Việt Nam thành "cường quốc" về dân số với mức 90 triệu người từ ngày 1 tháng 11, 2013. (Hình: Getty Images)
|
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, cho rằng "đó là con số đầy ý nghĩa." Chỉ cần đạt đến ngưỡng 90 triệu dân vào lúc 0 giờ ngày 1 tháng 11, 2013, Việt Nam đã là quốc gia đứng hàng thứ 14 trong danh sách các nước đông dân nhất thế giới, và hàng thứ 3 vùng Đông Nam Á.
Phúc trình của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình còn nói rằng, Việt Nam bước vào giai đoạn "dân số vàng," tức là cứ hai người trong độ tuổi lao động mới có một người sống phụ thuộc, gồm trẻ em dưới 15 và người già trên 65 tuổi. Giai đoạn này khởi sự từ năm 2007 và kéo dài đến năm 2042. Tuy nhiên, ông Dương Quốc Trọng cảnh cáo rằng, phẩm chất nguồn nhân lực hầu như quá kém sẽ khiến Việt Nam "mãi là người đi sau."
Cũng theo ông Dương Quốc Trọng, dân số Việt Nam chỉ mới "vàng" về số lượng chứ chưa "vàng" về phẩm chất.
Kết quả một cuộc điều tra về lao động và việc làm cách nay hai năm cho thấy, chỉ mới có 15.6% dân số trong độ tuổi lao động được huấn luyện nghề nghiệp chuyên môn. Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình còn nói rằng, trong số 51.4 triệu người dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, chỉ có khoảng 8 triệu người có "nghề nghiệp chuyên môn."
Tính ra, ít nhất 43.4 triệu người Việt Nam trong độ tuổi lao động chỉ có thể chọn một nghề lao động phổ thông, và có việc làm tự nuôi sống bản thân đã là "may mắn" lắm rồi, theo suy nghĩ của họ. (PL)