ĐẤT VIỆT - 02/10/2013 (Kinh tế) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ có tới 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang, trong đó không phải toàn bộ diện tích này là rừng nghèo kiệt. Thậm chí khi có chủ trương, Bộ chưa kịp có hướng dẫn hàng loạt tỉnh đã tranh thủ làm ngay. Tuy nhiên, trả lời báo chí, một số tỉnh được cho là có diện tích trồng cao su lớn nhất đều chối việc này và khẳng định không làm sai.
Trung ương, nhà khoa học nói: Có phá rừng!
Ông Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, vì lợi ích kinh tế, trong những năm qua, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su đã diễn ra rộng khắp ở nhiều vùng và địa phương. Và, trên thực tế, diện tích trồng cao su đã vượt xa quy hoạch của Chính phủ.
Cụ thể, trong quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 phê duyệt năm 2009, Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800.000 ha, trong đó vùng Tây Nguyên 280.000 ha và Tây Bắc 50.000 ha. Tuy nhiên, mới đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000 ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng, khiến rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ rõ, đã có đến 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang. Hơn nữa, không phải toàn bộ diện tích này là rừng nghèo kiệt, vì có gần 400.000 m3 gỗ tận thu được từ việc chuyển đổi 700.000 ha rừng tự nhiên sang đất trồng cao su.
Thậm chí GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng còn dẫn lại từ năm 2006, sau hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên ở TP.HCM, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó giao Tổng công ty Cao su chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc cụ thể với từng tỉnh để trong năm năm tới phát triển được 90.000-100.000ha cao su tại Tây nguyên (đất lấy từ những dự án trồng cây nguyên liệu kém hiệu quả, diện tích đất giảm từ trồng cây cà phê và một số lâm trường có đất rừng nghèo kiệt). Ngay sau đó, khi Bộ NN&PTNT chưa hướng dẫn, hàng loạt tỉnh đã “tranh thủ” làm ngay.
Điều đáng nói là Nhà nước cho cả Tây nguyên 90.000-100.000ha, nhưng chỉ riêng Gia Lai đã ra thông báo quy hoạch 60.000ha làm cao su mới. Các tỉnh khác cũng tranh thủ mà không đợi quy hoạch phân bổ tỉnh này bao nhiêu, tỉnh kia bao nhiêu. Sự vội vàng đó, theo ông Lung, “vì quyền lợi cục bộ địa phương hoặc nhóm lợi ích”.
Và điều này cũng được rất nhiều nhà khoa học khẳng định, chắc chắn có sự phù phép, lợi dụng chính sách khiến các địa phương mới nhanh chóng chuyển đổi nhanh chóng như vậy.
Theo Chiến lược phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, diện tích cao su của cả nước đạt mức ổn định là 800.000 ha, với tổng kim ngạch xuất khẩu giữ ổn định ở mức 2 tỉ USD/năm. Thế nhưng chỉ sau ba năm, đến năm 2012 diện tích trồng cao su lên đến 915.000ha - vượt xa quy hoạch cho năm 2020.
Chính phủ quy hoạch đến năm 2020 diện tích cao su đạt 800.000ha nhưng chỉ đến năm 2012 diện tích này đã vượt xa đạt 915.000ha |
“Phải nói thẳng là chắc chắn có chuyện lách luật là chính. Theo quy định phải là “rừng nghèo kiệt” mới được chuyển đổi (tức là dưới 50m3/ha), nhưng nhiều địa phương đã bỏ chữ “kiệt” đi và cho phép chuyển đổi. Hiện nay bản thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhìn ra vấn đề này và không cho phép chuyển đổi nữa”, ông Cổn nói.
Địa phương bảo: không!
Con số thống kê đã rõ ràng, các chứng cứ khoa học đã chỉ rõ nhưng hiện không địa phương nào cho rằng mình đã làm sai.
Địa phương nào cũng nói đã làm rất đúng việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su |
Ông Minh cho biết, UBND tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề kiểm tra, thanh tra việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng rừng cao su. Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra để hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình lập hồ sơ, thẩm định, cấp phép, nghiệm thu lâm sản…
“Kết quả cho thấy các dự án đều thực hiện về đối tượng rừng đúng với tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Sản lượng gỗ nghiệm thu trong tận dụng lâm sản trên hiện trường cần giải phóng mặt bằng thấp hơn so với sản lượng cho phép trong thiết kế”, ông Minh nói.
Ông Minh khẳng định: Trong quá trình chuyển đổi rừng sang mục tiêu rừng kinh tế tại Lâm Đồng, có lúc có nơi còn có những thiếu sót nhất định nhưng không tồn tại “nhóm lợi ích” tại Lâm Đồng. Đồng thời cũng không có việc “lợi dụng chính sách để phá rừng”.
Còn trao đổi trên Tuổi trẻ, ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai – nói: Để có đất trồng cao su thì phải chuyển đổi rừng nghèo, như thế đương nhiên rừng sẽ bị thu hẹp lại.
Ở các huyện như Chư Prong, Ia Grai của Gia Lai, trữ lượng gỗ chỉ khoảng 70m3/ha. Nếu nói về giá trị sinh thái, môi trường thì rõ ràng rừng sẽ có giá trị, nhưng ở góc độ kinh tế thì giá trị cây cao su lại cho hiệu quả cao. Giữa hai khía cạnh này UBND tỉnh đã có cân nhắc, tính toán kỹ trước khi thực hiện dự án trồng cao su. Còn nói cao su phá rừng là chưa hẳn đúng vì diện tích cao su thực hiện trên rừng nghèo kiệt hoặc rừng đã bị phá, chứ không ai đi chặt rừng giàu để làm cao su. Các doanh nghiệp muốn làm cũng phải xin phép và để thực hiện phải trải qua rất nhiều khâu.
Ông Kpă Thuyên cũng cho biết, việc đánh giá, khảo sát là do các chủ đầu tư tự bỏ tiền ra làm. Sau khi có đánh giá này, Sở chỉ khảo sát lại để thẩm định các thông tin về hiện trạng rừng.
“Các đơn vị được thuê khảo sát đánh giá và chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, trước Bộ NN&PTNT”, Kpă Thuyên khẳng định.
Tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk cũng khẳng định: Tất cả các dự án đều được thẩm định, cấp phép một cách rất khoa học và nghiêm túc với hội đồng thẩm định có rất nhiều ngành chức năng. Trong đó mỗi dự án đều có đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế chứ không có chuyện cấp ào ào như dư luận phản ánh.
Dư luận đặt vấn ở đây phải chăng các nhà khoa học đã đưa ra dẫn chứng, cứ liệu sai trong khi địa phương làm rất tốt, rất đúng. Hay có chuyện “làm láo, báo cáo hay” từ địa phương ở trong hoàn cảnh thực tế này?.
Có ý kiến cho rằng, đây là lúc cần có sự vào cuộc, lên tiếng của cơ quan tham mưu, đưa ra chủ trương này là Bộ NN&PTNT.
Nói như Ths Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) rằng trách nhiệm cao nhất vẫn là Bộ NN&PTNTđã tham mưu cho Chính phủ chuyển đổi hơn 100.000 ha đất rừng sang trồng cao su. Do vậy bộ này phải lĩnh trách nhiệm trước hết. Tiêu chí ở đâu ra mà duyệt 100.000 ha và khi phân bổ chỉ tiêu xuống các tỉnh thì dựa trên cơ sở nào? Thứ hai rồi mới đến chính quyền địa phương là cơ quan thẩm định, cấp phép. Bởi UBND tỉnh chịu trách nhiệm cấp phép, các sở, chi cục là cơ quan tham mưu liên đới.
Phương Nguyên