SỐNG MỚI - 31/10/2013
Nhiều tuyến đường quốc lộ được đầu tư thi công hàng tỷ đồng nhưng chưa được sử dụng bao lâu đã hỏng, thậm chí nhiều tuyến cứ vá với sửa liên tục xong vẫn xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Ảnh: VOV
Tuyến tránh Quốc lộ 1A dài gần 8,5 km qua TP Phan Rang – Tháp Chàm là đoạn đường có quy mô hoành tráng nhất tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng. Thế nhưng sau khi đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng sụt lún, gợn sóng xuất hiện nhiều tại các đoạn dẫn vào các cầu Thành Hải, Sông Quao… ước tính tổng chiều dài các đoạn sụt lún ít nhất hơn 2 km.
Không chỉ có tuyến quốc lộ trên, tại Khánh Hòa, nhiều tuyến đường vừa mới sửa chữa, nâng cấp, đưa vào khai thác hơn 1 năm cũng đã xuất hiện nhiều ổ gà, sống trâu…Trên Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Rù Rì, TP Nha Trang và đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) có chiều dài khoảng 1 km nhưng có đến hàng trăm mét bề mặt đường lồi lõm nên tai nạn thường xuyên xảy ra tại đây. Người dân muốn an toàn thì phải lưu thông với tốc độ 5-10 km/h. Nói về tình trạng này, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa, ông Trần Đình Diệu cũng đã phải thừa nhận nhưng chưa có biện pháp xử lý lâu dài, giờ mới chỉ sử dụng biện pháp phủ nhựa nhưng cũng chỉ khắc phục được trong 1 thời gian ngắn rồi lại xuống cấp.
Tại tuyến đường 723 nối TP Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Lạt (Lâm Đồng) có chi phí xây dựng hơn 549 tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng giữa năm 2012 nhưng đến nay nhiều chỗ bị hư hỏng, sụt lún, vá víu. Ông Nguyễn Công Định Giám đốc Sở GTVT lý giải nguyên nhân là do tải trọng xe lớn mà đường chỉ được rải lớp nhựa 7cm. Do đó, việc xuất hiện ổ gà là điều bình thường, hỏng đâu thì vá đấy nhưng kinh phí sửa chữa đường đã hết nên giờ chưa được bảo trì.
Tình trạng nhiều tuyến đường hàng tỷ đồng, nâng cấp, sửa chữa nhiều lần nhưng đã nhanh chóng xuống cấp đã trở nên quen thuộc với người dân. Bên cạnh đó, dù biết đường xuống cấp nhưng lực lượng chức năng cũng không thể đưa ra biện pháp khắc phục lâu dài với lý do muôn thưở thiếu kinh phí trong khi người dân đã phải đóng bao nhiêu loại phí như phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường…mà chất lượng dịch vụ nhận được lại không tương xứng. Đến nay nguyên nhân luôn được đẩy sang do những xe quá tải, quá khổ “đè nát” còn người phải chịu trách nhiệm, bị truy tố với việc quản lý yếu kém để tình trạng này xảy ra thì luôn bị bỏ ngỏ. Với việc bất lực trong cách giải quyết của các cấp ngành liên quan, mỗi lần đi qua các đoạn đường này, người dân luôn phải thực hiện phương châm “đi chậm, nhìn kỹ” và thở phào nhẹ nhõm khi an toàn trở về.
Hải Băng
Theo Người lao động