CTV Danlambao - Theo báo cáo Tổng kết Công tác y tế năm 2012, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện năm 2013 của Bộ Y tế, công tác chăm sóc sửa khỏe bà mẹ, trẻ em gần như không đạt được kết quả nào đáng chú ý. Đặc biệt từ khi Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên nhậm chức từ năm 2011, các chỉ số tai biến và tử vong ở các bà mẹ sau sinh không hề giảm mà còn tăng lên nhanh chóng.
Bản báo cáo thống kê số liệu các chỉ số như: số mắc tai biến sản khoa (9 tháng đầu năm) năm2010 là 2811, năm 2011 là 3191, đặc biệt năm 2012 là 4270, mức tăng báo động. Tỷ suất mắc tai biến sản khoa/1000 ca năm 2010 là 2,8/1000, năm 2012 là 2,7/1000, năm 2012 là 2,8/1000. Số ca tử vong mẹ là năm 2010 là 85, năm 2011 là 69, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012 đã là 86 trường hợp.
Đặc biệt, trong năm 2013 này, theo thống kê từ báo chí, đã có rất nhiều trường hợp sản phụ tử vong khi sinh, gây nên sự phẫn nộ, bức xúc của thân nhân sản phụ và những người quan tâm. Đã nhiều lần gia đình sản phụ đã mang xác người chết đến bệnh viện yêu cầu làm rõ lí do, mang quan tài diễu phố để biểu thị sự oan khuất của mình.
1. Hàng loạt sản phụ và trẻ sơ sinh chết khi đến bệnh viện gần đây
Trong những ngày gần đây, dư luận hết sức quan tâm và bức xúc trước việc sản phụ Nguyễn Thị Xuân, 40 tuổi, xã Phúc Thiệu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong ngày 17/10 trong khi sinh tại bệnh viện đa khoa huyện.
Bức xúc trước sự tách trách, bỏ bê của bác sỹ trong ca trực sinh, cụ thể là ông Lê Văn Định - Phó Giám đốc BVĐK Thiệu Hóa, người trực tiếp điều hành ca mổ này, gia đình và hàng trăm người dân đã bao vây trước cổng bệnh viện. Sau đó, thân nhân và cả ngàn người dân đã chở quan tài diễu hành gần một ngày quanh thị trấn Vân Hà, huyện Thiệu Hóa và đến nhà riêng của ông bác sỹ Lê Văn Định để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân. Cái chết này hết sức bất thường vì trước khi sinh, bác sỹ kết luận rằng thai nhi khỏe mạnh, sản phụ đủ điều kiện để sinh.
Qua trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Xuân vừa mới tử vong, chúng ta nhìn lại thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2013, có hàng loạt trường hợp sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong trong khi sinh. Liệt kê những trường hợp gần đây, ai cũng thấy hoảng hồn trước những vấn nạn này.
- Ngày 17/10, sản phụ Nguyễn Thị Xuân, 40 tuổi, chết tại bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa, Thanh Hóa. (3)
- Ngày 07/09, sản phụ Vũ Thị Thúy, 28 tuổi, chết tại bệnh viện Phụ sản- Nhi Bình Dương (4).
- Ngày 04/09, sản phụ Nguyễn Thị Vinh (Nghi Phong, Nghi Lộc), chết tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh, Nghệ An (5).
- Ngày 29/08, sản phụ Lê Thị Kim, đến BV đa khoa An Giang sinh, đứa bé sau 20 ngày thì tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn (6).
- Ngày 10/06, sản phụ Trần Thị Vân Anh chết tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 (hai trường hợp tử vong mẹ và con) tại Khoa Sản BVĐK Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến nay (7).
- Ngày 10/09, sản phụ Ngô Thị Dịu, 33 tuổi, chết tại bệnh viện đa khoa Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế (8).
- Ngày 19/08, sản phụ Nguyễn Thị Bích Hường, 32 tuổi, chết tại bệnh viên đa khoa Hiệp Hòa- Bắc Giang (9).
- Ngày 15/08, sản phụ Đinh Thị Liên, chết tại Bệnh viện đa khoa Yaun Pa- Gia Lai. Đáng báo động hơn, từ đầu năm 2013, có hơn chục sản phụ chết tại BVĐK Yaun Pa và BVĐK Gia Lai (10).
- Ngày 07/08, sản phụ Trần Thị Phượng, chết tại bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (11).
- Ngày 3/7, sản phụ Bùi Thị Linh đến BV đa khoa Bình Phước sinh. 5 ngày sau, đứa bé sơ sinh tử vong (12).
...
Trên đây là một vài trong rất nhiều trường hợp sản phụ đến bệnh viện sinh, sau đó người mẹ hoặc trẻ sơ sinh, hoặc cả 2 đều tử vong. Sự việc diễn ra một cách đồng loạt, ở nhiều địa phương, nhiều nơi trong cả nước.
2. Những nguyên nhân chủ yếu
Nguyên nhân tử vong của các sản phụ và thai nhi được đưa ra là do sản phụ vỡ ối, trẻ sơ sinh bị ngạt, nuốt phải nước ối,… Đáng lưu ý đặc biệt là khi thấy các sản phụ đau đớn vật vã, gia đình đã yêu cầu bác sĩ trực tiếp mổ để lấy đứa bé ra. Tuy nhiên, họ vẫn thờ ơ, bỏ mặc dù thân nhân sản phụ đã van nài, khẩn cầu cứu lấy bà mẹ và đứa trẻ đang chuẩn bị sinh. Cho đến khi người sản phụ và trẻ sơ sinh đã quá nguy kịch, họ mới thực hiện việc phẫu thuật thì đã quá trễ. Rõ ràng, nguyên nhân lớn nhất cho việc vô trách nhiệm, thờ ơ bỏ mặc của y bác sỹ trong việc đỡ đẻ cho các sản phụ.
Suy đi nghĩ lại vì sao sản phụ chết, chúng ta đều nhận thấy vẫn là vì tiền. Vì “nghèo quá, không có tiền đưa phong bì”. Y bác sỹ, ngoài việc nhận lương của bệnh viện trả cho họ để chăm sóc bệnh nhân, thì ngoài ra, họ còn muốn có phong bì của gia đình bệnh nhân, sản phụ “dúi” vào tay để bôi trơn cho từng bước đi nhanh chậm, từng sự quan tâm ân cần “lương y như từ mẫu”. Đối với những người có điều kiện, việc bỏ ra vài trăm ngàn cho đến vài triệu để “lót tay ”, cho thân nhân mình được chăm sóc tận tụy, nhiệt tình không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng đối với gia đình nghèo khó, đến bữa ăn từng ngày còn phải chạy vạy, huống gì là “phong bì ” cho y tá, bác sỹ chứ!
Sau cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân, gia đình đã đau đớn xót xa phát biểu rằng: “Giá mà chúng tôi đưa phong bì thì Xuân không chết” (1), hiện tại, bài viết này đã bị xóa trên trang news.zing.vn. Tuy nhiên, nó còn lưu lại tại đây (2).
3. Trách nhiệm thuộc về ai?
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người bác sỹ thực hiện việc đỡ sinh. Vì quá non kém tay nghề hay vì thờ ơ, bỏ mặc sản phụ dẫn đến cái chết của họ. Ngoài việc phải chăm lo nâng cao khả năng, tay nghề thì vấn đề quan tâm nhất lại thuộc về y đức, một vấn đề đã xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây qua vấn nạn phong bì mà bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần thừa nhận.
Trách nhiệm tiếp theo phải thuộc về bệnh viện. Họ phải đưa ra nguyên nhân trung thực, khách quan cho những cái chết của sản phụ. Không thể đưa ra nguyên nhân chung chung, gỡ tội cho nhân viên của họ. Đồng thời đền bù cho thân nhân người chết vài chục đến vài trăm triệu rồi mọi việc lại chìm xuống. Mạng người gồm một người mẹ và đứa trẻ sơ sinh không thể rẻ thế.
Tuy nhiên, trách nhiệm cao nhất phải thuộc về Bộ Y tế, mà cụ thể là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi nhậm chức Bộ trưởng, bà Tiến đã hô hào về việc nhận phong bì rằng: “Hãy gửi ảnh bác sỹ nhận phong bì cho tôi” (13). Trách nhiệm quản lý cấp dưới bị bà Tiến đẩy sang cho người dân, trong khi đáng lẽ bà là người phải nhận trách nhiệm về việc này. Thêm nữa không thể hô hào người dân tố cáo tiêu cực, trong khi tính mạng của người thân họ lại nằm trong tay y bác sỹ, nhân viên của bà. Đáng chú ý hơn, sau hàng loạt cái chết của sản phụ gần đây, bà Tiến gần như im lặng lờ đi, không hề có một động thái nào.
4. Pháp luật quy định trách nhiệm hình sự như thế nào
Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Căn cứ vào điều luật này, những y bác sỹ chịu trách nhiệm cho cái chết của sản phụ hoặc thai nhi có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm, có thể là 5 năm đến 12 năm nếu chết cả sản phụ và trẻ sơ sinh (nhiều người). Đồng thời, bị cấm hành nghề trong vòng 1 năm đến 5 năm.
Trong 3 năm 2010, 2011, 2012 và chưa tính 2013, hơn 200 bà mẹ đã tử vong. Chưa có 1 bác sỹ nào "hề hấn" gì. Và bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tiếp tục bình chân như vại trong cái ghế Bộ trưởng Y tế.
_________________________________
Chú thích:
(4) nld.com.vn/suc-khoe/san-phu-chet-bat-thuong-o-binh-duong-lai-do-thuyen-tac-oi-20130917093559207.htm
(6) phunuonline.com.vn/xa-hoi/y-te/ky-luat-e-kip-lien-quan-vu-be-so-sinh-tu-vong-do-ngat/a102631.html
(9) phunuonline.com.vn/xa-hoi/y-te/san-phu-tu-vong-nguoi-nha-de-xac-truoc-cua-phong-kham/a100323.html