Một năm học mới lại đến, với trọng trách đặt lên vai các vị hiệu trưởng. Tôi mạn phép nêu những đặc tính không đẹp, bắt nguồn từ cơ chế quản lý, của các ông hiệu trưởng. Nhưng ông nào không mấy đặc tính sau, mong tự tách mình ra vậy.
Thứ nhất: Hiệu trưởng được phụ cấp chức vụ, hiện nay đâu chừng vài trăm ngàn/tháng, xét cho cùng không bù được “trách nhiệm nặng nề” nhưng có vẻ nhiều người ham. Người đang làm cố giữ ghế, người đang ngấp ngé cố cho mau thành, đấu đá không kém phần khốc liệt. Hằng năm đến mấy lần lấy phiếu tín nhiệm (có phần khiếm nhã) từ bên Đảng ủy, bên nội vụ, bên ngành do đó nhiều hiệu trưởng cố vo tròn để được lòng hội đồng giáo viên. Có hiệu trưởng đạt đến 60% tín nhiệm nhưng buồn lo, phát bịnh (phải 99% cơ). Chỉ có cách lý giải làm hiệu trưởng là làm chủ tài khoản mà dân gian nói: “cầm dầu ướt tay”. Để “ướt tay” nhiều vị tích cực cho sửa sang, xây dựng những thứ rất buồn cười, ví dụ xây nhà tiêu riêng cho mình, tu sửa những công trình vừa mới sử dụng.
Thứ hai: Có hiệu trưởng tài không, đức cũng không nhưng nhân viên tổ hành chính và khá nhiều giáo viên “kính trọng” đến mức không dám gọi tên. Họ cứ một ông thầy, hai ông thầy, ông thầy bảo thế, ông thầy qui định thế em không dám trái đâu. Ông thầy là ông thầy nào? Trường này nhiều thầy lắm. Họ rón rén nói nhỏ: “thầy hiệu trưởng”. Các vị muốn làm đấng toàn năng chứ gì. Chỉ có cách lý giải hiệu trưởng làm chủ tài khoản nên có quyền cho nghỉ việc bất cứ nhân viên nào, kể cả nhân viên, giáo viên có biên chế thì chuyển sang làm việc khác, trái tay.
Thứ ba: Hiệu trưởng đã có danh rồi, ít nhứt trong một cộng đồng nhỏ. Thế nhưng nhiều vị cứ muốn “làm danh” bằng cách chứng tỏ mình có chữ. Phát biểu trước giáo viên cứ múa chữ vòng vo, phát biểu trước học trò thì hay tả cảnh. Làm thơ ai cấm, nhưng chỉ ở mức báo tường mà cả gan (lấy tiền trường) in tập, phổ nhạc rồi đem bán “phân phối” cho các trường, “anh mua tôi, hôm nào tôi mua lại anh”. Chỉ có cách lý giải hiệu trưởng rảnh quá, công việc một năm học được phòng sở lên khuôn, bao cấp luôn cả kỹ năng làm hiệu trưởng. Thứ nữa làm thơ để “lấy le” cánh chị em, che giấu bất tài nhưng được kẻ nịnh khen có tâm hồn lãng mạn.
Thứ tư: Hiệu trưởng theo qui định dạy 2 tiết/tuần để hưởng “lương phần trăm đứng lớp”. Thế nhưng hiếm có hiệu trưởng dạy đúng chuyên môn của mình trong 2 tiết này mà đa phần dạy cái môn các vị cho là vô thưởng vô phạt, môn giáo dục công dân. Môn học này đòi hỏi người dạy có kiến thức uyên bác và uyên bác bao nhiêu cũng không đủ, thế nhưng các vị chỉ mỗi đọc chép. Vậy còn đỡ, có vị không dạy tiết nào nhưng vẫn hưởng phần trăm đứng lớp, ai dám tố cáo, tố cáo ai nghe. Chỉ có một cách lý giải hiệu trưởng làm quản lý mấy mươi năm quên ngày xưa mình có chuyên môn gì!
Thứ năm: Khá nhiều hiệu trưởng làm bộ yếm thế “quan nhất thời dân vạn đại”. Thế sao các vị không nghỉ hiệu trưởng làm giáo viên không sướng hơn sao? Hiệu trưởng oai quá giờ “xuống” giáo viên mắc cỡ chứ gì. Làm hiệu trưởng sướng quá “sưỡng” mất rồi nên các vị đu cứng ngắc ghế. Thấy các vị đu lâu quá ở một trường thì chuyển đi làm hiệu trưởng trường khác. Nói ác mồm, có người làm hiệu phó từ trẻ đến sắp nghỉ hưu trông các vị bị kỷ luật hay mau chết để thử làm hiệu trưởng ít bữa, xem “cầm dầu ướt tay” thế nào, làm thơ nó thế nào, được kẻ yếu bóng vía kêu “ông thầy” ra sao…
Thứ sáu: Lắm hiệu trưởng có tửu lượng khá và chịu chơi. Hay đúng hơn chịu chơi và tửu lượng khá mới được làm hiệu trưởng. Ăn chơi ai chả thích, vấn đề tiền ở đâu, ai chi trả? Nhiều vị mấy ngày không đến trường vì “bận họp”, bỗng ngày kia đến trường thì y rằng có đoàn về thanh tra, kiểm tra, giao dịch… Sau đó kéo ra quán nhậu, sau nhậu là bi-da, mat-xa… gọi chung là tiếp khách. Tiền tiếp khách nằm trong “khoản chi khác”, cứ thế vận dụng. Nếu hiệu trưởng bỏ tiền túi tiếp khách để nhậu dày như thế họa có điên.
Xin nhắc, ông hiệu trưởng nào lỡ có một trong những đặc tính trên hãy bình tĩnh dùng “phép AQ” chứ đừng sửng cồ hỏi tôi là thằng nào mà hao tổn khí huyết hoặc có thể đột quị. Cũng chả trách, các vị chỉ như con rối mà cơ chế nó giựt dây cho các vị nhảy tưng bừng.
© 2013 Phùng Hi & pro&contra