SỐNG MỚI - 03/10/2013
Thông thường, sang đường là hành động tương đối đơn giản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây thật sự là “cơn ác mộng” với nhiều người nước ngoài. Để qua đường an toàn, họ cần có trí thông minh, “kỹ thuật” và cả sự may mắn nữa.
Ôtô bị xem là phương tiện xa xỉ tại Việt Nam do các loại phí, thuế có thể đắt gần bằng giá trị chiếc xe. Vì vậy, đa số người tham gia giao thông đều sử dụng xe máy. Chúng trở nên phổ biến đến nỗi số người sử dụng mũ bảo hiểm còn nhiều hơn cả những chiếc nón lá đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của người Việt Nam.
Xe máy có thể được sử dụng để “thồ” mọi thứ. Thậm chí, người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh một gia đình 4 người được nhồi nhét trên chiếc xe hai bánh. Nhiều lái xe còn đeo khẩu trang để tránh bụi. Nhưng khi vô ý gây tai nạn, họ cũng có thể “tẩu thoát” mà không sợ bị ai nhận ra.
Tại một số quốc gia như Anh Quốc, nếu ai đó sử dụng còi, có nghĩa là người đó đang rất tức giận vì bị người khác cản đường. Thậm chí, họ có thể nổi điên lên. Thế nhưng, tại Việt Nam, bấm còi liên tục chỉ đơn thuần là cho người khác biết mình đang ở đây.
Đèn giao thông và những đoạn giao nhau tồn tại rất nhiều tại Việt Nam. Nhưng chúng thường bị lờ đi, trừ khi ở những ngã tư lớn. Điều đó có nghĩa xe máy và ôtô ít khi dừng lại để nhường đường cho người đi bộ đang loay hoay tìm cách sang đường.
Tuy vậy, người đi bộ sẽ không có cơ hội chờ đợi một khoảng trống để tranh thủ sang đường bởi nó sẽ không bao giờ xuất hiện. Vì vậy, việc duy nhất “nên làm” là cứ lao qua theo cách “liều mình như chẳng có”, nhưng phải luôn giữ được sự tỉnh táo: đi chậm, nhưng chắc chắn, không ngần ngại hay lưỡng lự. Thông thường, hầu hết lái xe có thể dự đoán chuyển động của người đi bộ và tránh một cách an toàn. Thế nhưng, trong một số trường hợp, nếu người sang đường đột ngột dừng lại và bắt đầu lưỡng lự, thì họ có thể bị rối và gây ra sự cố không mong muốn.
Có thể nói, giao thông Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh với không ít người nước ngoài. Dù đã biết trước điều này, nhưng họ vẫn trở thành nạn nhân một cách đáng tiếc. Tháng 12/2006, giáo sư người Mỹ Seymour Papert sang Hà Nội để tham dự Hội nghị quốc tế về phương pháp dạy toán bằng công nghệ thông tin, chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa. Thế nhưng, không may, khi vừa từ khách sạn đi ra để qua ngã tư, ông đã bị một chiếc xe máy bất ngờ tông trúng gây chấn thương sọ não.
Tháng 6/2013, Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari 48 tuổi đến từ Nhật Bản cũng đã bị xe tải tông trúng trên đoạn Quốc lộ 5. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng ông vẫn không qua khỏi. Từng có 23 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, sự ra đi của ông khiến giới khảo cổ không hỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Mới đây nhất, chiều ngày 23/9, dù đi đúng vạch sang đường dành cho người đi bộ, nhưng ông Blankenstein 46 tuổi - du khách nước ngoài - vẫn bị hai chiếc xe máy đâm liên tiếp khiến ông nằm bất tỉnh trên đường. Vụ việc xảy ra trên đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM.
Trước đó, tháng 8/2012, một tờ báo nước ngoài đã đăng tải bài viết có tựa đề “Sát thủ thầm lặng ở Việt Nam” đề cập đến những nguyên nhân khiến việc tham gia giao thông trở thành “cơn ác mộng” với những người nước ngoài, trong đó có nạn mãi lộ cảnh sát giao thông. Điều đó cho thấy sự lỏng leo trong công tác thực thi pháp luật và ý thức kém của nhiều lái xe. Vì vậy, người nước ngoài đã phải “tự cứu mình” bằng cách chia sẻ những bài viết và tự dạy nhau kinh nghiệp các sang đường an toàn tại Việt Nam.
An Nhiên
Theo Cheapflights, Đất Việt