THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 November 2013

Dân nộp thuế cho cán bộ dùng điện thoại nhưng dân gọi không nghe



(Dân trí) - Cán bộ không nghe điện thoại của người dân, cơ quan quản lý yếu kém, vai trò mờ nhạt khiến người dân tìm đến cách “tự xử”. Bộ máy ngày càng phình lớn, tham nhũng không thể đẩy lùi do kỷ cương phép nước không nghiêm… ĐBQH phân tích.

Phiên thảo luận toàn thể tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ghi nhận nhiều trăn trở, bức xúc trong đời sống chính trị xã hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) ghi nhận, việc hoàn thành 11/15 chỉ tiêu là nỗ lực lớn của Chính phủ dù 1 trong 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt mục tiêu đề ra là GDP. Tuy nhiên, so với năm ngoái, GDP năm nay đã đạt cao hơn.
Ông Thuyền phân tích những nguyên nhân, hạn chế từ khía cạnh chủ quan, trong đó có việc lắng nghe nhân dân.
Dân nộp thuế cho cán bộ dùng điện thoại nhưng dân gọi không nghe
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Người dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe".
“Dân nói ngày xưa các cán bộ phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ bảo số lạ không bao giờ nghe” - ông Thuyền phát biểu.
Đại biểu phân tích, thực ra dân rất muốn tiếp cận gặp lãnh đạo để phản ánh tâm tư, nguyện vọng nhưng gửi đơn lên chưa chắc đến được với lãnh đạo. Đến tiếp dân cũng có thể không gặp đồng chí cao cấp, qua điện thoại trực tiếp cán bộ không nghe, chính vì vậy nhân dân rất băn khoăn, nhiều cái kêu hàng chục năm không ai đứng ra giải quyết.
Chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải đặt lợi ích của dân lên trên hết, nếu vì lợi ích nhóm, người dân ắt bức xúc. Chính quyền phải kiểm tra nghiêm túc chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng, quan liêu, xa dân.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) khái quát, đời sống văn hóa, xã hội của đất nước vốn có nhiều vấn đề bức xúc, gần đây lại có thêm những sự kiện ngày càng gây thêm bức xúc. Mỗi người Việt Nam đều phải tự cảm thấy xấu hổ và lo lắng với những sự kiện tiêu cực đó.
Về mặt chính trị và pháp lý, ông Đáng nhận xét, đã xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân với nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân tự xử.
Tự xử, dù là hành vi xấu, đáng lên án nhưng theo ông Đáng, trách dân sao được khi thực sự khách quan mà nói, vai trò quản lý của nhà nước còn mờ nhạt và yếu kém là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này. Trách dân sao được khi nhà nước lại thỉnh thoảng ban hành những văn bản pháp quy có những nội dung hết sức ngớ ngẩn, trong khi đó còn nợ dân số lượng quá lớn các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Đại biểu dẫn chứng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, có đến ba bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Nhà nước chỉ khuyến cáo người dân phải nên tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Những khuyến cáo không sai nhưng ông Đáng đánh giá, việc đó rõ ràng cho thấy quản lý nhà nước đang có dấu hiệu bất lực.
“Để khắc phục hiện trạng suy giảm niềm tin và tự xử trong dân, theo tôi chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật đến xử lý thường xuyên có hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý nhà nước luôn chỉ vì vân và công bằng với dân. Quản lý nhà nước cũng không nên theo kiểu phong trào, khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy chợ, thông tin sôi động nhưng đến trưa chiều thì đâu lại vào đó” – đại biểu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đi sâu vào phân tích nguyên nhân kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Nguyên nhân này được nêu ra, lặp đi lặp lại nhiều năm, qua nhiều bản báo cáo, từ báo cáo về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh đến báo cáo phòng chống tham nhũng, báo cáo kết quả cải cách hành chính…
Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong quá trình triển khai thi hành luật sẽ làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm cho tình hình tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong tổ chức hành chính bộ máy nhà nước ngày một phình ra nhưng hoạt động kém hiệu quả.
“Kỷ luật, kỷ cương là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực nhà nước. Một khi kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tức là quyền lực nhà nước chưa được thực thi một cách đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế, yếu kém cứ kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục làm cho hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kém hiệu quả” – ông Học đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cần phải lập lại trật tự kỷ cương, cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương để thực trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, không nghiêm không còn lặp lại trong các báo cáo của Chính phủ những năm sau, cũng để tạo được niềm tin của người dân đối với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp, các ngành.
P.Thảo