Ngay đầu buổi chất vấn, hai đại biểu
Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã đặt vấn đề: trong báo
cáo của Chính phủ vừa qua có nêu cả nước có 30% cán bộ, công chức không
làm được việc, điều đó đúng không? Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng
nghĩ sao về vấn đề này và Bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này như thế
nào?"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không trả lời
trực tiếp vào vấn đề bị chất vấn. Ông Bình nhắc tới chương trình tổng
thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, có nhiều vấn đề liên
quan bộ máy, năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án cải cách công vụ
công chức từ nay đến 2015...
Theo Bộ trưởng, việc đánh giá cán bộ
công chức, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa
phương nhưng đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ Nội vụ "cũng có
trách nhiệm".
Ông
Bình cho rằng, để có tiếng nói chung thì các địa phương, bộ ngành cần
thực hiện một số giải pháp như: tinh gọn bộ máy, thực hiện mô tả công
việc, bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, hoàn thiện tiêu chí
và phương pháp đánh giá cán bộ công chức...
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn |
Chưa hài lòng với phần trả lời, đại biểu
Chu Sơn Hà, đoàn Hà Nội chất vấn tiếp về con số 30% công chức không làm
được việc: "Lãnh đạo cao cấp của Chính phủ cũng nói 30% công chức không
làm được việc. Tính ra sẽ là 700.000 cán bộ công chức và số này phải
chi 1 năm là 17.000 tỉ đồng. Bộ trưởng cho rằng không phải là 30% thì là
bao nhiêu?. Bộ trưởng đánh giá thế nào về bằng giả, học thật, bằng giả,
học giả rồi chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế…Có hay không tình
trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay…?”.
Chủ tịch Quốc hội đã phải nhắc Bộ trưởng
Nguyễn Thái Bình rằng: "Còn câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà". Lúc này,
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mới trả lời rằng, câu hỏi 30% công chức Bộ đã
trình bày giải pháp.
“Nếu nói con số bao nhiêu thì không có
cơ sở. Nhưng giải pháp tương đối toàn diện thì đến thời điểm sẽ tạo ra
tiếng nói chung”, Bộ trưởng nói.
Ông Bình giải thích, trong những năm gần
đây qua các kỳ họp Quốc hội, họp trung ương đặc biệt quan tâm vấn đề
này. Bản thân ông cũng đã đọc kỹ báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần
thứ XI của Đảng có nói liên quan đến thực trạng đội ngũ công chức, viên
chức, trong đó có tham nhũng, tiêu cực.
“Những nội dung đại biểu đề ra, khi tôi
đọc các văn kiện nêu trên cũng đã nêu tương đối rõ. Nay đề ra các giải
pháp để đề ra phòng chống tham nhũng nói chung…”, ông Bình nói.
Lúc này, đại biểu Chu Sơn Hà tiếp tục
đặt câu hỏi: “Việc chạy chức chạy quyền, có tham nhũng trong đội ngũ làm
công tác cán bộ hay không? Phải dũng cảm như Bộ Kế hoạch đầu tư rằng có
chạy dự án nhưng chưa tìm ra được bằng chứng. Đề nghị Bộ cho thêm giải
pháp và phải nói có hay không có?”.
Một lần nữa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình
lại “né” trả lời và cho rằng: “đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị”. Nhiều
đại biểu ngồi dưới hội trường đều mỉm cười trước phần trả lời của Bộ
trưởng.
Như vậy có tới 5 ý kiến muốn làm rõ việc
công chức không làm được việc và tham nhũng trong đội ngũ làm công tác
cán bộ và được Chủ tịch Quốc hội nhắc lại để trả lời. Và cuối cùng,
chính vị Chủ tịch Quốc hội phải chốt lại vấn đề: "Bộ trưởng có thấy tình
trạng công chức không làm được việc, tiêu cực nhưng con số thì phải
kiểm tra lại chưa trả lời được ngay".
Trước đó, trao đổi với Báo Đất Việt, đại
biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội cũng đặt vấn đề, hiện hiệu quả công việc,
tổ chức bộ máy, đào tạo, chọn người… đang có vấn đề. Bộ Nội vụ đã nói
tất cả quy trình tuyển cán bộ công chức đều chuẩn nhưng mong muốn chọn
người chuẩn vào bộ máy lại không được. Thế nên bộ máy cứ phình ra tốn
tiền ngân sách nhà nước.
“Vì không có năng lực chọn người nên lại
có tình trạng tiêu cực và công chức không làm được việc. Nó không có
tiêu cực, không có bằng chứng nhưng chất lượng công chức thì vẫn không
đảm bảo như ý muốn. Quy trình chuẩn vậy vấn đề gì đang xảy ra ở đây? Vấn
đề này phải được đặt ra và phải có nguyên nhân chứ”?, bà An nghi vấn.
Bích Ngọc