THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 November 2013

CPJ nêu trường hợp Điếu Cày để vận động tự do ngôn luận ở Việt Nam




Mời các bạn trong thôn bấm vào ĐÂY để ký tên.

Trà Mi (VOA) Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế CPJ vừa phát động chiến dịch thỉnh nguyện thưquốc tế kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam phóng thích blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), người được Tổ chức Ân Xá Quốc tế gọi là tù nhân lương tâm đang thọ án tù 12 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Điếu Cày, sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, bị buộc tội vì các bài viết về chủ đề chính trị nhạy cảm ở Việt Nam trong đó có nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông.

Ông là một trong bốn nhà báo quốc tế được CPJ vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 vào ngày 26/11 năm nay.

Thỉnh nguyện thư của CPJ kêu gọi Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả tự do cho Điếu Cày cùng tất cả blogger, nhà báo đang bị cầm tù và cho phép tự do thông tin tại Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi Ban Việt ngữ VOA, ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh Điếu Cày là ví dụ điển hình của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Ông Shawn Crispin: Đây thật sự là lần đầu tiên Ủy ban Bảo vệ Ký giả phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư quốc tế cho một blogger Việt Nam. Theo thống kê của CPJ, năm ngoái có 14 ký giả bị bỏ tù tại Việt Nam, đa số là những blogger hay những ngòi bút trên mạng. Số này trong năm nay đã tăng lên, với nhiều vụ bắt bớ và kết án nữa. Danh sách chính thức CPJ ghi nhận sẽ phổ biến trong vài ngày tới bao gồm 19 trường hợp như vậy.

VOA: Vì sao CPJ muốn đánh động công luận về trường hợp riêng của blogger Điếu Cày với chiến dịch thỉnh nguyện thư và Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013?

Ông Shawn Crispin: Chúng tôi xem Điếu Cày là một ví dụ điển hình của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Điếu Cày là một trong những blogger đầu tiên bị bắt vào năm 2008. Vụ đàn áp ông rất rõ ràng vì ông đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, mở ra trang mạng cùng tên quy tụ các ngòi bút độc lập, phá vỡ sự kiểm soát độc quyền của nhà nước đối với truyền thông báo chí trong nước. Vụ án của Điếu Cày là điển hình cho quốc tế thấy những gì mà các blogger độc lập tại Việt Nam đang phải gánh chịu hôm nay. Chúng tôi hy vọng tại lễ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế 2013 vào ngày 26/11 tới đây ở New York, chúng tôi sẽ thu hút được nhiều chữ ký của những người có danh tiếng vào thỉnh nguyện thư kêu gọi phóng thích Điếu Cày.

VOA: Bất chấp những chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế về thành tích nhân quyền xuống dốc của Việt Nam, Hà Nội mới đây nhận được 184/192 phiếu bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Việc này nói lên điều gì?

Ông Shawn Crispin: Thật là đáng phẫn nộ. Các nước vi phạm nhân quyền khét tiếng như Việt Nam, Trung Quốc, hay Ả Rập Xê Út lại được vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc quả là một sự thật ngớ ngẩn. Hội đồng đã trở thành một con hổ không răng khi cho phép một nước chà đạp nhân quyền như Việt Nam có một ghế tại Hội đồng. Đó là một lý do mà chúng tôi vận động cộng đồng quốc tế tỏ rõ hơn nữa sự bất bình đối với tình trạng tiếp diễn đàn áp blogger và bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ quan điểm tại Việt Nam. Đây là điều chúng tôi sẽ bao gồm trong các báo cáo nghiên cứu về tình hình Việt Nam để chú trọng đến các áp lực có thể đối với nhà cầm quyền Việt Nam trong khi Hà Nội đang cố gắng quảng bá hình ảnh và tìm chỗ đứng trong cộng đồng quốc tế.

VOA: Liệu chăng tỷ lệ phiếu bầu cao vào Hội đồng Nhân quyền có thể là một bằng chứng để Hà Nội chứng minh rằng những sự chỉ trích của quốc tế đối với thành tích nhân quyền của họ là sai lệch?

Ông Shawn Crispin: Tôi không nghĩ Hội đồng Nhân quyền là nơi để xem là đại diện cho quan điểm của quốc tế. Lâu nay Hội đồng Nhân quyền đã có các thành viên là những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ. Cần hiểu rằng việc bầu bán vào Hội đồng Nhân quyền mang tính chính trị nội bộ của Liên hiệp quốc hơn là sự phản ánh trung thực về quan điểm quốc tế về tình hình nhân quyền của Việt Nam. 

VOA: Ông có thể chia sẻ thêm các kế hoạch sắp tới của CPJ trong công cuộc vận động cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam?

Ông Shawn Crispin: Chúng tôi tập trung vào Giải thưởng Tự do báo chí Quốc tế 2013 cho Điếu Cày với hy vọng rằng giải thưởng này sẽ đánh động sự quan tâm của thế giới đối với tình trạng rất u ám và tồi tệ của các blogger tại Việt Nam, những người bị tù đày hay trở thành nạn nhân bị sách nhiễu thường xuyên chỉ vì thực hành quyền tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm trái với nhà nước; những người can đảm viết lên suy nghĩ độc lập của mình thách thức sự kiểm duyệt độc đoán của nhà cầm quyền.

Đó là tâm điểm kế hoạch của chúng tôi tại thời điểm này. Tôi tin rằng thực trạng nhân quyền Việt Nam đang ngày càng được phơi bày ra ánh sáng, cộng đồng quốc tế đang trở nên chú ý hơn tới Việt Nam nhất là sau khi Miến Điện tiến hành cải cách dân chủ, bỏ lại Việt Nam như một quốc gia đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền tệ hại trong khu vực.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp của CPJ tại Đông Nam Á đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi này.