THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 October 2013

Chìa khóa 10 tỷ USD cứu ngân sách!

000_Hkg8903776-305.jpg
Trung tâm mua sắm Vincom Mega Royal City tại Hà Nội, một trong những trung tâm mua bán lẻ ngầm dưới lòng đất lớn nhất ở châu Á. Ảnh chụp hôm 17/8/2013
AFP phot
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-10-08
Tư nhân hóa khu vực kinh tế Nhà nước càng nhiều càng tốt sẽ giúp chính phủ có khả năng quân bình ngân sách, lại có thêm tiền cho các lĩnh vực cần thiết phục vụ quốc kế dân sinh.
Những đề xuất của VAFI
Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính VAFI vừa đề xuất 5 giải pháp gọi là đổ đầy tiền vào cái túi rỗng của Nhà nước. Đề xuất này được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh ngân sách bội chi hơn 140.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD trong 9 tháng vừa qua. VAFI nói các giải pháp của họ nếu thực hiện có thể thu được cả chục tỷ USD cho ngân sách, kể cả những nguồn thu mỗi năm.
Các giải pháp của VAFI có thể tóm gọn là Nhà nước rút chân khỏi phần lớn lãnh vực kinh doanh theo cách có hiệu quả nhất; bán các bất động sản giá trị lớn ở trung tâm Saigon Hà Nội; bán đứt các doanh nghiệp Nhà nước thay vì cổ phần hóa; bán hết cổ phần Nhà nước tại các công ty làm ăn tốt để được giá trị cao; ngoài ra ở những lĩnh vực cần duy trì có thể cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh có hiệu quả theo hình thức 3 cổ đông, là Nhà nước, Công đoàn và Đảng ủy. Theo cách làm này ngân sách Nhà nước có thêm phần cổ tức được chia. Ngoài ra VAFI còn đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 20% đối với mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn. Sau hết VAFI đề nghị cải tổ thị trường chứng khoán xem như một mũi nhọn của nền kinh tế để thu lợi.
Muốn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì trước nhất phải rà soát lại và thu hẹp lại những lãnh vực Nhà nước không nhất thiết phải làm, Nhà nước có thể rút bớt ra và để cho khu vực tư nhân làm.
- Bà Phạm Chi Lan 
Chưa bàn tới đề xuất mới nhất của VAFI gởi Thủ tướng, các Bộ ngành và Quốc hội. Nếu Chính phủ muốn đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực Kinh tế Nhà nước thì hẳn nhiên phải cổ phần hóa hoặc thoái vốn. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
Muốn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì trước nhất phải rà soát lại và thu hẹp lại những lãnh vực Nhà nước không nhất thiết phải làm, Nhà nước có thể rút bớt ra và để cho khu vực tư nhân làm. Những doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, thì Nhà nước vẫn còn giữ một tỷ lệ cổ phần khá cao. Trong khi có nhiều lãnh vực Nhà nước không nhất thiết phải giữ cổ phần cao như vậy, thì Nhà nước có thể bán bớt đi phần tài sản của Nhà nước để đưa doanh nghiệp đó ra hoạt động theo hướng thị trường nhiều hơn. Như thế vừa đỡ gánh nặng cho Nhà nước vừa thu hồi một phần vốn mà Nhà nước đã bỏ vào đấy, để chi dùng vào việc khác, nhất là điều kiện ngân sách rất khó khăn trong vài năm gần đây và đặc biệt rõ trong năm nay, tỷ lệ đầu tư do ngân sách Nhà nước giảm sút   trong điều kiện khó khăn.
Một trong những giải pháp mà VAFI đề xuất có việc bán một cách triệt để cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp, công ty đã cổ phần hóa và kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, Mobifone, Viettel, Bia Saigon, Bia Hà Nội. VAFI ước tính Ngân sách Nhà nước có thể thu được từ 5 tới 10 tỷ USD. Theo lời ông Nguyễn Hoàng Hải, chủ tịch VAFI nói với báo Tuổi Trẻ Online, làm việc này Nhà nước vừa thu được tiền vừa được thêm một điều là các doanh nghiệp sau đó thường hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn.
Chúng tôi cho rằng, ý tưởng của VAFI và quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không khác biệt nhau, dù VAFI đi vào chi tiết. Chúng tôi đưa ra sự so sánh này để thấy là giải pháp của VAFI có giá trị khả thi.
Giảm vai trò của nhà nước
000_Hkg8903787-250.jpg
Bên trong Trung tâm mua sắm Vincom Mega Royal City ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 17/8/2013. AFP photo
Các giải pháp của VAFI khá triệt để riêng trong vấn đề giải tư, Nhà nước rút chân khỏi nhiều lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, Trung tâm thương mại trên những khu đất vàng đất bạc ở các thành phố lớn như Hà Nội và Saigon.
Mặc dù chỉ là một đề xuất trong bối cảnh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước diễn ra một cách chậm chạp, nhưng cũng có những ý kiến quan ngại về việc tài sản Nhà nước bị thất thoát trong quá trình giải tư, như thực tế ở Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
Quá trình cải cách ở Việt Nam là một quá trình tiệm tiến dĩ nhiên có những bước đột phá, bây giờ đang cần có đột phá. Đối với cải cách doanh nghiệp Nhà nước thì nó có nhiều khía cạnh, trong đó có một khía cạnh quan trọng là cổ phần hóa hay là thoái vốn. Khía cạnh thứ hai là chương trình này không chỉ kéo dài ngắn hạn 1-2 năm mà nó kéo dài theo mục tiêu đặt ra từ nay đến 2015 và sau đó đến 2020. Thứ ba quá trình này sẽ gắn câu chuyện cải cách doanh nghiệp Nhà nước với vấn đề minh bạch và giám sát. Tất nhiên rất khó có thể có mọi thứ đều hoàn hảo, nhưng mà bài học ấy ở Việt Nam ít nhiều cũng cảm nhận được và học được từ nước ngoài và hy vọng lần này thì câu chuyện cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả của những doanh nghiệp Nhà nước còn lại chẳng hạn, sẽ được gắn với những vấn đề xã hội cũng như đảm bảo tính minh bạch và hạn chế thất thoát.
Cho nên quan niệm Kinh tế quốc doanh chủ đạo là tầm nhìn đã xưa rồi, từ thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung mà chúng ta đã loại bỏ. Phải đi đến chỗ giải quyết tư duy về vấn đề đó cho rõ ràng.
- Ông Bùi Kiến Thành
Giải tư, tư nhân hoá hay gọi theo Việt Nam là cổ phần hóa, là thoái vốn nhà nước hay là gì khác thì đều trong tiến trình làm giảm vai trò khu vực kinh tế Nhà nước. Hiến pháp 1992 hiện hành qui định khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế.  Hiện có nhiều ý kiến là cần rành mạch bỏ phần qui định này ra khỏi bản Hiến pháp.
Ông Bùi Kiến Thành, nhà tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
Kinh tế quốc doanh đương ở trong tình trạng rất bi đát về khả năng hoạt động sao cho hiệu quả. Cho nên quan niệm Kinh tế quốc doanh chủ đạo là tầm nhìn đã xưa rồi, từ thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung mà chúng ta đã loại bỏ. Phải đi đến chỗ giải quyết tư duy về vấn đề đó cho rõ ràng.
Đề xuất của VAFI gây được sự quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Phúc, phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội được báo Tuổi Trẻ Online trích thuật nói rằng, đề xuất bán bớt cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Mobifone… là đáng suy nghĩ. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, đây là gợi ý quan trọng cho Quốc hội.
Hàng tỷ USD đang chờ Nhà nước bổ sung ngân sách nếu chấp thuận tư nhân hóa, giải tư khu vực kinh tế quốc doanh theo đề xuất của VAFI. Nhưng các chuyên gia đặt vấn đề, nếu chương trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã ì ạch đến thế, thì liệu những ý tưởng đột phá dễ gì được chấp nhận. Nhất là với quan điểm muốn duy trì khu vực kinh tế Nhà nước đủ mạnh để định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.