“Phân nửa trong số các bị can bị khởi tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức đang là công chức Nhà nước”.
Đó là thông tin do chỉ huy cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho biết về vụ án làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học mà đơn vị vừa khám phá.
Kiên trì rà soát, xác minh từng trường hợp, đến giữa tháng 9, cơ quan công an làm rõ đối tượng liên quan trực tiếp đến đường dây cung cấp giấy tờ giả trên là Nguyễn Mạnh Thái, 35 tuổi, trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.
Những ngày trung tuần tháng 8/2013, qua công tác trinh sát, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ nắm được thông tin về một số đối tượng dùng giấy chứng nhận kết quả thi đại học từ năm 2012, có dấu hiệu bị làm giả, và đã trúng tuyển vào trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Qua rà soát, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện 17 trường hợp trong diện nghi vấn, trong đó 16 trường hợp là công dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Ảnh minh họa. |
Ngay sau đó, quyết định triệu tập Nguyễn Mạnh Thái được cơ quan ANĐT triển khai. Tại cơ quan công an, Thái khai nhận, do nắm được quy trình tuyển sinh của trường Đại học Công nghiệp Việt Trì năm học 2012 là chỉ yêu cầu học sinh nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi đại học của trường khác, nên anh ta nảy sinh ý định làm giả để kiếm lời.
Để thử nghiệm, Thái trực tiếp nhận hồ sơ của Đoàn Ngọc H., quê quán Tuyên Quang. Trước đó, H. thi vào trường Đại học Hùng Vương, khối B, đạt 10 điểm trên tổng số 3 môn thi. Theo tiêu chuẩn, H. không đủ điểm sàn.
Khoảng tháng 10/2012, qua một số người quen, mẹ của H. biết Thái, và quyết định “đầu tư” cho con trai 20 triệu đồng để trở thành… sinh viên. Thái đã sửa giấy báo điểm của H. từ 10 điểm thành 12 điểm, và với giấy báo điểm giả mạo đó, H. ung dung nhập học trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Từ lời khai của Thái, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ lần lượt làm rõ 10 đối tượng liên quan đến vụ án này, trong đó có đối tượng đang là công chức nhà nước, như Bùi Nam Tú, cán bộ trường Trung cấp nghiệp vụ Sông Hồng (tỉnh Phú Thọ); Vũ Thị Hồng, kế toán Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Thọ; Vũ Thị Thu, kế toán Trung tâm Dạy nghề Tiên Phú, Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Thọ…
Các đối tượng này đảm nhiệm vai trò “chân rết”; theo yêu cầu của Thái, họ tìm kiếm các thí sinh có nhu cầu học đại học, thu tiền và bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 với số điểm bất kỳ. Khi đồng ý với giao dịch của các “chân rết”, mỗi gia đình sẽ phải nộp từ 10 đến 40 triệu đồng. Khoản tiền này, Thái thu mỗi trường hợp từ 8 đến 20 triệu đồng, số còn lại các “chân rết” được hưởng.
Về phần Nguyễn Mạnh Thái, khi có các giấy chứng nhận kết quả thi đại học do các đầu mối chuyển về, Thái photocopy bản gốc rồi cắt, dán chỉnh sửa thông tin trên bản photocopy sao cho đảm bảo đủ điều kiện xét tuyển vào hệ đại học của trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Tiếp đó, Thái mang giấy tờ giả đó đi photocopy, rồi mang đi công chứng. Quá trình điều tra vụ án, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định có 3 ủy ban nhân dân xã, phường đã xác nhận, công chứng cho Thái 17 giấy chứng nhận kết quả giả.
Vì sao cán bộ ủy ban nhân dân xã, phường lại dễ dàng xác nhận, công chứng vào các giấy tờ trên? Ngoài trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, còn cơ sở giáo dục nào khác bị Thái và đồng bọn làm giả giấy báo điểm để “nhồi” học viên vào?... đó là những vấn đề đang được Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra, truy xét.
Theo An ninh Thủ đô