên bao tang tóc, đau thương cho dải đất miền Trung nhỏ hẹp. Khi đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 thì vào rạng sáng 15.10, người dân miền Trung mà đặc biệt là các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… lại hứng thêm một cơn bão số 11 hết sức kinh hoàng, lại thêm hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Trước tình hình đó, với tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vốn là truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt vượt qua hoạn nạn này.
Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:
- Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 - 38322026 - 38332955
- Tòa soạn tại Hà Nội: 389- 391 Trường Chinh, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981
- Văn phòng đại diện Đông Bắc bộ: 41B Cát Cụt, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng, ĐT: (031) 6256625
- Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ: 1 Nhà Thờ, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ĐT: (037) 3855748
- Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP.Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231
- Văn phòng thường trú tại Đà Lạt: A22A đường Trần Lê, P.4, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: (063) 3827807
- Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây nguyên: 133 Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: (056) 3824142
- Văn phòng đại diện tại Nha Trang: 120 đường Thống Nhất, P.Vạn Thắng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ĐT: (058) 3819306
- Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ: 88 Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ĐT: (061) 3940818
- Văn phòng đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ, ĐT: (0710) 3825244
Chuyển khoản: Bạn đọc có thể gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 102010000116341 - Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lũ.
Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng bão lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.
Thanh Niên
|
Miền Trung ngập trong lũ
Mưa lớn trong và sau bão Nari, khiến mực nước sông, hồ đập ở các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Bình lên nhanh, gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Thống kê ban đầu, đã có 7 người chết, 51 người bị thương do bão lũ liên tiếp.
Miền Trung chìm trong biển nước
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình mưa to. Mực nước ở sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ dâng cao gây ngập cục bộ. Trong ảnh là mực nước sông Nhật Lê lúc 9h45 ngày 16/10. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Lũ quét kéo dài từ 3-5 giờ sáng 16/10 gây thiệt hại nặng cho huyện Minh Hóa. Hàng nghìn nhà dân bị ngập sâu dưới nước. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Mưa lớn đã khiến cho hàng trăm ngôi nhà dân ở huyện Lê Thủy ngập sâu. Trong ảnh là nhà dân ở xã Hồng Thủy sáng 16/10. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Chợ Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) tan hoang. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Cầu treo xã Hóa Thanh bị sập. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Một chiếc xe ô tô mắc kẹt trong lũ. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh phải kết bè, lội bộ đưa con em về nhà. Lũ cũng khiến ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang chìm trong lũ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
|
Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bị ngập, nhiều phương tiện không thể di chuyển. Ảnh: Vietnam+.
|
Nước sông Ngàn Trươi tại Hà Tĩnh đang lên nhanh. Ảnh: T.X.B
|
Nước ngập sâu tại nhiều tuyến phố của thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: T.X.B
|
Lực lượng công an, cứu hộ Quảng Bình được triển khai giúp dân. Ảnh: H.B
|
Nhóm phóng viên
Mưa lũ đã cuốn trôi hai cô giáo là Nguyễn Thị Lộc (quê Lộc Ninh) và Bích Thương (quê Đồng Sơn). Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của cô Nguyễn Thị Lộc. Chiều nay, trong lúc gia đình thu dọn đồ đạc tránh lũ, một cháu bé 7 tuổi đã tử vong.
Theo báo Quảng Bình, nước lũ lên nhanh vào sáng 16/10 khiến giao thông qua các huyện miền tây Quảng Bình như Minh Hóa, Tuyên Hóa bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập. Một nhà xe chạy tuyến Ba Đồn (Quảng Trạch) - cửa khẩu Cha Lo (Minh Hóa) cho hay, giao thông tuyến đường này đã hoàn toàn bị tê liệt do nước lũ ngập trắng nhiều đoạn.
Trong khi đó, ở xã Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa), nước lũ lên nhanh vào lúc 8-9h sáng nay. Khoảng 500 nóc nhà toàn xã hiện ngập từ 1-2 mét. Tuyến quốc lộ 12A đây cũng bị nước lũ ngập khoảng 7 km nên xe cộ không thể di chuyển.
Ông Võ Xuân Vinh, công an xã Phong Hóa cho hay, do đã quen với mưa lũ, người dân trong xã chủ động di dời đồ đạc lên gác xép, đưa trâu bò lên đồi. Do điện lưới bị mất hoàn toàn từ 5h sáng nay nên đến chiều tối, toàn xã chìm trong bóng tối. Điện thoại của người dân hầu hết đã hết pin, không liên lạc được. Rất may là toàn xã chưa có thiệt hại về người.
"Đến 18h, nước đã ngừng lên, mưa cũng ngớt. Nếu lũ không về tiếp thì khoảng trưa mai nước sẽ rút", ông Vinh cho hay.
Đội cứu hộ đưa tài sản của người dân lên vùng an toàn. Ảnh: CTV.
|
Mưa lớn đã nhấm chìm hàng trăm ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy tại các thôn Bình Minh (xã Dương Thủy), thôn Tân Lệ, Phú Thọ (xã An Thủy), thôn An Lạc (xã Lộc Thủy), thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy) bị ngập trong nước lũ, một số vùng ngập rất sâu.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Nhiêu ngập tới 3 m; quốc lộ 12A (đoạn qua Đức Hóa) ngập 0,6m; thị trấn Quy Đạt ngập 1m; đường 15 (ngầm Bùng, ngầm Vĩnh Tuy) ngập 2m, đường sắt đoạn qua xã Văn Hóa bị ngập, tắc đường.
Cũng trong sáng nay, một trận lũ quét đã san phẳng ba ngôi nhà ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, người trong nhà kịp thời chạy thoát. Lũ quét khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc.
Câu treo xã Hòa Thanh (Minh Hóa) bị sập. Ảnh: Báo Quảng Bình.
|
Không chỉ ở Quảng Bình, một số địa phương khác ở miền Trung lũ đang lên nhanh. Lượng mưa đo được ở Khe Sanh (Quảng Trị lên đến gần 300 mm, Tà Lương (Thừa Thiên Huế) khoảng 300 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) ở mức trên 300 mm.
Hai ngày qua, Hà Tĩnh mưa to, một số huyện miền núi bị ngập lụt chia cắt. 3 người dân bị mất tích, hơn 1000 ngôi nhà dân bị ngập.
Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mưa liên tục khiến toàn bộ thành phố Hà Tĩnh và các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bị ngập lụt nặng nề. Gần 300.000 học sinh toàn tỉnh được nghỉ học tránh lũ.
Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch huyện Hương Sơn cho biết trời mưa to khiến nước dâng lên cao, cô lập khoảng 20 xã. Hiện các lực lượng đang tập trung ứng cứu, cùng người dân sơ tán và bảo vệ tài sản. Do ảnh hưởng của lũ quét, những xã ở vùng đầu nguồn như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Bằng, Sơn Tây bị ảnh hưởng nặng nề như sập nhà, tốc mái... Cả huyện có 3 người chết và mất tích.
Nước sông Ngàn Phố dâng cao tràn qua tuyến quốc lộ 8A đoạn xã Sơn Diệm (Hương Sơn) làm tuyến đường bị ngập sâu hơn 1,5 m với chiều dài gần 200 m; chính quyền địa phương, lực lượng công an và bộ đội biên phòng đã rào chắn không cho phương tiện và người dân đi qua.
Các phương tiện giao thông qua QL 8A bị tắc nghẽn kéo dài nên một số người dân ở các xã: Sơn Tây, Tây Sơn, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2... không thể về được nhà.
Bà Nguyễn Thị Bình (thị trấn Phố Châu) cho biết, cả khu vực này đang bị mất điện. Mưa đã nhỏ dần nhưng một số tuyến đường vào thành phố đã bị cô lập, nước đang dâng cao.
Ở huyện Vũ Quang, có 8 xã bị cô lập. Người dân muốn di dời nhưng chưa thể đi được vì đường và cầu đều ngập trong nước. Nhà ngập khoảng 1m, họ chuyển đồ lên cao và chờ lực lượng biên phòng vào giúp đỡ. Quốc lộ 8 bị sạt lở đang được bộ đội biên phòng giải tỏa, khơi thông để xe cộ từ cửa khẩu Cầu Treo vào được trong nội địa.
Tại huyện Hương Khê, đến chiều 16/10 trên địa bàn huyện đã có hơn 700 nhà bị ngập và cô lập. Hiện tại cơ quan chức năng huyện đã di dời trên 90 hộ dân lên vùng tránh lũ an toàn.
Tại huyện Hương Sơn, nước lũ dâng nhanh gây ngập lụt khoảng 670 nhà dân ở các xã như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng..
Đài Khí tượng dự báo lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục lên nhanh; còn các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Kon Tum xuống dần.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam và Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều đạt mực nước dâng bình thường hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 13/20 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn.
Xe tải bị nước lũ cuốn trôi ở huyện Minh Hóa. Ảnh: Báo Quảng Bình
|
Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cảnh báo các tỉnh miền Trung cần đặc biệt chú ý 28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn như hồ Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu Trọt Đen (Quảng Trị), Đồng Bào, Nam Giản (Thừa Thiên-Huế), Hố Trầu, An Long, Đá Vách (Quảng Nam).
Khu vực Nghệ An hai ngày qua lượng mưa phổ biến ở mức 70 – 200 mm. Tại các huyện hữu ngạn Thanh Chương, Nam Đàn… các hồ chứa hầu hết đã xả tràn ở mực nước thiết kế, kết hợp mưa nội vùng lớn đã làm ngập lụt nhiều nơi ở hạ du. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện và các công ty, xí nghiệp đã tổ chức phương án sơ tán dân vùng thấp và tuần tra bảo vệ đập.
Chiều 16/10, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc công ty TNHH một thành viên thủy lợi bắc Nghệ An cho biết, hiện hồ Vực Mấu ở thị xã Hoàng Mai đã chủ động xả đón lũ sáng 14/10 từ cao trình mực nước 20,96 m.
Hồ thủy điện Bản Vẽ đã có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ chứa cho UBND huyện Tương Dương, nhà máy thủy điện Khe Bố. Nhưng do lượng mưa chưa lớn nên chưa thực hiện xả tràn. Hồ Sông Sào ở huyện Nghĩa Đàn đang xả 1 cửa, mực nước hồ hiện nay là 55,0/55,7m.
Trưa 16/10 tại hồ Ba Khe ở xã Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) lượng nước đã chạm điểm mốc khe tràn và dốc mạnh xuống vùng hạ lưu khiến hàng chục ngôi nhà ở xã Nam Lộc và trường mầm non xã bị nước ngập có nơi cao hơn 1 mét.
Ông Nguyễn Xuân Lành - Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc cho biết, do nước từ hồ đổ về nhanh nhiều hộ dân ở xóm 4 và xóm 5 của xã bị nước tràn vào nhà. Đến chiều cùng ngày thì nước đã rút.
Cô Nguyễn Thị Xinh, giáo viên trường mầm non xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn) cho biết, trời mưa to nên từ lúc sáng giáo viên đã quyết định cho các em nghỉ học. "Trưa nay tôi đang trực ở trường thì thấy dòng nước lũ cuồn cuộn chảy từ cổng rồi trong chốc lát ngập lút sân. Nước tiếp tục tràn vào tầng một các phòng học khiến đồ dùng học sinh bị ướt và trôi bồng bềnh, đặc biệt là số gạo dữ trữ dùng cho các cháu trong trường không kịp mang đi nên bị nước tràn vào ngập ướt hết".
Ông Cao Văn Bình (60 tuổ, ở xóm 4, xã Nam Lộc) thở dồn dập khi vừa bê xong gần 5 tạ lúa ở nền nhà lên kệ. Ông cho biết, trưa nay đang ngủ thì nước ào ào chảy từ cổng vào nhà. Trong chốc lát thì nước tràn vào nền nhà cao gần nửa mét. "Tôi cố gắng di tản mấy tạ lúa nằm dưới nền nhà để khỏi ướt mà vẫn không kịp", ông Bình nói. Nhà ông Bình ở ngay dưới chân đập Ba Khe đã hàng chục năm nay nhưng chưa năm nào nước tràn ở đập lại chảy mạnh đến mức thế này.
Chiều tối, thành phố Vinh và các huyện mưa vẫn rất to, nhiều tuyến đường ở thành phố ngập. Các huyện miền núi phía tây Nghệ An cũng đang có mưa to. Các địa phương đang đề phòng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tất cả các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh đang duy trì phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo Khu Quản lý đường bộ IV, trên quốc lộ 18 qua Hà Tĩnh đã ngập sâu 0,4-0,8 m nhiều đoạn đường gây ùn tắc giao thông.
Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 2 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,7m nước, gây tắc giao thông từ lúc 6h sáng. Trên tuyến quốc lộ 12C cũng có 2 điểm ngập sâu đến nửa mét nước, 1 điểm nước ngập trên 70cm.
Lũ dâng cao cũng khiến đường sắt Bắc - Nam từ Vinh đến Đồng Hới tê liệt từ sáng nay với 7 điểm bị sạt lở lớn, nhiều đoạn đường sắt ngập sâu 0,4 - 0,6 m trong nước. Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có 3 điểm sạt lở đã được xử lý, còn các điểm khác phải chờ nước rút mới có thể đưa người và phương tiện vào sửa chữa.
Do đường sắt đình trệ, 3 chuyến tàu SE3, SE19, SE8 đã bị kẹt tại các ga ở Vinh, Quảng Bình từ 5h sáng với khoảng 1.000 hành khách. Tất cả hành khách được cung cấp nước uống, thức ăn miên phí trong khi chờ thông đường. Ông Bình cho biết, hiện nước lũ không lên thêm nên có thể sẽ rút trong đêm nay. Ngành đường sắt sẽ nhanh chóng sửa chữa đường để thông tuyến nhanh nhất có thể.
Hà Tĩnh: Lũ nhấn chìm 3 huyện miền núi
TPO - Từng dòng nước đục ngầu cuồn cuộn đổ về chia cắt các xã, QL 8A bị nước lũ nhấn chìm nhiều đoạn, mưa như trút nước tiếp tục đổ xuống các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh).
Lũ nhấn chìm các xã trên địa bàn Hương Sơn. |
14 giờ hôm nay (16/10), PV Tiền phong có mặt tại xã Sơn Bằng, Sơn Thịnh, Sơn Mai…, nước lũ cuồn cuộn đỏ ngầu kéo về xối xả. Hàng trăm phương tiện đi qua QL 8A bị ác tắc do đường bị ngập nhiều nơi. Hàng chục cán bộ, chiến sỹ được huy động đứng ven đường để ngăn chặn các phương tiện qua lại.
Tại xóm Đông Sơn, xã Sơn Bằng, các ngả đường vào xã nước nhấn chìm, hàng trăm người dân vội vàng dẫn trâu bò, xe cộ lên các nhà ven đường để gửi.
Tại nhà ông Nguyễn Sinh, hàng chục chiếc xe máy, tủ lạnh, ti vi chất ngổn ngang.
“Chưa bao giờ thấy nước lũ dâng nhanh như cơn lũ này. Với mức độ dâng nhanh thế này, chỉ vài giờ nữa tất cả chìm trong biển nước”, ông Nguyễn Sinh nói.
Mặc dù có rất đông cán bộ, chiến sỹ chặn đường không cho các phương tiện qua lại nhưng nhiều người vẫn liều mình vượt qua dòng nước cao gần nửa mét.
Tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, các ngả đường bị chốt chặn, từng dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy gây ngập cục bộ tại nhiều đoạn đường. Con đường dẫn vào trụ sở UBND huyện bị cô lập, toàn huyện bị mất điện. Nhiều đoàn công tác xuống các địa phương bị nước lũ cô lập không thể rút lui.
Hiện Hương Sơn có 3 người bị mất tích do lũ cuốn trôi gồm ông Hồ Hữu Lành, xóm 7 xã Sơn Diệm, Nguyễn Văn Oanh, 18 tuổi, xã Sơn Kim 2 và Nguyễn Thị Thiện, xã Sơn Kim 1.
Tại huyện Vũ Quang, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tất cả các xã trên địa bàn bị lũ cô lập hoàn toàn. Đường mòn Hồ Chí Minh nhiều đoạn đi qua huyện Vũ Quang bị ngập gây ách tắc nhiều nơi.
Trong ngày hôm nay, theo báo cáo của Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh, mực nước mưa tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh vượt trên 600mm.
PV Tiền Phong đang có mặt tại tâm lũ Hương Sơn, ghi lại những hình ảnh ở đây.
Minh Thùy
TPO - Chưa khắc phục xong hậu quả bão số 10, Quảng Bình lại hứng chịu bão số 11 và lũ đặc biệt lớn, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2010. Nhiều nhà ngập nặng. Hai cô giáo bị lũ cuốn trên đường đến trường.
Hầu hết người dân ở thôn Thanh Sen xã Phúc Trạch phải trèo lên mái nhà. Ảnh: Hoàng Nam. |
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Bình, đêm 15 rạng 16/10, cơn bão số 11 làm sập và tốc mái hàng ngàn nhà dân. Đặc biệt, ở các xã vùng Nam Quảng Trạch, hàng ngàn nhà tốc mái và bị sập.
Một luồng gió bão đi qua đã phá nát hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn. Tại đây, 2 người chết, hơn 20 người bị thương. Nước lũ cũng làm ngập hàng ngàn ngôi nhà.
Theo ông Nguyễn Thái Mãn, trưởng thôn Minh Hà xã Quảng Minh, nước lũ lên rất nhanh, hiện nước sát nóc nhiều nhà, riêng nhà ông nước lên ngập cửa sổ.
Tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, hai cô giáo bị lũ cuốn trôi trên đường đến trường, chưa tìm thấy xác.
Trong lúc đó, các xã vùng đệm thuộc di sản Phong Nha - Kẻ Bàng đang phải hứng chịu cơn lũ đặc biệt lớn, vượt đỉnh lũ lịch sử 2010 trên 1m.
Riêng tại thôn Thành Sen, xã Phúc Trạch, 5 nhà bị sập, hầu hết các ngôi nhà trong thôn bị ngập chạm mái. Nước lũ lên nhanh lại chảy xiết, khiến người dân không kịp trở tay, nhiều gia đình mất trắng tài sản.
Chùm ảnh lũ lụt tại Quảng Bình
Ảnh chụp trên cầu Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Ảnh: Hoàng Nam. |
Đồ trong nhà bị nước cuốn trôi hết. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ô tô, trâu bò phải di chuyển lên trú ở cầu Xuân Sơn. Ảnh: Hoàng Nam. |
Hoàng Nam