ĐẤT VIỆT- 30/10/2013
Trong giai đoạn 2 của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư còn thiếu gần 24 nghìn tỷ đồng, dự kiến thông xe hai làn toàn tuyến đã chậm ba năm so với yêu cầu… Trước thực tế này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh mức đầu tư cho dự án quan trọng này.
Như vậy, xét trên toàn dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 sẽ có tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.
Tiền vẫn xin, tiến độ xin chậm lại
Báo cáo trước Quốc hội trong ngày làm việc thứ tám, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị điều chỉnh nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, trong giai đoạn 1, đường Hồ Chí Minh gồm tuyến chính đoạn từ Hòa Lạc, Hà Nội, đến Tân Cảnh, Kon Tum, dài khoảng 1.350 km đã hoàn thành cơ bản đúng tiến độ.
Tuy nhiên, các tuyến gồm đường hoàn trả quốc lộ 21(Hòa Bình) và tuyến đường hoàn trả qua hai huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn (Nghệ An) mới được bố trí vốn, dự kiến hoàn thành năm 2014.
Riêng đoạn Cam Lộ - Túy Loan dài 182km do khó khăn về nguồn vốn nên chưa đầu tư trong giai đoạn 1. Để hoàn thành dứt điểm và thanh quyết toán giai đoạn 1 cần bố trí bổ sung khoảng 250 tỷ đồng.
Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải đang tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ14 đoạn qua Tây Nguyên, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2015 nhưng nhu cầu vốn còn thiếu hơn 24 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải việc thiếu vốn nên một số tuyến sẽ phải dừng lại |
Để phù hợp với nguồn lực hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Trong đó, một số nội dung cơ bản như tăng 16 km trong tổng chiều dài toàn tuyến 3.183km, hướng tuyến đi qua 28 tỉnh, thành phố, giảm hai địa phương.
Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Việc phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư giai đoạn cao tốc (giai đoạn 3) tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn.
Làm rõ địa chỉ vì sao vượt dự toán cao
Trước đó cũng liên quan đến vấn đề này Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có thảo luận về dự thảo điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, câu chuyện này lại một lần nữa được phân tích, xoáy sâu.
Như vậy với việc cân đối vốn của dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007. Đây là con số đáng chú ý trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay.
Trao đổi với Đất Việt, TS Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ lo ngại về nguồn tài chính của quốc gia.
Theo đại biểu Kiêm, hiện ngân sách đang có vấn đề cho nên cần áp biện pháp tăng thu, bớt chi. Địa chỉ nào không hiệu quả thì phải thắt chặt.
Riêng với dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng cần phải làm rõ vượt là vì lý do tăng giá hay quản lý không chặt chẽ.
TS Kiêm nhìn nhận trong việc triển khai dự án này vừa qua có những yếu tố tồn tại. “Tôi sẽ phân tích kỹ điều này và yêu cầu Chính phủ chỉ ra rõ ràng những địa chỉ, nội dung chi để giải quyết vấn đề sát thực hơn trong các thảo luận tiếp theo”, ông Kiêm cho biết.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chất lượng một số đoạn, tuyến của dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn nên dễ bị xuống cấp, sạt lở. Một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm yêu cầu thoát lũ...
Việc quy hoạch và thực hiện dự án mới chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đường, chưa chú trọng phát huy hiệu quả tổng hợp. Hiệu quả khai thác ở một số đoạn, tuyến đến nay chưa cao, lưu lượng xe vận tải còn thấp.
Đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng chỉ ra tồn tại ở dự án này là công tác kiểm kê, đo đạc đất đai giải phóng mặt bằng thiếu chính xác, thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh liền kề, giữa địa phương và Ban quản lý dự án.
Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của người dân khi phải di dời để lấy mặt bằng thi công, dẫn đến tình trạng nhân dân khiếu kiện kéo dài, thậm chí ngăn cản không cho nhà thầu thi công.
Bích Ngọc