THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 October 2013

Cải cách thể chế: 'Trông chờ Hội nghị 8'

Cải cách thể chế: 'Trông chờ Hội nghị 8'

Cập nhật: 14:16 GMT - thứ ba, 8 tháng 10, 2013 -BBC UK-




VN không cải cách chính trị tương xứng với cải cách kinh tế.

Một trong những nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu ở Việt Nam nói đất nước cần cải cách chính trị nhằm vực dậy nền kinh tế.Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói việc có thay đổi thể chế hay không "tất cả đều trông đợi vào nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8".

Ông giải thích với BBC hôm 5/10: "Thể chế và bộ máy [hiện nay] của chúng ta đã không huy động được hết động lực của người dân và cũng không tạo ra được sự công bằng xã hội, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra.
"Bộ máy nhà nước chi tiêu thường xuyên tới 71,2% tổng chi ngân sách nhưng mà những dịch vụ công mà bộ máy nhà nước ấy đem lại cho người dân thì lại quá ít và gần đây giáo dục và y tế đều tăng phí lên trong khi chất lượng của dịch vụ người dân đang than phiền rất nhiều."
"Một vấn đề khác là doanh nghiệp nhà nước cũng rất mong đợi được cải cách.
"Nếu tình hình không chuyển biến thì kinh tế Việt Nam rất khó vượt qua được những khó khăn hiện nay và tăng trưởng cao và có hiệu quả như của những năm 1990 sau công cuộc Đổi Mới."
Thiếu giám sát
Trả lời câu hỏi tại sao ngay cả trong cơ chế cũ cũng vẫn có những thủ tướng được đánh giá cao như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Doanh nói:
"Cơ chế bầu cử của Việt Nam hiện nay là không gắn với một chương trình hành động nào, cũng không gắn với sự giám sát, kiểm sát nào."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
"Ngay cả việc người lãnh đạo có được bầu lên hay không cũng phụ thuộc vào cơ chế bởi vì một cơ chế nào đấy sẽ cho phép bầu lên những lãnh đạo sáng suốt, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc.
"Cơ chế bầu cử của Việt Nam hiện nay là không gắn với một chương trình hành động nào, cũng không gắn với sự giám sát, kiểm sát nào.
"Việc bầu cử, cử nhân sự được làm trong nội bộ Đảng, trong Ban chấp hành trung ương Đảng với sự quy định và tham gia rất mạnh của các vị lão thành cách mạng cũng như các bên có liên quan."
Tiến sỹ Doanh cũng nói thêm rằng việc áp dụng khái niệm trách nhiệm tập thể cũng gây cản trở sự phát triển:
"Thể chế hiện nay không cho phép xác định rõ ràng trách nhiệm cá nhân vì mọi quyết định đều là của tập thể theo danh nghĩa, tức là người đứng đầu đề xuất ra và mọi người khác đều đồng ý. Ở trong Bộ chính trị cũng như vậy và ở trong Chính phủ cũng như vậy."
"Trong cơ chế tập thế ấy, có thể có người này người kia không được hoàn toàn như ý nhưng nếu họ phản đối thì có lẽ họ sẽ bị loại khỏi guồng máy."
Kinh tế nhà nước
Liên quan tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Tiến sỹ Doanh nói dự thảo Hiến pháp đầu tiên không đề cập tới vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước nhưng dự thảo hiện nay "có hai phương án, một là kinh tế nhà nước là chủ đạo và một là chấp nhận kinh tế nhiều thành phần được đối xử bình đẳng."

 
Nhiều doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam làm ăn kém hiệu quả cho dù được ưu tiên hơn các doanh nghiệp tư nhân

Ông nói: "Gần đây nhất khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ là ông ấy ủng hộ phương án kinh tế nhà nước là chủ đạo và tôi thấy nếu ông Tổng bí thư đã quyết định thì khả năng phương án đó sẽ được chấp nhận là rất nhiều."
Tiến sỹ Doanh nói trong quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam cũng đã có những cột mốc đáng kể nhưng đổi mới chính trị đã không theo kịp đổi mới kinh tế.
Ông nói Luật doanh nghiệp, vốn bắt đầu có hiệu lực từ năm 2000, đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh, tự do đăng ký mà không cần có quyết định của chủ tịch tỉnh đã huy động được sức mạnh của người dân.
Tiếp theo đó việc ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi năm 2007 đã thúc đẩy việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bất chấp những bước tiến này, ông Doanh nói Việt Nam đã "không thực hiện được công khai, minh bạch, không có cơ chế để thu dụng người tài, không có cơ chế xác định trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân."
Lợi ích nhóm
Giải thích chuyện vẫn có người ủng hộ vai trò lớn của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, ông Doanh nói:
"Phần lớn ủng hộ cái đó bởi vì họ có lợi ích nhóm rất lớn là kinh tế nhà nước có thể là miếng đất màu mỡ để tạo công ăn việc làm cho con em họ, hay có nguồn thu nhập bổ sung."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
"Phần lớn ủng hộ cái đó bởi vì họ có lợi ích nhóm rất lớn là kinh tế nhà nước có thể là miếng đất màu mỡ để tạo công ăn việc làm cho con em họ, hay có nguồn thu nhập bổ sung."
Vị tiến sỹ nhận định rằng "lợi ích nhóm ở đâu cũng có, nhưng cần được kiểm soát theo cơ chế công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình."
Ông bình luận: "Kinh nghiệm cho thấy kinh nghiệm của Hàn Quốc và kinh nghiệm của Đài Loan là những nước đã cải cách kinh tế nhưng sau đó tiếp tục tiến hành cải cách về thể chế, về chính trị nên họ đã có được động lực và có được các chính khách để dẫn dắt nền kinh tế của họ phát triển như thần kỳ của Thế kỷ 20 và bây giờ họ đang tiếp tục phát triển nữa."