THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 November 2013

Long An: Bất công với gia đình liệt sĩ, ưu tiên “đại gia”



Published on November 21, 2013   ·   No Comments
 
Một gia đình liệt sĩ, làm nghề đưa đò ngang  từ lúc còn chiến tranh cho đến nay. Từ một bến đò nhỏ, họ đầu tư nâng cấp thành chiếc phà chở được 30 người. Họ làm ăn tuân thủ pháp luật, đưa khách an toàn… Vậy mà, họ phải giao bến lại cho một “đại gia”.
 DSC_0005_DXOO.JPG
Bến đò Chợ Kinh
Gia đình liệt sĩ đưa đòGia đình ông Phạm Thanh Lợi (ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) là gia đình liệt sĩ. Bà Phan Thị Huấn (mẹ ông Lợi) thuộc diện có công với cách mạng, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến.
Gia đình bà Huấn sống bên sông Cần Giuộc, thời con gái bà từng đưa rước chiến sĩ qua sông.
Bà Huấn lớn lên với nghề đưa đò qua sông, một bên là ấp Chợ, bên kia là xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Ban đầu chỉ là con đò nhỏ, bà con quen gọi là đò Chợ Kinh.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Huấn và các con tiếp tục đưa đò. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, gia đình bà Huấn đầu tư nâng cấp dần phương tiện chuyên chở, bến bãi, đến nay thành chiếc phà nhỏ chở được 3 tấn – 30 khách.
Báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cần Đước (tháng 6.2013) về tình hình hoạt động của bến đò Chợ Kinh nêu rõ: “Chấp hành tốt các quy định trong việc kinh doanh vận tải khách ngang sông”.
Trong suốt mấy chục năm hành nghề, gia đình bà Huấn chưa hề để xảy ra tai nạn hay bị xử phạt điều gì. Nghề đưa đò nuôi sống cả gia đình.
Ưu tiên cho “đại gia”
Ngày 25.6.2013, UBND huyện Cần Giuộc ra công văn số 535/UBND-KT&HT với nội dung: Cho Cty TNHH Long Phi Vân (Q.11, TPHCM) đầu tư nâng cấp, khai thác bến khách bến đò Chợ Kinh.
Công văn giải thích rõ, do chủ bến hiện tại (bà Huấn) sử dụng tàu gỗ không an toàn, cần thay bằng phà sắt chở từ 49 khách và 10 tấn trở lên. Vì vậy, phải ngừng cấp phép cho bà Huấn và giao cho Cty TNHH Long Phi Vân đầu tư nâng cấp, khai thác.
Công văn ghi: “Cty TNHH Long Phi Vân có trách nhiệm hỗ trợ các chi phí đối với chủ cũ, do đã đầu tư xây dựng bến”. Vậy là gia đình bà Huấn bỗng dưng bị mất phương tiện làm ăn, nuôi sống cả gia đình.
Ông Phạm Thanh Lợi (con bà Huấn) đã gửi đơn khiếu nại, nêu rõ: Nếu UBND huyện Cần Giuộc có chủ trương đầu tư nâng cấp bến đò thì thông báo cho chủ đang khai thác để đầu tư. Hoặc ít nhất, UBND huyện Cần Giuộc phải tổ chức đấu thầu khai thác bến, khi đó gia đình ông phải được tham gia đấu thầu một cách bình đẳng với mọi người, chứ không thể giao ngang cho Cty TNHH Long Phi Vân. Thậm chí, nếu phải giao bến thì chủ mới phải bồi hoàn hợp lý chi phí xây dựng bến cho gia đình ông, chứ không thể chỉ “hỗ trợ”!
Liên quan tới vụ việc, phía huyện Cần Đước lại có cách xử lý khác hẳn, có tình có lý. Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cần Đước đề xuất: UBND huyện nên mời chủ bến thông báo chủ trương nâng cấp bến đò. Nếu chủ bến không đáp ứng được thì UBND huyện tổ chức đấu giá. Trường hợp Cty TNHH Long Phi Vân trúng thầu thì lúc đó mới có quyền đề nghị nâng cấp bến.
Ngày 5.7, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước – ông Nguyễn Quý Tính – kết luận: Khẩn trương nâng cấp bến và phương tiện; trước hết ưu tiên cho gia đình bà Huấn…
Vậy là, chỉ một chuyện bến đò Chợ Kinh mà 2 huyện có 2 cách giải quyết khác nhau; đến nay, sự việc trên vẫn chưa ngã ngũ, làm cho gia đình liệt sĩ phải điêu đứng!
Trung Ngôn 
Theo Lao Động