VRNs (09.10.2013) – Sài Gòn – Theo Dân Trí loan tin, vào những ngày cuối tháng 9.2013, tại các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Phương ở Nghệ An mưa lớn suốt đêm khiến cho hồ Vực Mấu, xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai, Nghệ An mực nước dâng lên cao. Nên xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đã lần lượt mở 5 cửa tràn xả lũ với lưu lượng 1.500m3/s để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, vào lúc 21 giờ ngày 30.09 – 3 giờ ngày 1.10. Giữa đêm đen, mưa lớn, hơn 100 cán bộ công an, quân sự khẩn trương sơ tán dân thoát khỏi biển nước.
Anh Lực, thuộc xã Quỳnh Vinh nhận định: “Về phía chính quyền, trong giờ cao điểm của nước lũ dâng cao thì không liên lạc với ai được. Mãi sau liên lạc được thì họ đến và cũng bất lực.” Anh Lực nói thêm: “Một số bà con phản ánh rằng, tại sao Ban xả lũ được Trung ương cấp và đào tạo học về chuyên ngành xả lũ nhưng sao lại xả lũ không đúng đúng cách, làm cho người dân phải chịu cảnh đau thương này.”
Theo thông tin Giáo xứ Yên Hòa cho biết: “Cha xứ cùng học trò trong xứ vẫn đang còn giúp các gia đình ở vùng thấp di chuyển đồ đạc lên tầng 2 nhà trường giáo lý và một số hộ gia đình ở vùng cao…”.
Về cứu trợ người dân, báo Lao Động cho hay: “Ngay trong đêm 1.10, tỉnh hỗ trợ khẩn cấp Hoàng Mai 100 tấn mì tôm, 100 thùng nước lọc. Hoàng Mai phải huy động thuyền nhỏ đi phát cho dân. Sau một ngày ngập lũ, dân đang đói, khát, lạnh.”
Anh Lực nói: “Sau nước lũ rút, chính quyền có hộ trợ các gia đình bị nạn mấy gói mì tôm. Và ngày 04 – 05.10, có một tốp cán bộ tới các gia đình và giới thiệu là được Tỉnh phái đi đến chia sẻ cho gia đình bị ngập lụt với 10kg gạo.” Trên facebook Người Xứ Bố Sơn viết: “Trong cơn siêu bão số 10 vừa qua, thị xã Hoàng Mai chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Có nhiều hộ gia đình trắng tay, tới mức chẳng còn quần áo mà mặc… Chị T.T.Q.M tại xã Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Lúc nước bắt đầu dâng, cả nhà đã nhanh chóng di chuyển các đồ dùng lên cao vì nghĩ rằng đập Vực Sụ chỉ xả nước ít thôi. Ai ngờ đâu sau 10 phút nước đã mấp mé tới mái nhà – 5 mét, cả nhà nhốn nháo chạy thoát thân, đồ đạc trong nhà trôi mất hết. Giờ thì trắng tay thật rồi”.”
Dân Trí cho biết thêm: “Đêm 1.10, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại thị xã Hoàng Mai, quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương cứu nạn đồng thời bàn phương án cứu dân bị ngập lũ.”
Nguoikiemtim Khatvong, người Nghệ An nhận xét: “Cũng như nhiều mùa Mưa trước, năm nay, chương trình thực tập cứu hộ ở các xã ven biển và đồng bằng miền Trung lại diễn ra, khi nghe tin bão đang tiến vào đất liền, những trò diễn tập lại tái hiện. Cũng loa kèn, hò reo, cũng hô xung phong và báo cáo thành tích như mọi năm… Thường thì một nhóm khoảng chừng hai chục người, có người dẫn đầu là trưởng ban an ninh xã, thôn xóm hoặc trưởng chi hội phụ nữ xã những người này được kêu gọi đi tập huấn chương trình cứu hộ bằng lời hứa sẽ trả công mỗi người từ 60 – 100 ngàn đồng cho mỗi buỗi tập huấn và cấp cho một áo phao trong thời gian tập huấn. Xong buổi tập huấn thì trở về nhà, trả lại mọi thứ và nhận tiền, trưởng nhóm báo cáo thành tích lên bên trên là xem như xong… Năm mô mà chẳng rứa, cứ thực tập đủ chuyện nhưng đến khi có bão lụt thì phần ai nấy lo. Trong lúc thiên tai, suốt nhiều năm nay người dân khi mô cũng cũng trơ trọi, cô đơn đối diện với nó, hiếm có nhóm cứu hộ nào xuất hiện.”
Nguoikiemtim Khatvong viết tiếp: “Và rồi khốn nỗi thay những phần quà của bà con thì có khi chẳng dùng được vì quá hạn sử dụng hoặc chất lượng quá kém. Đó là chưa kể đến chuyện nhân viên cứu trợ đã cắt xén khá nhiều trong quá trình mang quà đến với dân nghèo bị thiên tai. Thêm nữa, những nhân viên, công chức bán chuyên trách ở các địa phương Xã Thôn Xóm cũng là tấm lưới lọc quà cứu trợ hiệu năng nhất. Toàn cái gọi là “Cá mè một lứa”. Cụ thể như có nhiều lần, đoàn cứu trợ về, các nhân viên bán chuyên trách của xã chạy hớt ha hớt hải về nhà kêu người bà con lên đứng xếp hàng nhận quà. Nhận xong quà, đoàn cứu trợ vừa quay đi thì các nhân viên bán chuyên trách này đứng ra thu lại toàn bộ số quà, trả cho mỗi người dân 20 ngàn đồng tiền công. Sau đó mang quà vào kho cất kĩ. Số quà này sau đó đi về đâu, dân không biết được…?? Sự thật quá phũ phàng.”
Hồ Vực Mấu là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An nhằm phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Quỳnh Lưu. Hồ được đưa vào sử dụng từ năm 1980. Có người chor ằng, nếu lúc đó không xả lũ thì sẽ vỡ hồ, và sẽ nguy hại hơn cho dân. Vấn đề ở đây là một công trình xây dựng trong vùng năm nào cũng có bão lũ mà để cho vừa không an toàn cho dân vừa không an toàn cho hồ thì công trình đó có mặt vì lợi ích của ai?
HT, VRNs