THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 November 2013

Vụ nông dân bị tù oan 17 năm đi kiện: Chính quyền xã đã... quên (!?)



(Dân trí) - Bị xử tù oan, ông Cầu từ một người giỏi làm ăn trở thành một nông dân khánh kiệt, chỉ biết ôm đơn đi kiện suốt 17 năm ròng rã. Trong khi đó chính quyền địa phương đã... quên hẳn vụ việc
 >> Bị tù oan, một nông dân 17 năm mang đơn đi kiện

Lỗi do nhận thức của cán bộ tòa hạn chế!
Như đã thông tin, ông Cầu bị bắt vì gặt lúa trên chính mảnh ruộng của mình, được cơ quan tố tụng huyện Tiên Lãng xét xử vào ngày 30/6/1997 (sau khi ông bị bắt 1 tháng). Ông Cầu bị tuyên phạt 3 tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản. Không đồng tình với tội danh đó, ông đã kháng cáo lên tòa án thành phố Hải Phòng. Tại phiên tòa ngày 6/8/1997, ông Cầu được giảm án xuống còn 2 tháng 10 ngày (mức án không có trong luật định vì theo quy định của pháp luật, không có án tù nào dưới 90 ngày). Việc ông Cầu gặt lúa được cả hai cấp tòa từ huyện đến thành phố kết luận: "Xét hành vi của bị cáo Cầu là nguy hiểm… nên cần xử lý để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung"(?!).
Điều lạ lùng là trong bản án phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng đã chỉ rõ việc thu hồi đất của xã Đông Hưng đối với ông Cầu là sai quy định của pháp luật. Chính từ quyết định sai này của xã mà dẫn đến việc ông Cầu “phạm tội”, nhưng chỉ có ông Cầu phải chịu tội. Bản án nêu rõ: “Bị cáo Cầu phạm tội cũng do việc ra quyết định thu hồi ruộng đất của UBND xã Đông Hưng là sai với quy định của pháp luật. Bị cáo đã có đơn khiếu kiện nhưng việc giải quyết đơn khiếu kiện của cơ quan có thẩm quyền không kịp thời. Vả lại nhận thức của bị cáo có hạn, vì vậy xét thấy có thể giảm cho bị cáo một phần hình phạt”.
Tới nay, sau 17 năm đưa đơn kiện, ông Nguyễn Hồng Cầu vẫn mang một câu hỏi chưa có lời đáp: “Tôi phạm tội là do việc xã ra quyết định thu hồi đất ruộng của tôi giao cho anh Tuân sử dụng là sai quy định pháp luật. Và việc tôi khiếu kiện về quyết định này là đúng, nhưng do chính quyền không kịp thời giải quyết nên mới xảy ra việc tôi gặt lúa. Vậy thử hỏi việc anh Tuân cấy lúa trên đất thu hồi trái quy định có hợp pháp không? Sao lại bắt đền tôi? Vu cho tôi tội trộm cắp? Nếu có đền thóc thì UBND xã Đông Hưng phải đền cho dân vì việc làm sai trái của mình chứ? Tòa tuyên rành rành là xã sai rõ ràng mà tôi vẫn phải ngồi tù thì thật vô lý”.
Ông Cầu (trái) 17 năm đi gõ cửa cơ quan chức năng đòi công lý
Ông Cầu (trái) 17 năm đi gõ cửa cơ quan chức năng đòi công lý
Tiếp nhận, tìm hiểu nội dung đơn kháng cáo của ông Cầu, ngày 8/10/1998, Tòa hình sự TAND Tối cao đã đưa ra xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự “trộm cắp tài sản công dân” đối với ông Nguyễn Hồng Cầu. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐXX tuyên hủy hai bản án cấp địa phương và tuyên bố ông Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội “trộm cắp tài sản của công dân”, đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Hồng Cầu. Tòa cũng tuyên những thắc mắc về phần dân sự như công cày bừa, sản lượng lúa... nếu có khiếu kiện sẽ được giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác.
Ngay sau phiên giám đốc thẩm, ông Nguyễn Hồng Cầu đã làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng gây nên vụ án oan sai phải bồi thường những tổn thất gây ra cho ông. Nông dân này cũng yêu cầu Tòa án Tiên Lãng, Tòa án Hải Phòng phải công khai xin lỗi, minh oan cho ông. 
Mãi 10 năm sau, ngày 8/7/2008, TAND huyện Tiên Lãng mới mở phiên tòa xét xử về việc “Kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tùng hình sự gây ra” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Cầu và bị đơn là đơn vị cấp trên - TAND thành phố Hải Phòng. Theo đó ông Cầu sẽ được bồi thường tổng số tiền hơn 17 triệu đồng, buộc TAND Hải Phòng phải công khai xin lỗi ông trên một tờ báo trung ương và xin lỗi công khai tại địa phương ông ở.
 
Không thỏa mãn, ông Cầu lại tiếp tục khiếu kiện lên tòa án thành phố nhưng kết quả vẫn y án cấp cơ sở. Từ đó, ông vác đơn gõ cửa lần lượt các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương với lý do: “Tòa nhận lỗi gây oan sai cho ông là do nhận thức của cán bộ tòa hạn chế. Dân nhận thức hạn chế thì bỏ tù dân, cán bộ nhận thức hạn chế thì vẫn đương chức, thăng chức là sao? Tôi đồng ý với số tiền đền bù. Nhưng cái tôi đi kiện lâu nay là vì những vô lý tồn tại rành rành trong việc gây ra án oan, hậu quả của việc tôi bị oan. Ví như tại sao xã Đông Hưng đến thời điểm này vẫn chưa đền bù thiệt hại do xã tự ý cho người khác nuôi cá phá lúa chúng tôi? Xã căn cứ vào đâu mà xuống nhà tôi xúc sạch hơn 1 tấn lúa trong khi không có lệnh, không có văn bản kiểm kê? Ba đứa con của tôi lúc đó còn trên tay. Đứa lớn chỉ mới 7 tuổi cũng đã phải bỏ học vì nhà khánh kiệt, bố đi tù”.
 
Một hàng xóm sống gần nhà ông Cầu cho hay: “Tôi sống ở đây từ cái ngày ông Cầu bị bắt oan nhưng chưa nghe thấy việc tòa án hay chính quyền công khai xin lỗi ông tại địa phương lần nào”.
Chính quyền địa phương không tin ông Cầu bị oan sai?
Tính đến nay ông Cầu vẫn chưa nhận tiền bồi thường do oan sai và cũng chưa nhận được lời xin lỗi nào về việc ông bị đi tù oan. Câu chuyện ông Cầu 17 năm khánh kiệt tài sản vì đi kiện vẫn được người dân xã Đông Hưng nhắc đến đầy thông cảm cho nỗi oan khuất của một người nông dân, mà với chính quyền thì có lẽ là "chuyện nhỏ".
Ông Cầu thì ôm nỗi oan như vậy mà một số cán bộ chính quyền địa phương xã Đông Hưng ngày ấy - những người trực tiếp có mặt trong việc gây oan sai cho ông nay đều đã được thăng chức.
Ông Nguyễn Văn Long ở xóm 6, xã Đông Hưng, hàng xóm với ông Cầu bức xúc: “Vụ việc ông Cầu bị bắt rồi xử tù đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Những người trực tiếp gây ra oan sai cho ông ngày ấy bây giờ vẫn bình an vô sự, thậm chí 1 câu xin lỗi cũng không phải nói. Việc đó khiến chúng tôi rất bức xúc”.
Mảnh ruộng của ông Cầu từng bị xã Đông Hưng thu hồi trái pháp luật Mảnh ruộng của ông Cầu từng bị xã Đông Hưng thu hồi trái pháp luật 
PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ làm việc với chính quyền địa phương về vụ oan sai của ông Cầu nhưng đều không được chấp nhận; khi kiên trì về “phục” tại trụ sở xã thì chỉ được làm việc với bộ phận một cửa. Vất vả lắm PV mới gặp được ông trưởng công an xã, người vẫn giữ chức vụ này khi ông Cầu bị bắt oan 17 năm trước, thì nhận được câu trả lời: “Lâu rồi không nhớ”.
UBND xã Đông HưngUBND xã Đông Hưng
Tiếp cận được với ông Nguyễn Tiến Chinh - Chủ tịch UBND xã Đông Hưng (người giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã thời điểm ông Cầu bị bắt oan), PV Dân trí cũng chỉ nhận được câu trả lời y hệt: “Việc lâu rồi nêu không nhớ nữa”. Tuy nhiên khi PV đặt câu hỏi: “Sau khi ông Cầu được tuyên vô tội, về phía chính quyền địa phương đã có việc làm cụ thể gì thể hiện vai trò của mình với một công dân bị oan sai?”, lập tức ông Chinh chất vấn lại PV: Ai khẳng định ông Cầu bị oan sai?
Chúng tôi giật mình hoang mang: Có lẽ ông Chủ tịch xã không biết rằng TAND Tối cao đã ra phán quyết xử ông Cầu vô tội, vì phiên tòa này diễn ra ở Hà Nội? Hỏi rồi lại giật mình lo sợ, với "cái sự quên" của cán bộ xã Đông Hưng, liệu 17 năm "trường chinh" của ông Cầu có hóa bọt biển?
Thu Hằng