THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 October 2013

Hàn Quốc "tấn công" vào Việt Nam và Indonesia!

RFI - Thứ ba 08 Tháng Mười 2013

Sản phẩm điện tử Samsung, sức hấp dẫn lớn với thị trường Đông Nam Á.
Sản phẩm điện tử Samsung, sức hấp dẫn lớn với thị trường Đông Nam Á.
REUTERS/Hong Ki-won/Yonhap

Thu Hằng
Sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao cũng như nền công nghiệp điện ảnh và thời trang Hàn Quốc nhận được sự ưu ái tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để chinh phục thị trường tiềm năng nằm trong tay Trung Quốc, nhân chuyến công du tham dự Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương - APEC, thủ tướng Park Geun-Hye đã thăm chính thức hai đối tác tiềm năng lớn là Việt Nam và Indonesia. Nhật báo Le Figaro phân tích sự kiện này trong bài : « Hàn Quốc "tấn công" vào Việt Nam và Indonesia ».

Làn sóng Hàn Quốc đang vỗ vào Đông Nam Á, miền đất hứa mới của các tập đoàn Hàn Quốc. Năm 2012, đầu tư của Hàn Quốc vào khu vực này lớn nhất trên thế giới, vượt cả Bắc Kinh vốn đã trở thành đối tác thương mại của Seoul, trước cả Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tận dụng làn sóng âm nhạc K-pop đang lan tràn tại các nước trong khu vực Asean, Hàn Quốc muốn thúc đẩy đầu tư vào các con rồng miền Nam. Sau khi đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9 vừa qua, thủ tướng Park Geun-Hye đã tranh thủ hội nghị APEC để thăm chính thức nước chủ nhà Indonesia.
Hai quốc gia này là đối tượng kinh tế chính của Seoul, mà trước mắt sẽ là những hợp đồng năng lượng. Nữ thủ tướng Hàn Quốc hy vọng sẽ bán được các nhà máy điện cho quốc đảo Indonesia, mà trước đó hai bên đã có những hợp đồng quân sự quan trọng, như chuyên cơ chiến đấu T50 hay tầu ngầm. Từ năm 2007, trao đổi thương mại song phương giữa Indonesia với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi và đạt tới 30 tỉ đô la vào năm 2012.
Tại Hà Nội, thủ tướng Hàn Quốc đã kí một hợp đồng dành quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo cho  Việt Nam. Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga thực hiện vào năm tới. Chính quyền Việt Nam đã thắt chặt được mối quan hệ với tập đoàn Samsung.

Nhà máy khổng lồ thứ hai của Samsung sẽ được xây dựng vào năm tới với công suất hơn 100 triệu điện thoại mỗi năm.Tận dụng nguồn nhân công rẻ và có quy củ, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ này trở nên không thể thiếu, chiếm 11% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Giải thích về chuyển hướng đầu tư vào khu vực Asean, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung (Samsung Economic Research Institute - Seri) cho biết : « Chúng tôi thực hiện một chiến lược đa dạng hóa đầu tư. Yếu tố đầu tiên là công nghiệp với mục tiêu là sản xuất với giá thành thấp để tái xuất khẩu. Nhưng đồng thời cũng chú ý thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp trung lưu mới ».

Và Seoul có lợi thế để thu hút được những người tiêu thụ mới này : đó chính là « quyền lực mềm » văn hóa (soft power) thông qua các bộ phim truyền hình dài tập và các ban nhạc mà giới trẻ từ Bangkok tới Manila đều biết.

Các « pop idols » kí hợp đồng với các tập đoàn lớn trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm và thường mang về cho các nhà đầu tư thị phần lớn. Hàn Quốc cũng giữ được hình ảnh tích cực trong con mắt của các nhà cầm quyền trong khu vực muốn bắt chước « phép mầu kinh tế ».

Chỉ năm 2012, các nhà thầu xây dựng Hàn Quốc đã kí được 11 tỉ đô la hợp đồng tại khu vực đang sôi sục phát triển cơ sở hạ tầng này. Đối với Seoul, cuộc « Nam tiến » mới chỉ bắt đầu.

Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – APEC 

Vẫn liên quan tới hội nghị APEC sẽ kết thúc tối nay tại Bali (Indonesia), các nhật báo Pháp tiếp tục quan tâm đến sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Barack Obama và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế giữa Hoa Kỳ và khu vực Asean.

Trong bài : « Ngõ cụt ngân sách tại Hoa Kỳ đầu độc Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương », phóng viên nhật báo Le Figaro cho biết sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Barack Obama khiến châu Á lo sợ sự quay lại chính sách bảo hộ mậu dịch với sự nổi lên của Trung Quốc.

Thay thế tổng thống Mỹ tại hội nghị, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đảm bảo rằng : « Không gì có thể phá hoại cam kết của tổng thống Mỹ tới việc xoay trục sang châu Á ». Còn tổng thống Singapore Lý Hiển Long công bố : « Không ai có thể thay thế Hoa Kỳ, không phải Trung Quốc, không phải Nhật Bản mà cũng chẳng phải là một cường quốc nào khác ».

Nhờ sự vắng mặt của người đồng nhiệm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc trở thành nhân vật quan trọng nhất. Phát biểu về vai trò của Trung Quốc trong khu vực, ông phát biểu : « Trung Quốc không thể phát triển một cách tách rời khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Á-Thái Bình Dương cũng không thể thịnh vượng nếu không có Trung Quốc ».

Thông tín viên của báo Le Monde tại Bắc Kinh cho biết : « Trung Quốc cởi mở hơn đối với các sáng kiến của Mỹ tại châu Á ». Nhờ sự vắng mặt của tổng thống Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình thoải mái hành động. Một trong những đề xuất của ông là đào sâu hơn khu vực tự do trao đổi Trung Quốc-Asean, có hiệu lực từ tháng giêng năm 2010, với tham vọng đẩy tổng lượng trao đổi từ 400 tỉ đô la (khoảng 295 tỉ euro) vào năm 2012 lên 1000 tỉ đô la vào năm 2020.

Với dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » (TPP) do Mỹ đề xướng, Trung Quốc và Mỹ trở thành đối thủ cạnh trạnh tầm ảnh hưởng trong khu vực này. Cho dù có kí các thỏa thuận khu vực hay không, mục tiêu của Bắc Kinh là kéo Đông Nam Á vào thành một khu vực hội nhập kinh tế. Điểm quan trọng của dự án này là thúc đẩy « liên kết với nhau » giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dưới hình thức xây dựng các mạng lưới đường bộ, đường sắt và truyền thông mà Bắc Kinh sẽ giúp tài trợ. Về điểm này, Trung Quốc đã thắng trước một nước vì Hoa Kỳ ở quá xa để có thể cạnh tranh.

Học thuyết chống khủng bố mới của Obama

Thứ bẩy vừa qua, Abou Anas Al-Libi bị bắt tại thủ đô Tripoli của Lybia. Nhật báo Le Monde tường thuật quá trình bắt giữ cũng như tiểu sử của một trong những kẻ thân cận của Ben Laden trong bài : « Một nhân vật của Al-Qaida bị người Mỹ bắt ». Còn báo Le Figaro quan tâm phân tích : « Học thuyết chống khủng bố mới của Obama ».

Sau vụ khủng bố diễn ra ngày 11/09/2001, tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush hứa tiến hành « chiến tranh chống khủng bố » ở mọi có kẻ khủng bố. Từ đó, quân đội Hoa Kỳ đã tập trung sức lực vào các trận chiến chống lại kẻ thù không tương xứng, vô hình, quen đánh du kích. Sau hai thất bại tại Irak và Afghanistan, tổng thống Barack Obama tái cử nhờ đã hứa tránh đẩy Hoa Kỳ lún sâu thêm trong các cuộc xung đột.

Trong diễn văn hồi tháng 5 năm 2013 vừa qua, tổng thống Obama xem xét lại việc sử dụng máy bay không người lái, thường được sử dụng một cách triệt để trong cuộc chiến tranh chống các thành phần hồi giáo cực đoan tại Pakistan. Thế nhưng, những cuộc tấn công này gây rất nhiều thiệt hại cho dân thường và làm tăng thêm tinh thần chống Mỹ tại đây. Nhiều chuyên gia Mỹ cũng đánh giá rằng những cuộc tấn công như thế không mang lại hiệu quả mong muốn.

Chiến dịch đặc công dường như đang được tái sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố. Trái với các cuộc xung kích bằng máy bay không người lái, chiến dịch đặc công tránh gây tổn thất cho dân thường và cho kết quả cũng rất ngoạn mục, như vụ tiêu diệt trùm khủng bố Ben Laden. Các cuộc đột kích cũng cung cấp thêm thông tin để phá vỡ âm mưu tấn công hay góp phần phá hủy các mạng lưới khủng bố.

Tuy nhiên, việc không can thiệp quân sự vào Syria, hay ý định không mở thêm các mặt trận mới trong thế giới Hồi giáo mà Washington đang tiến hành hiện nay không có nghĩa là cường quốc số 1 thế giới sẽ không sử dụng vũ lực để chống khủng bố nữa. Ngược lại, các cuộc đột kích tại Somalie và Libya chứng minh rằng các cơ quan Mỹ bận tâm tới những mối đe dọa khủng bố tại châu Phi.

Dưới tiêu đề : « Các mạng lưới bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đang hồi sinh », một bài báo khác trên Le Figaro quan tâm tới vận mệnh của mạng lưới Al-Qaida trước các cuộc tấn công của Mỹ. Khoảng 25 trên tổng số 40 nhân vật quan trọng nhất của Al-Qaida bị bắt hay tiêu diệt và 350 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do tổng thống Mỹ ra lệnh từ năm 2008 tới nay, song không vì thế mà mạng lưới này yếu đi mà đang trở nên độc lập hơn bởi các chi nhánh có mặt ở mọi nơi. Tình hình bất ổn tại thế giới Ả-rập từ Libya tới khu vực Lưỡng Hà cũ tạo thành một vùng đất thuận lợi cho sự phát triển của phong trào khủng bố, dù phong trào này đã chịu nhiều đòn tấn công.

Khách du lịch Trung Quốc, giàu có và bị ghét

Cách hành xử của khách du lịch Trung Quốc bị nhiều báo chí Pháp đả kích. Tờ The New York Times international weekly số mới nhất cũng phản ánh thực trạng này trong bài : «Khách du lịch Trung Quốc, giàu có và bị ghét ». Phụ trương của báo Le Figaro số ra hôm nay dịch và đăng lại bài viết của đồng nghiệp Mỹ.

Theo Tổ chức Du lịch quốc tế, năm 2012, 83 triệu người Trung Quốc đã chi 102 tỉ đô la ở nước ngoài, vượt qua người Mỹ và Đức. Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc cũng là những người bị ghét nhất. Họ thường không biết những phong tục tập quán đất nước nơi họ đến và không giỏi ngoại ngữ.

Dù vậy, rất nhiều nước vẫn muốn làm mọi việc để thu hút khách Trung Quốc. Ví dụ, một thành phố biển tại Úc sẵn sàng chi 45 triệu đô la để xây dựng một công viên theo chủ đề Trung Quốc với mô hình Tử Cấm Thành và một tòa tháp 9 tầng với tượng đức Phật khổng lồ ở trong. Nước Pháp, một trong những địa điểm ưa thích của người Trung Quốc, với 1,4 triệu khách năm 2012, cũng muốn theo xu hướng này để thu hút thêm khách Trung Quốc.

Sau nhiều vụ tai tiếng với cách hành xử thiếu giáo dục, Phó Thủ tướng Uông Dương đã phải lên tiếng chỉ trích « chất lượng giáo dục » của Trung Quốc gây tổn hại tới thanh danh của quốc gia này. Thế nhưng, tác giả bài báo cũng đề cập tới một khía cạnh ít được báo chí quốc tế khai thác là chất lượng và phong cách phục vụ mà một số khách Trung Quốc đã phải chịu đựng. Họ cũng bị lợi dụng và bị hướng dẫn viên địa phương hay văn phòng du lịch lừa đảo.

Iitate, làng ma gần Fukushima

Le Courrier International mới đây trích dịch lại bài viết nói về một dự định du lịch chống lại sự quên lãng tại Fukushima của một nhóm các nhà trí thức Nhật Bản. Báo La Croix số ra hôm nay quan tâm tới cuộc sống tại một ngôi làng cách Fukushima 35 km, dưới tựa đề : « Iitate, làng ma gần Fukushima ».

Với 6 200 dân, trong đó có 700 trẻ em, trước khi thảm họa xảy ra, hiện giờ làng Iitate chỉ còn một người sống liên tục tại đây. Một số người khác vẫn thỉnh thoảng quay lại thăm nom nhà cửa và ngủ lại qua đêm cho dù trái với lệnh cấm. Minh họa cho bài báo là ảnh người dân duy nhất của làng, trước đây là một kĩ sư, với phát minh đo mức độ phóng xạ các sản phẩm địa phương. Các sản phẩm này đều bị nhiễm xạ cao gấp 19 lần mức độ cho phép. Từ sau thảm họa, việc trồng trọt ở đây vẫn không thể tiến hành được, dù một phần đất canh tác đã được tẩy rửa.

Gần hai năm rưỡi nỗ lực nhằm làm nguội các lò phản ứng bị thiệt hại và sử lý nước dùng cho mục đích này, các sự cố vẫn liên tục xảy ra. Được biết, một đoàn làm việc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ tới quan sát diễn biến tình hình tại các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân.