Hàng năm có không ít các sinh viên bị "vướng" vào vòng xoáy vay nặng lãi. "Lãi mẹ đẻ lãi con" hậu quả phát sinh từ việc vay nặng lãi là mất tiền, bỏ học... Thậm chí là phạm tội?
Vay nặng lãi là phạm tội
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) qua trao đổi với báo chí, cho biết: Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự 2005 về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất "chuyên bóc lột" của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: Người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và tiền thu được từ việc phạm tội làm nguồn sống chính của mình.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cũng như trong quá trình tác nghiệp, Luật sư chúng tôi cho rằng chứng cứ buộc tội rất cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, là cơ sở quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng kết luận hành vi của một người có hay không phạm tội. Như vậy, bạn có thể cung cấp cho cơ quan công an những nội dung sau: vật chứng (có thể bao gồm tài liệu, băng ghi âm, ghi hình); lời khai về vụ việc của người làm chứng, của những người bị hại để họ tiến hành xác minh, làm rõ hành vi và các chứng cứ liên quan, từ đó có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự khi hành vi của người cho vay có dấu hiệu phạm tội.
Là tội phạm nhưng không dễ truy cứu
Vay nặng lãi là loại hình tội phạm này diễn ra tinh vi, và khó kiểm soát. Có trường hợp khi vay 10 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/triệu/ngày, thời hạn vay trong 3 tháng, trong giấy vay nợ, người cho vay không ghi thành phần vay và phần lãi mà chỉ ghi số tiền vay là một con số cụ thể bao gồm 10 triệu cộng với số tiền lãi đã ước tính. Như vậy số lãi (một căn cứ để kết tội) không được thể hiện bằng văn bản. Với những trường hợp kiểu này, chủ cho vay hoàn toàn có thể đưa con nợ ra tòa và dùng những công cụ trợ giúp của pháp luật để đòi nợ.
Hầu hết các vụ cho vay nặng lãi đều là các giao dịch dân sự với các thỏa thuận tự nguyện từ hai phía. Chính vì vậy, khi vụ án bị phát giác rất có thể, người đi vay (nạn nhân) sẽ bị liên đới với tội danh: Không tố giác tội phạm.
Một vấn nạn nữa của vấn đề vay nặng lãi, là khi con nợ chưa có tiền trả, chủ nợ thường gây áp lực, đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí truy sát khiến con nợ phải hoảng sợ, lánh mặt. Chỉ chờ con nợ trốn khỏi nơi cư trú, thế là chủ nợ có cớ mượn tay cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự, truy cứu trách nhiệm con nợ về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", rất nhiều người đã mắc bẫy này. Nếu cơ quan tố tụng xử lý không khéo, không nắm được bản chất vấn đề thì lúc này, con nợ đang ở vị thế là nạn nhân đã bất đắc dĩ trở thành tội phạm, cơ quan tố tụng vô hình trung lại trở thành người tiếp tay cho kẻ cho vay nặng lãi, tạo cái ''ô che'' cho hoạt động "tín dụng đen".
Các nhà làm luật cần chi tiết hơn, hướng dẫn cụ thể hơn nữa cách xác định loại tội phạm này. Cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế cũng như phát hiện, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Bản thân các bạn sinh viên cần cảnh giác và tố cáo hành vi cho vay nặng lãi, tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này để bảo vệ chính quyền lợi của mình.
Hoài Thương