BBC - 31/10/2013
Nhà thiết kế của Nga cho hay nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam đặt ở tỉnh Ninh Thuận sẽ giống mô hình nhà máy Điền Loan, Trung Quốc.
Nhà máy Ninh Thuận-1 sẽ được xây dựng với vốn vay 8 tỷ đôla của Nga. Tập đoàn Rosatom của Nga là đơn vị thi công.Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch xây hai nhà máy điện sử dụng hạt nhân ở tỉnh duyên hải này.
Hiện dự án này đang khởi động và tới đầu năm 2014 sẽ khởi công phần hạ tầng cho xây dựng nhà máy.
Đài Tiếng nói nước Nga hôm 31/10 dẫn nguồn E4 Group, tập đoàn chịu trách nhiệm làm báo cáo khả thi cho Rosatom, cho hay tại nhà máy Ninh Thuận-1, "tiêu chuẩn công nghệ và các thiết bị tương tự như được sử dụng trong xây dựng giai đoạn đầu tiên và thứ hai của máy điện hạt nhân Điền Loan ở Trung Quốc".
Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở tỉnh Giang Tây, nằm trên bờ Hoàng Hải, do tập đoàn Atomstroyexport của Nga xây dựng và là nhà máy điện lớn nhất Trung Quốc hiện nay.
An toàn hạt nhân
Đài Tiếng nói nước Nga cũng cho hay thiết kế tối ưu cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1 là phương án AES-91 của Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế công nghệ năng lượng Nga (VNIPIET), trụ sở chính ở St Petersburg.
Phương án này được nói "cho phép sử dụng tối đa công suất lưới điện của Việt Nam, cũng như giảm chi phí xây dựng".
"Dự án hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hậu Fukushima đối với điện hạt nhân."
An toàn nguyên tử là quan tâm và quan ngại lớn nhất của người dân trong nước, trong khi Chính phủ tỏ ra quyết tâm phát triển điện hạt nhân.
Vấn đề an toàn điện hạt nhân ở Việt Nam, theo giới chức trong nước, tập trung vào ba nội dung chính: Đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn.
Ngoài NInh Thuận-1, vào tháng 9/2011 công ty Nhật Bản Japan Atomic Power đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho một báo cáo khả thi đối với nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở Ninh Thuận - dự kiến sẽ sử dụng công nghệ Nhật.
Chính phủ Việt Nam dự tính xây 13 lò phản ứng ở tám nhà máy với tổng công suất 15.000 megawatt vào năm 2030.