THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 October 2013

Báo chí tại Việt Nam bị các cơ quan nhà nước coi thường!

HÀ NỘI  (NV) .- Cũng là công cụ phục vụ chế độ, nhưng các báo đài tại Việt Nam làm trung gian chuyển đơn thư khiếu nại, phần lớn bị lờ đi. Quá lắm, chỉ được trả lời “chung chung”.


Một sạp báo trên lề đường ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân nhờ nhà náo chuyển đến các cơ quan nhà nước phần lớn đều bị lờ đi. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)


Đấy là thực tế được nêu ra trong một cuộc hội thảo có tựa đề “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí” mới đây và được báo Đất Việt thuật lại hôm Thứ Hai 21/10/2013.
Cuộc hội thảo do Trung Tâm Truyền Thông Giáo Dục Cộng Đồng (MEC – thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam) phối hợp với Tòa Đại Sứ Anh quốc tổ chức.

Theo tờ Đất Việt kể lại “Có đến 70% đến 75% số công văn hoặc phiếu chuyển đơn thư khiếu nại của báo chí gửi cho cơ quan nhà nước một đi không trở lại. Số được phản hồi cũng mang tính chung chung, tránh né”.
Trong cuộc hội thảo, kết quả cuộc khảo sát “268 nhà báo từ cấp tỉnh thành đến báo cấp Bộ Ngành, hoạt động tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực khắp cả nước cơ quan báo chí xác nhận sở dĩ điều này trở nên phổ biến vì Luật không quy định chế tài đơn vị vi phạm nhưng không phản hồi báo chí”, nguồn tin trên kể.

Hiện nay, theo điều 3 của Luật Báo Chí, chế độ Hà nội buộc các cơ quan công quyền phải trả lời “ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát, thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí biết kết quả hoặc biện pháp giải quyết”.

Luật là vậy nhưng các cơ quan công quyền của chế độ phần lớn lờ đi, coi như không có. Một nhà báo ở Sài Gòn tham dự cuộc hội thảo nói trên dẫn chứng một thí dụ có thật. Báo Dân Trí “đã nhiều lần làm công văn, phiếu chuyển, thúc đẩy và viết đến 30 bài về một vụ việc, nhưng cơ quan nhà nước được nói đến vẫn im lặng, không thèm trả lời. Mãi đến bài viết thứ 31, bí quá, họ mới trả lời nhưng nội dung cũng chung chung kiểu 'chúng tôi đang xem xét, hiện chưa có kết luận cuối cùng, khi nào có kết luận cuối cùng sẽ xử lý và phản hồi đến báo chí”.
Nhà báo nêu ra dẫn chứng vừa kể than : “Trả lời kiểu đó thì cũng bó tay.”

Báo Thanh Niên thỉnh thoảng vẫn thấy đăng danh sách hàng chục độc giả của báo này được nhà báo chuyển đơn thư nhưng không được các “cơ quan chức năng” trả lời trong hạn định 30 ngày, từ cơ quan Công an đến “Ủy ban nhân dân” tỉnh.

Cách đây không lâu, Bộ Công an CSVN ra văn thư còn cấm báo “tác nghiệp” nếu không được sự cho phép của các ông bà Công an cảnh sát. Văn thư này bị đả kích dữ dội là trái luật nên đã bị thu hồi.

Tại Việt Nam hiện nay có hơn 700 “cơ quan báo chí” với khoảng hơn 17,000 người được cấp thẻ nhà báo. Nhà báo cũng là viên chức của nhà cầm quyền hay một cơ quan nào đó của nhà cầm quyền, một thứ công chức cán bộ.


Tuy nhiên, hệ thống báo đài tại Việt Nam đều bắt buộc phải có một “cơ quan chủ quản” tức là một cơ quan của nhà nước, bất cứ lãnh vực nào đứng ra khai thác thông tin báo chí, thì mới được phép hoạt động.

Các báo đài đó thường xuyên nhận lệnh qua các cuộc họp “giao ban” từ “ở trên”. Vượt ra ngoài giới hạn cấm kỵ là mất chỗ câu cơm, hoặc tồi tệ hơn thì có thể tù tội. (TN)