'Kiềm chế lạm phát không còn là thành tích'
Lạm phát được xem là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế 6 tháng đầu năm, nhưng theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội rủi ro khiến giá cả tăng trở lại vẫn hiện hữu.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Bản tin Vĩ mô, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2013, đưa ra dự báo cho ngắn và trung hạn. Cơ quan này nhận định bức tranh kinh tế 6 tháng gồm cả những gam màu sáng - tối đan xen nhau.
Điểm sáng nhất là lạm phát đã được kiềm chế hiệu quả ở mức thấp (8 tháng giữ ở 3,53%), xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, cán cân tổng thể thặng dư, tạo điều kiện cho việc ổn định tỷ giá và thực hiện bước tiến quan trọng trong việc chống đôla hóa và vàng hóa.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cũng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Báo cáo cho rằng bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng bao gồm cả mảng tối và sáng xen kẽ. Ảnh: FT |
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, nền kinh tế cũng chịu sự suy giảm rõ nét. Thông qua biến động của 4 chỉ số như tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán và việc làm, báo cáo chỉ ra tăng trưởng kinh tế hồi phục chậm đi kèm với những khó khăn trên thị trường lao động.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng 4,9% trong nửa đầu năm là thấp nhất so với cùng kỳ của giai đoạn 2010 – 2013. Trong đó, không chỉ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản – vốn được coi là “trụ đỡ hay đệm giảm sóc” cho nền kinh tế đang trên đà giảm tốc mà cả khu vực công nghiệp và xây dựng cũng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ 6 tháng năm 2010 trở lại đây. Điều này cho thấy tình trạng suy giảm của nền kinh tế không chỉ diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2013 mà còn đưa ra dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ trì trệ kéo dài đến hết năm.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm và lạm phát ở mức thấp, một số ý kiến đề xuất nên hướng tới kích thích nền kinh tế, tức thực hiện chính sách kích cầu.Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, cần hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu. “Việc thực thi các chính sách nới lỏng để kích cầu ở Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro, bởi những ràng buộc quá chặt khiến dự địa can thiệp chính sách là rất hạn hẹp. Do đó, cần tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu”, báo cáo nhấn mạnh.
Cơ quan này cũng đưa những lý do khiến không nên thực hiện kích cầu lúc này: Lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài. Phân tích số liệu từ năm 2006 đến năm 2010, Ủy ban Kinh tế cho biết giá của sự đánh đổi trong ngắn hạn giữa tăng trưởng và lạm phát ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới, phản ánh những rủi ro đáng kể khi thực hiện các chính sách kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng ở Việt Nam. Do đó, mặc dù CPI 8 tháng mới tăng ở mức 3,53% nhưng theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu kìm chế lạm phát ở mức 6-6,5% cho cả năm nay vẫn là khá tham vọng.
Bên cạnh đó, môi trường làm chính sách hiện nay có quá nhiều ràng buộc như nợ công ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Theo nguồn tin từ Chính phủ, nợ công của Việt Nam tính đến 31/12/2012 tương đương 55,5% GDP, nhưng nếu tính cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước thì con số này có thể lên tới 95% GDP - theo một báo cáo trước đây của Ủy ban Kinh tế. Không chỉ vậy, năng lực thiết kế và đặc biệt là việc thực thi chính sách còn hạn chế dẫn đến chính sách chậm được triển khai, làm tăng thêm độ trễ giữa thời điểm nền kinh tế cần được kích thích với thời điểm thực sự được kích thích, dẫn đến sự sai lệnh hoàn toàn kết quả so với dự tính ban đầu.
Với nhận định tổng cầu cần nhiều thời gian để hồi phục, Ủy ban Kinh tế cho rằng phải kiên định và quyết liệt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.
“Những bất cập mang tính cơ cấu, dẫn đến sự kém hiệu quả của đầu tư công, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã làm gia tăng giá của sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn. Do đó, quá trình điều chỉnh của kinh tế Việt Nam sang một quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn sẽ cần nhiều thời gian. Cần có một tầm nhìn trung hạn đối với quá trình này, thay vì quá chú ý đến những dao động ngắn hạn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu”, tổ chức này khuyến nghị.
Theo dự báo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được Ủy ban Kinh tế trích dẫn, trong trường hợp kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ, nhiều khả năng kịch bản tăng trưởng thấp sẽ xảy ra. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013 - 2015 sẽ lần lượt là 4,92%; 5,17% và 5,33%. Điều này cũng phản ánh mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5% khó có thể đạt được trong trung hạn, nền kinh tế sẽ phục hồi chậm chạp kiểu hình chữ U.
Với lạm phát, trong trường hợp ít có sự biến động mạnh về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cũng như cú sốc giá năng lượng và hàng hóa trên thị trường thế giới, chỉ tiêu này năm 2013 sẽ khoảng 7,32%. Trong trường hợp có sự biến động đáng kể trong điều hành chính sách vĩ mô như tăng tỷ giá hay nới lỏng chính sách tín dụng, đầu tư công hoặc tăng mạnh giá điện, than, xăng dầu và dịch vụ y tế thì lạm phát có thể lên tới mức 8,84%. Dự báo lạm phát trong các năm 2014 và 2015 tương ứng là 7,81% và 8,4%.
Trong giới hạn thâm hụt ngân sách không vượt quá 4,8% GDP, Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra một số khuyến nghị. Đầu tiên, cơ quan này cho rằng cần “đây là thời điểm để giải quyết vấn đề nợ đọng từ các công trình đầu tư công bởi một phần của nợ xấu hiện nay đến từ việc chủ đầu tư chậm thanh toán khi thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước. Ngoài ra, ưu tiên giải ngân cho các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình này. Giải pháp này sẽ như một mũi tên bắn trúng hai đích khi vừa giúp tiêu thụ hàng tồn kho vừa tránh lãng phí do đầu tư dang dở gây ra.
Tiếp đó, cần minh bạch hơn nữa chi phí và giá thành điện, nước, xăng dầu để có thể thuyết phục được người dân về sự cần thiết của việc điều chỉnh giá của các loại năng lượng chiến lược này.
Về trung hạn, Ủy ban Kinh tế đề xuất đưa thêm chỉ số lạm phát lõi (lạm phát loại bỏ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng) vào hệ thống giám sát để tách bạch sự ảnh hưởng của các yếu tố phi tiền tệ đến lạm phát trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu điều chỉnh theo xu hướng giảm và giá năng lượng trong nước tiếp tục chuyển sang cơ chế thị trường.
Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế và qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Trọng tâm của quá trình này là buộc các doanh nghiệp Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty phải ràng buộc bởi ngân sách cứng, bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân và chịu sự giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Huyền Thư