THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 December 2013

NẠN "cò vé và buôn lậu" ở các ga tàu hỏa phía Bắc

Ga Hà Nội về đêm
Ga Hà Nội về đêm
RFA
RFA -  04/12/2013
Vài năm trở lại đây, nạn cò vé, móc nối tuồn vé ra ngoài chợ đen và ém vé để đến giờ cao điểm lại bung ra thị trường, khiến cho thị trường vé tàu hỏa ở các ga phía Bắc, đặc biệt là ga Hà Nội và Lào Cai ngày càng trở nên lộn xộn, đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sự di chuyển của những người lao động nghèo và lao động có mức thu nhập thấp, không những thế, nguồn thu của ngành đường sắt cũng thiệt hại đáng kể.
Phương tiện vận chuyển hàng cấm và ma túy tốt nhất
Một người yêu cầu giấu tên, là cựu nhân viên kiểm soát đường sắt Bắc Nam, còn gọi là kiểm sát viên, chia sẻ với chúng tôi rằng thời gian ông tại chức là một kinh nghiệm buồn, mọi hoạt động của ngành đường sắt đều cho thấy ba tính chất cơ bản. Đó là sự lỏng lẻo trong quản lý; Sự toa rập giữa nhân viên trong ngành với nhau và giữa nhân viên trong ngành với ma cô bên ngoài để buôn lậu; Mức độ tham nhũng trong ngành quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Để dẫn chứng cho các luận điểm về tính tiêu cực của ngành đường sắt mà mình vừa nêu, cựu nhân viên này nói rằng vấn đề ém vé để tuồn ra chợ đen, mà chợ đen ở đây có thể là người thân trong gia đình của các nhân viên đường sắt hoặc những ma cô có máu mặt ở các ga tàu hỏa vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối nhưng dường như ngành đường sắt vẫn chưa giải quyết được, và nếu có giải quyết cũng chỉ đóng vai trò lấy hình thức để đạt chỉ tiêu. Chính vì cách giải quyết không triệt để, rất hình thức này lâu ngày đã giúp cho thành phần cò vé và những nhân viên tay trong tay ngoài trở nên tinh ranh, khôn khéo.
Đó là sự lỏng lẻo trong quản lý; Sự toa rập giữa nhân viên trong ngành với nhau và giữa nhân viên trong ngành với ma cô bên ngoài để buôn lậu; Mức độ tham nhũng trong ngành quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát
Họ móc một đường dây khép kín mà ở đó mọi quyền lợi chằn chéo, liên đới với nhau, khó có thể theo dõi được chứ đừng nói gì đến kiểm soát. Và cũng theo ông này, vấn đề buôn lậu trong ngành đường sắt đã trở thành cơm bữa, không tài nào kiểm soát được nữa. Hầu như mọi nhân viên đường sắt, không ít thì nhiều, thấp nhất cũng có vài lần buôn lậu. Hàng hóa buôn lậu thì đa dạng, phức tạp. Vì lẽ, kiểm sát viên đường sắt có một đặc quyền, họ đóng vai trò vừa là nhân viên phục vụ hành khách lại vừa là người quản lý an ninh trên chuyến tàu.
Vé bán chợ đen
Vé bán chợ đen (Files photos)
Chính vì thế, họ được giữ một số bí mật trong hoạt động ngành và họ có đặc quyền trên chuyến tàu. Một khi tàu đã chuyển bánh, mọi sự kiểm soát từ bên ngoài xem như hoàn toàn không thể diễn ra được. Chính vì thế, hàng lậu luôn luôn có mặt trên các chuyến tàu Bắc – Nam, đặc biệt là ở các sân ga phía Bắc, hàng lậu được ngụy trang dưới nhiều hình thức và được chuyển lên tàu ở dạng xách tay, hành lý của nhân viên đường sắt.
Ông này nói thêm rằng không có con đường nào buôn hàng quốc cấm nào tốt hơn đường tàu hỏa và đường hàng không. Bởi không thể có bất kỳ một đội an ninh nào có thể chặn đứng máy bay đang bay hoặc chặn đứng đoàn tàu đang chạy để kiểm soát, cộng với tính đặc quyền về quản lý an ninh của hai ngành này, chỉ cần làm việc tốt ở hai đầu ga, hàng lọt được qua hai cửa này là xem như phi vụ thành công. Chính vì thế, những phi vụ buôn hàng quốc cấm, buôn ma túy lớn nhất thường chọn ngành hàng không và ngành đường sắt để di chuyển.
Vấn đề buôn lậu trong ngành đường sắt đã trở thành cơm bữa, không tài nào kiểm soát được nữa. Hầu như mọi nhân viên đường sắt, không ít thì nhiều, thấp nhất cũng có vài lần buôn lậu
Nếu như vấn nạn buôn lậu trong ngành đường sắt làm tổn hại đến an ninh, văn hóa và sức khỏe quốc gia thì việc ém vé, cò cuốc vé ở chợ đen lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, khiến cho người có thu nhập thấp không có cơ hội để đi tàu hỏa và đồng thời nó tạo ra một nhóm ngành nghề sống dựa trên sự ma mãnh, bóc lột người nghèo,đó là các ma cô cò vé chợ đen.
Ga Lào Cai
Ga Lào Cai. RFA
Vé chợ đen lấn sân
Một hành khách tên Mai chia sẻ: “Người lao động thì đi vé ngồi cứng hoặc ngồi mềm, hoặc khoan 6, còn khoan 4 thì đắt, dành cho du lịch. Hoặc từ Hà Nội lên lúc 6h sáng là tàu chợ, vé rẻ hơn và ít người đi. Còn tàu nhanh thì thường khách du lịch đi du lịch nhiều, nói chung cơ hội của mình thì ít!”
Ông Mai nói thêm rằng để mua được vé từ Hà Nội đi Lào Cai, tuy vẫn có nạn cò cuốc nhưng không chộn rộn, hầm hố như cò vé ở ga Lào Cai. Mua một tấm vé đi từ Lào Cai về Hà Nội vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết là vô cùng khó khăn. Vì nếu không chọn tàu hỏa, những hành khách nhát gan, dễ bị say xe sẽ rất khó khăn trong việc chọn phương tiện xe khách đi từ Lào Cai về Hà Nội, con đường khúc khuỷu, hiểm trở và nhỏ, hẹp, kẹp bên sườn núi luôn là cơn ác mộng của rất nhiều hành khách. Nắm được tâm lý này, cò vé ở ga Lào Cai tha hồ hét giá.
Hơn nữa, phần đông hành khách đi lẻ vào dịp cuối tuần là những nhân viên, công nhân làm việc ở các công ty, họ chọn cuối tuần đi du lịch Sapa vào chiều thứ Sáu để xả stress, hoặc  về Sapa để thăm gia đình đến Chủ nhật thì quay về Hà Nội để tiếp tục làm việc. Bởi không đăng ký tour nên đi từ Sapa trở về Lào Cai nên phải đứng xếp hàng mua vé ở ga Lào Cai, lúc này phòng vé giở trò lỗi kết nối mạng, cả một đoàn rồng rắn đứng đợi vé, nhân viên bán vé thì ung dung ngồi nói chuyện, thi thoảng lại nói vọng ra là “rớt mạng, đợi chút nữa”. Đồng thời, lúc này những cò vé sẽ chen chúc vào đoàn người đang xếp hàng để gạ bán vé với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Mọi hoạt động gạ gẫm diễn ra công khai và ngang nhiên.
Hành động bán vé của người cò vé tại ga Lào Cai cho thấy có sự thông đồng rất ăn nhịp giữa nhân viên bán vé và cò vé. Nghĩa là nhân viên bán vé sẽ ém vé, không bán cho khách, để cò vé thả sức đi gạ bán, khi gạ được khách thì vào gặp nhân viên bán vé để xuất vé, bán cho khách với giá cắt cổ
Một hành khách khác tên Thiện, nói rằng anh đang làm thuê ở Hà Nội, mỗi cuối tháng đối với anh là cả một sự khó khăn bởi việc mua vé làm anh vất vả rất nhiều, nếu không lo xếp hàng sớm, phải mua vé chợ đen với giá từ bảy trăm rưỡi ngàn đồng đến một triệu hai trăm ngàn đồng. Trong khi đó, nếu mua giá chính thức, chỗ ngồi tốt cũng chỉ tốn từ bốn trăm đến sáu trăm ngàn đồng. Trong trường hợp chọn giường nằm thì tốn chừng bảy trăm ngàn đồng là hết mức. Nhưng vì cò vé lộng hành quá. Mà họ là ai? Họ là những người tay ngoài của các nhân viên bán vé. Có lần anh đặt mua vé toa giường nằm, anh đăng ký hạng vé nhưng không được. Liền sau đó, có người vào khều tay gọi anh ra ngoài gạ bán với giá gấp rưỡi lần. Bí quá, anh phải mua, người đó lại dắt anh vào phòng vé và ngang nhiên lấy vé anh đăng ký bán lại ngay cho anh với giá chợ đen.
Anh Thiện nói thêm rằng hành động bán vé của người cò vé tại ga Lào Cai cho thấy có sự thông đồng rất ăn nhịp giữa nhân viên bán vé và cò vé. Nghĩa là nhân viên bán vé sẽ ém vé, không bán cho khách, để cò vé thả sức đi gạ bán, khi gạ được khách thì vào gặp nhân viên bán vé để xuất vé, bán cho khách với giá cắt cổ. Kiểu làm việc này năm ăn năm thua. Nếu bán được vé thì cả cò vé và nhân viên bán vé đều kiếm được tiền lãi, nếu bán không được vé thì những tấm vé bị ém lại sẽ được hủy, coi như vé ế. Thảo nào ngành đường sắt hằng năm luôn luôn báo cáo thua lỗ, lượng khách không đều, mặc dù vé tàu luôn khan hiếm với khách!
Vừa để nạn cò vé tung hoành, vừa để lớp nhân viên bên dưới tiếp tay với buôn lậu, vừa bùng phát nạn tham nhũng, cửa quyền… Tất cả những vấn nạn này đều mang đến hậu quả là người có thu nhập thấp phải khổ sở khi đi tàu hỏa và tàu hỏa giống một con vật luôn gầm ghè đe dọa đời sống bằng thứ nọc băng hoại mà nó mang chứa và dịch chuyển từ Bắc chí Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.