(Dân trí) - “Tháng 7, ba tờ báo nổi tiếng của Việt Nam là Dân trí, Tuổi trẻ, Vietnamet cũng bị tấn công mạng, được hỗ trợ để giải quyết thành công. Từ đầu năm, 2.600 máy tính chứa mã độc được xử lý…”, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trình bày trong phiên chất vấn chiều 20/11.
Nguy cơ mất an ninh mạng là thách thức lớn
Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận - Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại) đặt vấn đề, thời gian gần đây, an toàn, an ninh mạng nổi lên thành vấn đề nóng toàn cầu, đe dọa an toàn an ninh quốc gia. Ông Mạnh đề nghị Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son đánh giá về nguy cơ an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam đồng thời yêu cầu vị tư lệnh ngành trình giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ở Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng hiện là thách thức lớn của Việt Nam cũng như các nước. Trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong những nước phát triển CNTT tương đối nhanh của khu vực, 1 nước sử dụng Internet trong top 20 của thế giới, việc ứng dụng công nghệ đã được đưa vào mọi lĩnh vực của đời sống và quản lý nhà nước… Bộ trưởng TT-TT nhấn mạnh, mọi hoạt động khi đó đều liên quan hệ thống mạng. Ngoài ra, các thiết bị CNTT hầu hết đều nhập ngoại, tức thêm một yếu tố thách thức với việc đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Cần đưa thông tin chính thống bằng báo mạng của chúng ta để lấn át thông tin xấu".
Ông Son dẫn chứng thực tế, thời gian qua, mạng thông tin của Việt Nam đã không ít lần bị tấn công từ bên ngoài. Các cuộc tấn công nhằm chiếm giữ các trang web “nội”, lấy thông tin và thậm chí điều khiển, đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc.
“Từ đầu năm, 2600 máy tính chứa mã độc đã được xử lý. Tháng 7, ba tờ báo nổi tiếng của Việt Nam là Dân trí, Tuổi trẻ, Vietnamet cũng bị tấn công, phải nhờ sự giúp đỡ của Vncert (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố mạng, Bộ TT-TT) để giải quyết” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, chủ đích tấn công của các lực lượng bên ngoài hướng vào Việt Nam rất lớn.
So sánh với tình hình ở các nước, hệ thống ngân hàng TƯ Mỹ hứng chịu nhiều vụ tấn công mạng trong tháng 6/2013 hay vụ mã độc tấn công phá hủy lò phản ứng hạt nhân tại một quốc gia khác xảy ra gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cảnh báo, nguy cơ rình rập nói chung với Việt Nam cũng như nhiều nước khác rất lớn.
Về hướng phòng chống, ông Son trình bày, Bộ TT-TT đã ban hành thông tư 27 về điều phối hoạt động ứng cứu khẩn cấp trong đó có việc thành lập trung tâm Vncert để thường xuyên tác nghiệp tham gia ứng cứu cho các đơn vị trong nước, thậm chí tham gia hỗ trợ ở tầm quốc tế. Việc ứng cứu thành công 3 tờ báo vừa qua để chống lại 5 đợt tấn công lớn từ các máy chủ nước ngoài, theo Bộ trưởng Son, là sự khẳng định về vai trò của Vncert.
Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng có kế hoạch, chiến lước xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT chuyên về an ninh mạng. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ rõ bất cập hiện tại khi các ngành, cấp, đơn vị, các dự án triển khai CNTT mới chỉ tập trung đầu tư cho trang thiết bị, nhân sự, còn việc đảm bảo an toàn, an ninh mới chỉ được dành khoảng 5% chi phí. Đội ngũ quản trị, đảm bảo an ninh mạng cũng mới chỉ có ở 6% cơ quan, đơn vị mà cũng mới làm theo hưởng kiêm nhiệm.
Kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống, cảnh giác khi download các phần mềm, ứng dụng, game… miễn phí vì nguy cơ chữa mã độc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị Quốc hội điều chỉnh kế hoạch, đưa luật An toàn thông tin mà Bộ TT-TT đang soạn thảo vào chương trình xây dựng luật năm 2014 vì cơ quan chuẩn bị đã làm được đến dự thảo lần 3.
“Lúa tốt sẽ không còn cỏ dại”
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) đặt câu hỏi về vấn đề quản lý với 300 trang mạng xã hội và hơn 60 báo điện tử hiện nay.
Bộ trưởng TT-TT khái quát, hoạt động thông tin trên mạng, ngoài hệ thống báo điện tử thì còn rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp cũng như hàng triệu trang thông tin, blog cá nhân. Những thành tố này tạo thành hệ thống truyền thông xã hội, có vai trò rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận thông tin hết sức đa dạng, nhanh nhạy.
Tuy nhiên, ông Son cũng xác nhận nhiều hạn chế của truyền thông xã hội, nhất là vấn đề kiểm chứng thông tin. “Môi trường mở của Internet cũng giúp những phần tử xấu lợi dụng đưa tin lừa đảo, sai lạc. Đã xuất hiện nhiều trang mạng đưa những thông tin xấu về tình hình kinh tế xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử, nói xấu lãnh tụ” – ông Son nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh tại hội trường Quốc hội.
Những năm trước, Bộ TT-TT đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 72, từng bước đưa vào quản lý dịch vụ Internet một cách có hiệu quả hơn nhưng gần đây lại có nhiều loại hình mới phát triển trên mạng nên phải thay đổi, phát triển hệ thống quy định đề không chỉ áp chế tài với việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet mà kiểm soát của cả những nội dung số, tin nhắn, quản lý việc chơi game online trên mạng… Nghị định 25 ra đời tháng 5/2013 vừa qua vì mục đích đó. Nghị định có cả một chương riêng về an toàn an ninh thông tin, từng bước nâng cao trách nhiệm hơn đối với cơ quan báo chí.
Theo quy định “siết chặt” này, các trang thông tin tổng hợp muốn hoạt động cũng phải được cấp phép, quản trị mạng xã hội thì phải đăng ký.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son xác nhận, khó khăn, thách thức hơn cả là ở nhóm facebook, blog cá nhân đăng ký từ server ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Son, cơ quan quản lý, báo chí cần có kế hoạch chống lại thông tin độc hại bằng cách tăng cường, đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có quy định về quy chế phát ngôn để báo chí có nhiều thông tin nhanh, tốt về các lĩnh vực để báo chí chủ động về thông tin, làm chủ môi trường thông tin trên mạng.
“Cần đưa thông tin chính thống bằng báo mạng của chúng ta để lấn át thông tin xấu. Có nhiều thông tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi thông tin xấu trên mạng, như người ta nói, lúa tốt thì không còn cỏ dại, ánh sáng lan tràn mọi nơi thì không còn bóng tối nữa” – Tư lệnh ngành TT-TT phân tích.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Bộ trưởng TT-TT phát biểu về chính kiến đối với vấn đề một số sự kiện tranh chấp, nhạy cảm xảy ra ở các địa phương vừa qua báo chí không đưa tin kịp thời, chậm chân hơn thông tin trên các trang mạng khiến dư luận xôn xao. Ông Vinh truy vấn nguyên nhân dẫn đến việc báo chí “lừng chừng” để bị vượt mặt, trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son một lần nữa xác nhận, trong thời gian vừa qua, các trang truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ nên đưa tin nhanh nhưng độ chính xác cần phải xem xét. Báo chí chính thống, nhất là báo nói, báo hình, báo in bị chậm hơn vì yêu cầu kiểm chứng, xác định nguồn tin bắt buộc phải thực hiện. Vậy nên có lúc báo mạng chưa làm chủ thông tin vì còn phải kiểm chứng.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng TT-TT nhấn mạnh, Nghị định về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin mới ban hành là để đẩy nhanh tốc độ cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, hàng tháng các cơ quan đều phải đăng tải, cung cấp thông tin về lĩnh vực hoạt động trên trang web, báo của mình. Có sự kiện đột xuất thì phải thông tin kịp thời trong vòng 1 ngày (quy định trước đó là 2 ngày).
Ngoài ra, nếu phát hiện thông tin sai, các cơ quan liên quan cần chủ động phát ngôn, bác bỏ, phủ nhận ngay trên báo của mình để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son còn tiếp tục vào sáng mai.
P.Thải