SÀI GÒN (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn vừa thông qua một dự án xây dựng khu đô thị mới trên phần đất, trước đây là pháp trường Long Bình, quận Thủ Ðức, sau gần một năm nghị định thi hành án tử bằng phương pháp tiêm thuốc độc có hiệu lực.
Tuy nhiên, từ khi pháp trường bị đóng cửa cho đến nay, vẫn còn hàng ngàn hài cốt vô thừa nhận.
Tuy nhiên, từ khi pháp trường bị đóng cửa cho đến nay, vẫn còn hàng ngàn hài cốt vô thừa nhận.
Trường bắn Long Bình được san lấp chuẩn bị cho dự án đô thị mới. (Hình: báo Người Lao Ðộng) |
Theo báo Người Lao Ðộng, phần lớn các ngôi mộ còn lại tại đây bị bỏ phế suốt một thời gian dài.
Sau khi bị hành quyết, chính quyền không để lại chi tiết nhận dạng nhân thân. Hầu hết các ngôi mộ tử tù không có thân nhân đi thăm một thường xuyên, mộ bia bị hư hỏng, lâu ngày biến thành những nấm đất hoang bên đường. Thời gian trôi dần, người thân của họ khó truy tìm được hài cốt.
Ông Ba Son, nhân viên pháp trường có thâm niên làm việc tại đây cho biết, đã tìm cách liên lạc với gia đình của hàng trăm tử tù biết để đến nhận hài cốt. Thế nhưng từ khi có lệnh giải tỏa, cho đến một năm sau, ông Ba Son không hề nhận được sự phản hồi. Ông nói: “Có gia đình không trả lời điện thoại, cũng không hồi âm thư báo tin của tôi.”
Báo Người Lao Ðộng dẫn lời ông Son nói rằng, hầu hết gia đình tử tù mang mặc cảm, tâm lý xấu hổ với láng giềng nên không chịu đến nhận hài cốt. Chính vì vậy, nhiều tử tù đã được hỏa táng và gửi tro cốt vào các ngôi chùa ở địa phương.
Ông Son còn nói thêm, nhiều tử tù ký giấy cho phép các “đàn em” của mình đứng ra chôn cất. Giờ đây, những người “đạo tì bất đắc dĩ” nọ không biết đang lang bạt ở phương trời nào. Ðiều thực tế này gây khó khăn cho người nhà của tử tù muốn đến nhận hài cốt. Ông Ba Son cũng cho biết, trước khi khu vực pháp trường được san bằng, ông và các cộng sự đã khai quật hàng ngàn hài cốt còn lại, ghi lại tên tuổi, quê quán những hài cốt mà ông biết để chờ người thân đến tìm nhận.
Cũng theo báo Người Lao Ðộng, pháp trường Long Bình là một trong những địa chỉ thi hành án tử lớn nhất miền Nam, tập trung toàn bộ số tử tù miền Nam Việt Nam từ sau năm 1976 trở lại đây. Thời gian qua, người dân địa phương coi khu vực này là vùng đầy “sát khí” nên ít có ai dám bước vào, trừ các phu pháp trường.
Sau khi pháp trường bị giải tỏa, khu vực này trở thành nơi “kín cổng cao tường.” Nhiều người tự hỏi, liệu ai dám đến trú ngụ tại những căn nhà mới mọc trên phần đất này. (PL)