(Dân trí) - Những ngày qua, các tỉnh ĐBSCL hứng chịu những cơn mưa dài nặng hạt, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước lũ ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,… không ngừng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Lũ tấn công thành phố
Theo ghi nhận của PV Dân trí trong những ngày qua, do mưa lớn, triều cường cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm nhiều tuyến đường trong nội TP Cần Thơ, TP Long Xuyên, Vĩnh Long,… bị ngập sâu.
Tại TP Cần Thơ, nhiều tuyến đường bị ngập như đường 30/4, đại lộ Hoà Bình, đường Hoàng Quốc Việt, quốc lộ 91B,… Trong đó, đường Hoàng Quốc Việt (phường An Bình) và đường 91B bị ngập sâu đáng kể, có đoạn ngập từ 0,7 – 0,9m.
Nhiều năm qua, người dân sống ở hẻm 51 (đường 3/2) luôn chịu cảnh bì bõm như thế này mỗi khi có mưa lớn và triều cường dâng cao.
Theo ghi nhận của PV Dân trí trên đường Hoàng Quốc Việt, nước lũ tấn công từ khoảng 5h30 kéo dài đến hơn 7h. Đáng nói trên tuyến đường này có nhiều trụ sở doanh nghiệp và trường tiểu học An Bình 1. Cảnh phụ huynh, học sinh và hàng ngàn công nhân phải bì bõm “vượt sông” đi học, đi làm là cảnh thường diễn ra.
Đường ngập sâu gây cảnh kẹt xe, các phương tiện chết máy, tình trạng ùn ứ kéo dài hàng giờ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây, dù tình trạng kẹt xe kéo dài cả giờ nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng đến điều tiết giao thông.
Tượng tự như TP Cần Thơ, tại TP Vĩnh Long, TP Long Xuyên,… cảnh lũ dâng ngập cũng kéo dài khiến người dân khốn đốn. Cụ thể tại TP Long Xuyên, nhiều tuyến đường chính ở phường Mỹ Long và Mỹ Bình bị ngập sâu như ngã ba Lý Thái Tổ - Trần Hưng Đạo hướng về phà An Hòa (bị ngập từ 20 - 30cm), Lý Thái Tổ - Chu Văn An (ngập từ 15 - 25cm), đường Yết Kiêu (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo vào khoảng 50m) bị ngập từ 10 - 20cm .
Tại Vĩnh Long, dù có nhiều biện pháp chống ngập nhưng đường Hoàng Thái Hiếu, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Hưng Đạo Vương, 3 tháng 2 và đường Nguyễn Huệ vẫn bị ngập từ 25-30 cm, thậm chí có nơi ngập sâu đến 50cm; nước tràn qua vỉa hè vào nhà các hộ dân, gây khó khăn trong sinh hoạt và ách tắc giao thông cục bộ.
Lũ “tàn phá” khu vực nông thôn
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương ngày 6/10, lũ sông Mê Kông đang xuống; sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở mức đỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, vài ngày tới các tỉnh thượng nguồn có thể bị ngập úng.
Trong những ngày tới lũ sông Cửu Long, vùng ĐTM và TGLX xuống dần. Đến ngày 12/10, mực nước tại Tân Châu ở mức 4,15 (trên BĐ2: 0,15m), tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên BĐ2: 0,15m), tại các trạm chính hạ lưu, vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ1- BĐ2.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, Đồng Tháp, mùa lũ 2013 đã làm sạt lở một số tuyến đường và gây thiệt hại trên 5.000ha lúa cùng nhiều hoa màu, nhà cửa. Một số nơi người dân phải thu hoạch lúa non để chạy lũ.
Cũng do áp lực mực nước lũ đạt đỉnh, nhiều đoạn ven sông Tiền trong mấy ngày qua liên tiếp xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông khá nguy hiểm, nhất là ở các xã ven sông Tiền, huyện Hồng Ngự.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, địa phương vừa hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi hộ vùng sạt lở để tự tìm chỗ ở tạm. Trước mắt, các ngành chức năng tập trung bảo vệ lúa, hoa màu của nông dân. Huyện đang gia cố lại tuyến đê bao dài 4.500 m để bảo vệ hơn 2.600 ha lúa vụ 3 của 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền.
Ngập lụt khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn
Nguyễn Hành