BBC - thứ ba, 8 tháng 10, 2013
Thanh tra chính phủ Việt Nam vừa công bố kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó cho thấy nhiều sai phạm trong công tác quản lý và hoạt động kinh doanh.
Mức đầu tư này cao hơn vốn điều lệ của công ty (77 nghìn tỷ đồng) đến hơn 45 nghìn tỷ đồng.Báo trong nước dẫn kết luận công bố ngày 7/10 cho biết tính đến năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư 121 nghìn tỷ đồng ra ngoài ngành, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Mặc dù đầu tư ra ngoài doanh nghiệp với mức khá cao, mức lợi nhuận sau thuế thu được từ các khoản này của EVN lại âm đến 2.195 tỷ đồng.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất, năm 2011, toàn EVN lỗ trên 10 nghìn tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá trên 26 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, EVN vẫn còn nợ hơn 22 nghìn tỷ đồng từ các nhà máy phát điện, trong đó có hơn 10 nghìn tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán, hơn 9 nghìn tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và hơn 335 tỷ đồng từ Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy hiện toàn tập đoàn EVN có hệ số nợ là 84,89%, riêng công ty mẹ EVN có hệ số nợ là 76,45%, hệ số giữa nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của toàn tập đoàn là 6,27 lần.
Tính tiền xây biệt thự vào giá điện
"Tôi cho đây là một việc làm nhân văn và cũng đã được các cơ quan thẩm định xây dựng dự án đồng ý"
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN
Báo cáo của thanh tra chính phủ chỉ ra rằng có sáu dự án điện của EVN bao gồm cả hạng mục "Khu nhà quản lý vận hành và sửa chửa".
Điểm đáng chú ý tại các dự án này là số vốn đầu tư với tổng giá trị trên 595 tỷ đồng được sử dụng để xây dựng các loại biệt thự , chung cư và các cơ sở tiện ích như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis phục vụ cho cán bộ công ty.
Toàn bộ số chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện. Đồng nghĩa với việc sẽ được tính vào giá bán điện.
Ngày 7/10, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN được báo Công an Nhân dân phiên bản điện từ (CAND) dẫn lời nói đây là khoản đầu tư để “thu hút cán bộ” làm việc tại các dự án.
“Khi đầu tư xây dựng dự án bắt buộc phải xây dựng khu nhà quản lý và vận hành. Các nhà máy này đều được xây dựng ở các khu vực heo hút, miền núi nên để thu hút cán bộ có trình độ cao lên làm việc trên đó cũng phải đầu tư hạ tầng như nhà ở, trường lớp, khu vui chơi giải trí," ông nói.
"Tôi cho đây là một việc làm nhân văn và cũng đã được các cơ quan thẩm định xây dựng dự án đồng ý”.
Vấn đề tiền lương cũng là một trong những sai phạm tại EVN.
Kết luận của thanh tra chính phủ nói trong năm 2009, lao động định mức của EVN là 4.690 người, cao hơn 45% so với lao động thực tế sử dụng. Đến năm 2010, lao động định mức của EVN là 4.878, cao hơn 51,5% so với lao động thực tế sử dụng.
Chênh lệch lớn giữa lao động định mức và lao động thực tế sử dụng tại EVN dẫn đến chênh lệch giữa tổng quỹ lương kế hoạch và tổng quỹ lương thực hiện.
Sai lệch trong quy chế chia lương tại EVN cũng được thanh tra chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra.
Cụ thể là năm 2010,thu nhập khối văn phòng của EVN cao gấp 2,9 lần khối phát điện, 2,44 lần khối truyền tải và 3,78 lần khối phân phối. Sự chênh lệch này có giảm trong năm 2011, nhưng vẫn còn khá lớn (lần lượt là 2,12 lần, 1,82 lần và 2,88 lần.)
Trong khi đó, tổng mức quỹ lương, thưởng, phụ cấp cho Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc năm 2010 là 3.108 tỷ đồng, trái với yêu cầu thực hiện đơn giá tiền lương bằng 95% đơn giá được duyệt năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm đó.
Thanh tra chính phủ đã kiến nghị xử lý tài chính gần 1.100 tỷ đồng và hơn 1,648 triệu đôla vi phạm sau khi kết thúc công tác thanh tra đối với EVN.