THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 October 2013

Liệu có cần nới lỏng chính sách tiền tệ?!

000_Hkg7408985-305.jpg
Một tài xế xe ôm chờ khách trước một trạm rút tiền ATM ở TPHCM
AFP photo
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-10-08
Trong bản báo cáo mới công bố ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (WB) một lần nữa dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ là 5,3%, WB khen ngợi các chính sách vĩ mô áp dụng đã giúp VN cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, thể chế tài chính quốc tế này cũng lo ngại Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ
Kinh tế tăng trưởng chậm
Theo định nghĩa, chính sách tiền tệ là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, với bản chất là nhằm điều tiếtcung tiền và lãi suất để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm. Do đó, việc thắt chặt hay nới lỏng cung tiền tương đương với việc tăng hoặc giảm lãi suất, từ đó sẽ hạn chế hoặc khuyến khích ngân hàng cho các doanh nghiệp vay tiền, và rồi tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới đưa ra phần về Việt Nam có nhận xét rằng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm gia tăng quan ngại về chất lượng tín dụng và bất ổn vĩ mô, bởi tăng trưởng chậm có thể đòi hỏi Việt Nam tiếp tục nới lỏng tiền tệ dẫn đến lạm phát và ảnh hưởng xấu đến tất cả những thành tích mới vừa đạt được gần đây.
Báo cáo cho rằng lạm phát Việt Nam đã giảm liên tục trong vòng 2 năm qua, cán cân thương mại thặng dư nhờ xuất khẩu tăng nhanh, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại tệ cũng tăng, thế nhưng, quan ngại nhất mà WB chỉ rõ là “nền kinh tế Việt Nam lại đang rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới vào thập niên 1980 tới nay.”
Quan điểm này của WB cũng được Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên và nhiều chuyên gia khác trong diễn đàn Mùa Thu mới diễn ra cùng cảnh báo “Kinh tế Việt Nam vẫn trong lộ trình xuống đáy” hay “tại sao chúng ta lại duy trì những chính sách kìm nén sự phát triển kinh tế đất nước.”
Trước thực trạng kinh tế trì trệ, để đẩy mạnh tăng trưởng trở lại, thời gian qua, Việt Nam đã liên tục cho giảm lãi suất và cả áp dụng biện pháp phá giá đồng nội tệ 1% nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Nhận xét về lần điều chỉnh tỷ giá mới đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết quan điểm của ông với chúng tôi:
Tôi cũng vẫn rất lo lắng với những khó khăn của năm 2013 vì gần như hầu hết những vấn đề của năm 2012 vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.
- Bà Phạm Chi Lan
Xoay quanh vấn đề tỷ giá có rất nhiều quan điểm, có quan điểm cho rằng ổn định tỷ giá là vấn đề rất tốt vì đây là yêu cầu đầu tiên, nhưng bên cạnh việc ổn định tỷ giá thì có tác dụng của nó. Ổn định tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và thực chất nó sẽ làm sơ cứng một số hoạt động của nền kinh tế, chính vì vậy, gần đây, Ngân hàng quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng lên 1%, khi tỷ giá tăng lên 1% thì cũng sẽ có những tác động của nó đến nền kinh tế. Thứ nhất, đối với nợ công của chính phủ sẽ tăng lên. Thứ hai, Việt Nam hiện nay là một nước phát triển vì thế lượng nhập khẩu rất lớn, năm nào cũng nhập siêu và khi tỉ giá tăng thì lượng hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng đến giá hàng nhập, từ đó, khiến mặt bằng chỉ số CPI trong nước sẽ tăng và tất nhiên, như vậy sẽ tăng cường hoạt động xuất khẩu.
Theo cách phân tích của T.S Ngô Trí Long, rõ ràng khi đồng nội tệ xuống giá, đồng nghĩa với các gánh nặng nợ mà Việt Nam đi vay từ các thể chế quốc tế sẽ bị đẩy lên cao hơn, hơn nữa, khả năng lạm phát quay trở lại cũng dễ thành hiện thực. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật khi tăng trưởng cao thì lạm phát cao và ngược lại, đây cũng là lời giải thích vì sao Việt Nam phải rất cân nhắc khi thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là “con ngựa bất kham” lạm phát mới vừa được chinh phục, nếu Việt Nam lại bằng mọi giá đẩy nhanh tăng trưởng.
Sẽ cho phá giá đồng tiền?
000_Hkg8718969(1)-250.jpg
Giao thông trên một đoạn đường cao cấp ở Hà Nội hôm 21/6/2013. AFP photo
Về quan hệ giữa lạm phát và nới lỏng tiền tệ tín dụng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cảnh báo về mối nguy này khi bà cho chúng tôi biết về nhận xét trong một lần phỏng vấn trước đây:
Tôi cũng vẫn rất lo lắng với những khó khăn của năm 2013 vì gần như hầu hết những vấn đề của năm 2012 vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Lạm phát vẫn có thể bùng trở lại khi Nhà nước “nới” ra một chút về tín dụng chẳng hạn, thì nó vẫn có thể bùng lên trở lại và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn và nhiều vấn đề khác của nền kinh tế vẫn còn đó.
Hôm 27/9 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn tại New York với hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết có thể cho phá giá đồng Việt Nam một lần nữa với dự tính tối đa là 2% vào cuối năm nay tùy theo tình hình thị trường, với lý do đồng VN được định giá quá cao so với đồng đô la Mỹ.
Về mặt lý thuyết, khi chất lượng của đồng tiền cao nó sẽ cung cấp những thông tin đáng tin cậy về các chi phí có liên quan đến hàng hóa và dịch vụ để các nhà lập chính sách có thể đưa ra những quyết định chính xác và phù hợp, góp phần thúc đẩy sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô như: việc làm, thu nhập, công bằng, an sinh xã hội…
Tuy nhiên, theo lời T.S Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Ngân hàng Việt Nam khi trả lời truyền thông trong nước cho rằng chính sách tiền tệ không phải là “cây đũa thần” bởi mỗi công cụ chính sách chỉ mang lại hiệu quả cao khi theo đuổi một mục tiêu, theo đó, chính sách tiền tệ sử dụng để kiểm soát lạm phát sẽ hiệu quả hơn là sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng.
Trên nguyên tắc, có 4 yếu tố cơ bản cho tăng trưởng kinh tế là: lao động, vốn, đất đai và công nghệ, trong đó, vốn (các dòng tiền trong nền kinh tế) chỉ là một kênh mà thôi, vì thế, để có sự tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần phải kết hợp được hài hòa mọi chính sách và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không thể hiệu quả nếu Việt Nam buộc công cụ này phải đảm đương quá nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Có thể nhận thấy ở mỗi giai đoạn khác nhau, nền kinh tế Việt Nam lại cần những liệu pháp khác nhau, hiện tại, việc nới lỏng chính sách tiền tệ dù muốn, dù không vẫn là việc nên làm để giúp đỡ số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Vấn đề đặt ra chỉ còn là “liều lượng” nới lỏng thế nào để vừa ngăn ngừa lạm phát, vừa có sự tăng trưởng và hẳn là Việt Nam phải biết chấp nhận cả những đánh đổi trong ngắn hạn để có được những phát triển bền vững trong tương lai lâu dài.